Các Sở - Ban - Ngành

Về hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về những sai phạm khi còn đương chức

Sáng 14.3, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu khai mạc phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: Q.H)

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về việc tiếp thu, chỉnh lý 5 dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2. Đồng thời, cho ý kiến đối với 4 dự án Luật trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 3 tới đây, gồm: Dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi), Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), Luật Thủy sản (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Chương trình phiên họp lần này có một số thay đổi so với dự kiến đã gửi tới các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ. Trong đó, một số nội dung được chuyển sang phiên họp lần sau.

“Chuyển 3 nội dung sau sang phiên họp thứ 9 đó là, chuyển nội dung Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100 để nghiên cứu thêm. Chúng tôi đang tổ chức tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan và mời các chuyên gia nghiên cứu cho kĩ trước khi trình. Luật quản lý sử dụng tài sản nhà nước sửa đổi cũng để tiếp tục hoàn chỉnh. Một hoạt động nữa là theo thông thường chúng ta sẽ tổ chức phiên họp tháng 3 này để các bộ trưởng trả lời chất vấn nhưng do thay đổi lịch công tác nên thống nhất là chuyển sang tháng 4” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Tại phiên họp sáng nay, vấn đề được nhiều đại biểu tập trung thảo luận khi cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo, đó là, có nên quy định mở rộng các hình thức tố cáo qua fax, email, điện thoại và có nên giải quyết tố cáo nặc danh,

Chính phủ cho rằng, những năm qua, cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh, trong đó gần 60% là tố cáo sai. Do đó, nếu Luật quy định cả việc giải quyết tố cáo nặc danh nữa, sẽ gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh, sai sự thật thì sẽ không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo. Đa số ý kiến đồng tình với quy định của dự thảo Luật, song có ý kiến đề nghị cần cân nhắc để có quy định với những đơn tố cáo nặc danh nhưng có hồ sơ, chứng cứ rõ ràng.

Cho ý kiến vào dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, về nguyên tắc thì chúng ta giải quyết đơn có danh nhưng đối với những đơn tố cáo nặc danh có địa chỉ rõ ràng, có sự việc rõ ràng thì chúng tôi đề nghị phải có hình thức để xem xét. Vì chúng ta nhìn trong thực tế các đồng chí cũng nói rồi là việc bảo vệ người tố cáo của chúng ta chưa tốt. Cho nên, thực tế, nhiều trường hợp người ta ngại lộ danh tính sẽ bị trả thù.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Về các hình thức tố cáo, tôi cho rằng, ý kiến của Chính phủ không bổ sung hình thức tố cáo khác như điện thoại, email, fax…là chưa đảm bảo tính thống nhất với Luật phòng chống tham nhũng, vì Luật phòng chống tham nhũng cho phép mở rộng hình thức tố cáo, tạo điều kiện cho người dân sử dụng quyền tố cáo. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, việc tố cáo bằng tin nhắn gửi liên tục không khác gì khủng bố tinh thần. Cho nên, phải quy định rõ ràng về vấn đề này, tức là người dân gửi tố cáo bằng email hay điện thoại thì cũng phải gửi đến cho đúng người, chứ không được gửi lung tung, tố cáo một người nhưng gửi tin nhắn cho hàng trăm người.

Do vậy, luật phải quy định rõ và nghiêm cấm việc gửi tin nhắn tố cáo cho tất cả nhiều người. Người nào gửi tin nhắn hay email tố cáo đến đúng địa chỉ, cho đúng người có thẩm quyền thì được xử lý, còn gửi linh tinh thì không xem xét.

Về qui định chưa nên quy định về việc giải quyết đối với tố cáo nặc danh, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, những đơn thư tố cáo nặc danh có nội dung rất cụ thể thì chúng ta phải có trách nhiệm. Đơn nặc danh nhưng trong đơn có địa chỉ cụ thể, nội dung rõ ràng thì phải xem xét. Người ta đã chuyển đơn cho mình mà mình không xử lý thì không có trách nhiệm. Đơn tố cáo nặc danh mà có thông tin rõ ràng thì phải giải quyết.

Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất với việc dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức nay đã nghỉ hưu hoặc đã chuyển công tác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức. Việc này thể hiện rõ quan điểm, người nào vi phạm pháp luật, dù về hưu hay chuyển công tác nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của mình khi còn đương chức.

“Muốn xử lý, xác định việc này thì phải xác định rõ cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết. Vừa rồi chúng ta cũng phải giải quyết một số trường hợp bị kỷ luật dù đã về hưu, Quốc hội rất tán thành việc này” – Chủ tịch Quốc hội nói.

XUÂN HẢI/ Theo báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP