Kinh tế

Vì sao Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung được “đặc cách” khi đến Việt Nam?

Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung sang Việt Nam làm việc trong 5 ngày. Ngày thứ nhất vị này ở trong khách sạn và xét nghiệm y tế âm tính, ngày thứ hai ông được rời khỏi khách sạn để thực hiện công vụ.

Đây là nhân sự cấp cao của doanh nghiệp Hàn Quốc - nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu lên trường hợp này như một dẫn chứng về giải pháp thực hiện cách ly phù hợp với tình hình thực tế.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chủ trương các nhân sự cấp cao của doanh nghiệp Hàn Quốc (theo danh sách của Đại sứ quán Hàn Quốc đề nghị) sớm được giải quyết việc nhập cảnh, thực hiện chuyến công tác ngắn ngày tại Việt Nam.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với các Bộ Ngoại giao, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội xử lý ngay vấn đề mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nơi có hệ số an toàn cao.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin sẽ khai thác bay thương mại quốc tế tới 6 quốc gia và vùng lãnh thổ từ ngày 15/9 tới gồm Trung Quốc, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia; trên tinh thần thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (ảnh: Mạnh Thắng)

“Mở đường bay trên nguyên tắc: Mở đường bay tới các nước đã kiểm soát bệnh tốt và tương đồng với Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của nước đó. Việt Nam mở lại các đường bay một cách cẩn trọng, mở dần từng bước để đúc kết kinh nghiệm” - Người phát ngôn Chính phủ cho hay.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Chính phủ từ ngày 3/9 về việc mở lại 6 đường bay nói trên, nhưng hiện nay các Bộ, ngành chưa có ý kiến về việc này và chưa đưa ra các giải pháp kiểm soát dịch Covid-19.

“Giải pháp về ứng xử là có đi có lại với nước bạn, đây là nguyên tắc đối ngoại. Trong điều kiện ta kiểm soát dịch tốt, nhưng chưa có vaccine thì ta chưa thể nói trước được. Đối tượng nhập cảnh gồm chuyên gia, người lao động, các cơ quan ngoại giao, khách du lịch… Ta sẽ phải tính toán.” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và cho biết giải pháp về ứng xử là có đi có lại với nước bạn, đây là nguyên tắc đối ngoại.

Về kiểm dịch, nguyên tắc là khách lên máy bay phải được xét nghiệm âm tính, sau khi nhập cảnh phải kiểm soát, cách ly.

“Cách ly như thế nào?” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt câu hỏi và thẳng thắn nêu vấn đề: “Khách sang làm việc 5 ngày mà yêu cầu họ cách ly 14 ngày thì không ai muốn sang nữa”.

Dẫn chứng lại việc mới đây Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã phải quyết định cho nhập cảnh đối với 1 trường hợp chuyên gia cao cấp tới Việt Nam, đây là việc cho thấy phải thực hiện phù hợp trong tình hình thực tế.

“Một Phó Chủ tịch của Tập đoàn Samsung sang Việt Nam 5 ngày nên ta không đặt vấn đề phải cách ly 14 ngày. Khi sang Việt Nam, họ phải ở trong khách sạn, ngày thứ nhất xét nghiệm âm tính, tới ngày thứ hai mới để họ thực hiện các hoạt động công vụ theo lịch trình. Trong quá trình này vẫn bảo đảm các giải pháp về phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, không tiếp xúc gần….” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.

Cũng theo Người phát ngôn Chính phủ, dự kiến Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc sẽ sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 17 - 18/9, nếu Việt Nam đặt vấn đề cách ly 14 ngày để phòng chống dịch thì khách sẽ không sang nữa. Qua đó có thể thấy đây là vấn đề ứng xử có đi có lại giữa các quốc gia.

“Tới đây, Bộ GTVT cùng các Bộ, ngành sẽ báo cáo Thủ tướng để có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan chức năng về việc cách ly hành khách sau khi mở lại đường bay quốc tế. Nếu không mở lại đường bay thì sẽ không phát triển được kinh tế, vì vậy quyết tâm phải mở lại các đường bay quốc tế” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm.

Thu phí cách ly như thế nào?

Đề cập tới việc thu phí cách ly, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Từ ngày 1/9/2020, tất cả các trường hợp thực hiện cách ly phải tự chi trả chi phí. Riêng vấn đề khám, chữa bệnh chi trả theo Khoản 2, Điều 48 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

“Nếu trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu về nước thì phải tính toán. Vừa qua, nhiều gia đình người Việt Nam từ nước ngoài về cũng có nhu cầu được ở nơi cách ly có dịch vụ tốt hơn, ta nên tạo điều kiện cho người dân.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các địa phương phải tạo điều kiện cho các khu cách ly, khách sạn, nơi lưu trú (như ở Quảng Ninh là toàn bộ khu FLC) vừa để tạo việc làm cho các doanh nghiệp, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.

Tác giả: Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG