Tin Hà Tĩnh

Vì sao dừng giám sát đặc biệt về bảo vệ môi trường với Formosa Hà Tĩnh?

Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường lý giải việc "thống nhất dừng chế độ giám sát đặc biệt về bảo vệ môi trường đối với Formosa Hà Tĩnh" như đã triển khai thời gian qua.

Hội đồng Giám sát liên ngành gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ, ngành, UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan khoa học, chuyên gia về môi trường vừa họp đánh giá kết quả khắc phục các vi phạm và thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS). Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Tổ trưởng Tổ giám sát liên ngành tại FHS trao đổi riêng với Dân trí xung quanh việc này.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức - Tổ trưởng Tổ giám sát liên ngành tại Formosa Hà Tĩnh (Ảnh: K.T).


Đã khắc phục 53/53 lỗi vi phạm

- Những kết quả đã được đưa ra trong cuộc họp Hội đồng Giám sát liên ngành đối với FHS là gì? Ông đánh giá thế nào về việc khắc phục vi phạm của Công ty Formosa Hà Tĩnh?

- Tháng 12/2020 tại Hà Tĩnh, Hội đồng giám sát đã họp để đánh giá kết quả khắc phục vi phạm và thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của FHS. Theo đó, từ tháng 7/2016 đến nay, FHS đã có nhiều cố gắng, nỗ lực thực hiện nghiêm túc theo cam kết với Chính phủ Việt Nam, đã hoàn thành việc khắc phục toàn bộ các lỗi vi phạm hành chính (53/53) do Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hiện, xử lý trước đây.

Họ đã thực hiện đầu tư, cải tạo, nâng cấp các công trình bảo vệ môi trường theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đầu tư bổ sung 10 hạng mục công trình bảo vệ môi trường.

Cũng từ tháng 7/2016 đến nay chất thải rắn được FHS quản lý chặt chẽ theo quy định. Nước thải, bụi và khí thải được kiểm soát chặt chẽ; đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia trước khi xả ra môi trường. Phương án xả ngầm như hiện tại được khẳng định có hiệu quả, đảm bảo kiểm soát tốt về môi trường và không gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thông vận tải biển.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của FHS đã đóng góp một phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh và đất nước. Năm 2020 theo báo cáo của FHS, họ đã nộp thuế cho nhà nước 430 triệu USD và giải quyết việc làm ổn định cho trên 6.000 công nhân, cán bộ kỹ thuật là người Việt Nam.

Mọi hoạt động, công tác bảo vệ môi trường của FHS trong 4 năm qua luôn được Tổ giám sát liên ngành kiểm soát chặt chẽ.

Tôi cho rằng, FHS đã rất nghiêm túc, khẩn trương thực hiện khắc phục toàn bộ các lỗi vi phạm và cam kết với Chính phủ. Họ cũng đã nhận thức và ý thức được công tác bảo vệ môi trường là yếu tố quyết định cho sự tồn tại và hoạt động kinh doanh sản xuất lâu dài ở Việt Nam.

- Đến nay FHS đã khắc phục triệt để các vi phạm được Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu ra trong năm 2016 hay chưa? Còn vi phạm nào Formosa Hà Tĩnh đang phải tiếp tục khắc phục không?

- Như tôi đã nói, FHS đã khắc phục xong các lỗi vi phạm hành chính bị xử lý năm 2016, đồng thời đã thực hiện đầy đủ các cam kết về bảo vệ môi trường.

Mặ dù vậy, Hội đồng giám sát cũng yêu cầu FHS cần tiếp tục duy trì và thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới, đặc biệt phải chú trọng việc nâng cao năng lực, nhận thức, ý thức trách nhiệm, đạo đức môi trường đối với cộng đồng dân cư và xã hội...

- Việc kiểm soát chất thải rắn, nước thải, bụi và khí thải của Formosa Hà Tĩnh đạt các quy chuẩn kỹ thuật môi trường đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh thực hiện chặt chẽ như thế nào?

- Ngay sau khi được thành lập (7/2016), Tổ giám sát liên ngành của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục các hoạt động kiểm tra, giám sát về bảo vệ môi trường đối với FHS, đặc biệt là công tác thu gom, quản lý, xử lý chất thải trước khi xả ra ngoài môi trường.

Từ tháng 7/2016 đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đưa 2 trạm kiểm định môi trường di động và các thiết bị giám sát việc xử lý nước thải, khí thải của FHS với tần suất lấy mẫu 3 lần/ngày đối với nước thải, 1 lần/ngày đối với khí thải.

Giám sát thông qua 4 trạm quan trắc khí thải và 20 trạm quan trắc khí thải tự động, liên tục truyền số liệu trực tiếp 24/24 về Tổng cục Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh.

Chúng tôi cũng định kỳ hoặc đột xuất tổ chức đoàn giám sát về bảo vệ môi trường, mời các đơn vị có năng lực để lấy mẫu, phân tích đối chứng với kết quả thực hiện của FHS.

Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường và tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục duy trì theo dõi dữ liệu quan trắc tự động, liên tục nước thải, khí thải của FHS 24/24.

Hội đồng giám sát liên ngành kiểm tra thực tế tại Công ty Formosa Hà Tĩnh tháng 12/2020 (Ảnh: TN-MT).


Dừng giám sát đặc biệt, thanh tra đột xuất khi "có vấn đề"

- Được biết hệ thống quan trắc điện tử của FHS có thể để người dân, xã hội được trực tiếp giám sát? Việc giám sát đó được thực hiện ra sao?

- Theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, FHS đã đầu tư 4 trạm quan trắc nước thải, 20 trạm quan trắc khí thải tự động, liên tục và trong thời gian tới sẽ bổ sung thêm 2 trạm quan trắc bụi tại hệ thống dập cốc khô.

Hiện nay dữ liệu quan trắc tự động, liên tục nước thải, khí thải của FHS ngoài việc truyền trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, Tổng cục Môi trường để theo dõi, giám sát, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu FHS công khai thông tin về số liệu quan trắc tự động liên tục lên bảng thông tin điện tử để người dân dễ dàng theo dõi, giám sát.

Bảng thông tin điện tử được FHS đặt tại cổng nhà máy, được kết nối trực tuyến với các trạm quan trắc nước thải và khí thải tự động. Người dân có thể dễ dàng quan sát, giám sát các chỉ số môi trường thông qua thông tin được hiển thị trên bảng điện tử.

- Những công việc mà Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới để giám sát Formosa Hà Tĩnh tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường, thưa ông?

- Mọi hoạt động của FHS trong gần 5 năm qua luôn được Tổ giám sát kiểm soát chặt chẽ.

Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các bộ ngành, địa phương, Hội đồng giám sát đã thống nhất dừng chế độ giám sát đặc biệt về môi trường đối với FHS như Tổ giám sát liên ngành đã triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục yêu cầu FHS phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường, vận hành các quy trình công nghệ sản xuất, hệ thống xử lý đảm bảo an toàn tuyệt đối về môi trường, đáp ứng đúng và đầy đủ các thông số kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Bộ cũng sẽ phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh, các bộ ngành liên quan tổ chức các chương trình thanh tra, kiểm tra định kỳ, thường xuyên và đột xuất. Trong đó chú trọng việc kiểm tra, thanh tra đột xuất khi có các vấn đề môi trường phát sinh...

- Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Thế Kha (thực hiện)

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP