Trụ sở xã Thạch Hương (cũ) vừa xây dựng lại với nguồn vốn 8 tỷ đồng đang đẹp “long lanh” nay bỏ hoang |
Bỏ không công sở
Thực hiện đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh Hà Tĩnh từ 262 xã giảm xuống còn 216 xã. Sau sáp nhập hình thành 34 xã trên cơ sở sáp nhập lại 80 xã theo địa giới hành chính mới. Việc thực hiện đề án đã mang lại hiệu quả nhất định trong chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước.
Theo tính toán của Sở Nội vụ Hà Tĩnh, sau sáp nhập có 1.589 người sẽ nghỉ việc đồng nghĩa tiết kiệm được 138 tỷ đồng tiền lương mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế sau hơn nửa năm thực hiện đề án, ngoài những hiệu quả trước mắt, đến nay toàn tỉnh Hà Tĩnh thừa 46 trụ sở xã, hiện tại vẫn chưa có kế hoạch sử dụng, đang bỏ không.
Tại huyện Thạch Hà, những trụ sở thừa sau sáp nhập được chính quyền địa phương phát thông báo bán đấu giá, cho thuê nhưng chưa có phản hồi. Trong số đó, có những trụ sở vừa được đầu tư tiền tỷ để xây dựng như trụ sở xã Thạch Hương (cũ) sau khi sáp nhập từ hai xã Thạch Lâm, Thạch Tân thành xã Tân Lâm Hương. Trụ sở của xã Thạch Hương (cũ) có diện tích rộng hàng ngàn m2, gồm hai dãy nhà hai tầng cùng hội trường khang trang được xây dựng vào năm 2018. Trụ sở này vừa đưa vào sử dụng chưa được 2 năm thì nay bỏ hoang.
Cách trụ sở xã Thạch Hương khoảng hơn 15km, trụ sở xã Việt Xuyên (cũ) cũng đang bỏ không sau khi sáp nhập với các xã Thạch Tiến, Phù Việt thành xã Việt Tiến. Trụ sở này gồm nhà hành chính hai tầng, nhà cấp 4 được nâng cấp sửa chữa vào năm 2017 với nguồn vốn 3 tỷ đồng, nay đã có hiện tượng xuống cấp.
Ông Nguyễn Đình Kiều, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương (nguyên Chủ tịch UBND xã Thạch Hương cũ) xác nhận, sau khi sáp nhập, trụ sở xã Thạch Hương cũ dư thừa, chưa sử dụng vào mục đích khác. Trụ sở này có 4 hội trường xây dựng vào các thời điểm 2000, 2008, trong đó hội trường phục vụ cộng đồng được xây dựng và hoàn thành vào năm 2018. “Hiện tại, trụ sở này đang còn đẹp, mới đưa vào sử dụng khoảng 2 năm. Giai đoạn từ năm 2017 đến hết 2018, đầu năm 2019, kinh phí bỏ ra để xây dựng khu trung tâm hành chính là trên 8 tỷ đồng”, ông Kiều cho hay.
Bài toán khó giải
Cũng câu chuyện sau sáp nhập, tại huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), hiện có 12 trụ sở xã dư thừa không được sử dụng. Huyện này là một trong những địa phương có nhiều xã sáp nhập nhất nước từ 28 xã, thị trấn xuống còn 16 xã, thị trấn. Có những trụ sở xã vừa được đầu tư tiền tỷ để xây dựng, sửa sang lại nhằm về đích nông thôn mới nhưng nay cũng bỏ không. Như xã Đức Thanh, Đức Bình, Đức Thịnh sáp nhập thành xã Thanh Bình Thịnh có 2 trụ sở xã bị bỏ hoang. Trụ sở xã Đức Thanh cũ phải đầu tư hơn 4 tỷ đồng để về đích nông thôn mới, trong khi xã còn nợ xây dựng nông thôn mới khoảng 10 tỷ đồng...
Ông Võ Công Hàm, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ đánh giá, việc giải quyết các trụ sở còn tồn đọng không thể thực hiện được nhanh gọn mà cần có thời gian, có thể chấp nhận tạm thời bỏ hoang. “Hiện tại còn 12 điểm trụ sở xã dư thừa nếu bán được thì sẽ bán, còn những điểm không bán được để lại đó làm cơ sở, trung tâm hoạt động cộng đồng. Nhìn vào thì thấy lãng phí, nhưng chấp nhận tạm thời bỏ hoang”, ông Hàm cho hay.
Còn theo lãnh đạo Phòng Quản lý Giá và Công sản, Sở Tài chính Hà Tĩnh, việc bán tài sản gắn liền với đất ở các xã dôi dư đang gặp nhiều khó khăn. Bởi còn có vướng mắc trong việc xác định giá khởi điểm. Trên thực tế, trong thời gian qua một số trụ sở cũ được bán đấu giá, tuy nhiên không thành công do không có tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia đấu giá.
“Đối với các trụ sở xã dôi dư sau sáp nhập nếu không kịp thời xử lý thì sẽ không tránh khỏi tình trạng xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí. Trước đó UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương soát xét lại các cơ sở nhà đất sau khi sáp nhập, phải có trách nhiệm bảo quản khi chưa có phương án xử lý”, lãnh đạo Phòng Quản lý Giá và Công sản cho hay.
Tác giả: HOÀI NAM
Nguồn tin: Báo Tiền Phong