Hầu như chiều nào, hệ thống loa truyền thanh xã cũng liên tục phát đi phát lại tiết mục “Thập ân phụ mẫu” và tiết mục đơn ca “Mời trầu” của CLB. Các bà, các chị dù bận rộn với việc đồng áng hay tất bật với việc nội trợ cũng không quên ngân nga theo câu hát. Các em nhỏ nơi đây, em nào cũng thuộc lòng vài điệu dân ca.
CLB dân ca xã Cương Gián được thành lập từ năm 2010 trên nền tảng đội văn nghệ quần chúng với 16 thành viên. Từ những hội diễn, hội thi văn nghệ quần chúng ở cơ sở, CLB đã phát hiện, bồi dưỡng những hạt nhân có chất giọng dân ca ví, giặm. Năm 2012, CLB dân ca xã Cương Gián giành giải xuất sắc cấp huyện, cấp tỉnh. Riêng Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2012, tiết mục diễn xướng “Đêm trăng hò hẹn” của CLB Dân ca Cương Gián đoạt giải ba.
Trưởng ban Văn hóa xã đồng thời là Chủ nhiệm CLB Dân ca xã Cương Gián Phạm Ngọc Thạch cho biết: “Cương Gián ngày xưa có làng nghề làm nón nổi tiếng. Nghe các bậc cao niên kể lại, lúc ấy, mọi người vừa hăng say lao động vừa hát đối. Người này cất một câu thì người kia đối lại một câu khác. Dần dần, mọi người không chỉ hát ví về nghề làm nón mà mở rộng hát về tình cảm lứa đôi. Không chỉ hát lúc đang làm việc, tối đến, dưới những rặng tre, tiếng hát nam nữ lúc tỉ tê ân tình, khi hóm hỉnh vui tươi. Mỗi cuộc hát là một cuộc tranh tài cao thấp giữa mọi người”.
Nói đoạn, anh Thạch dẫn chúng tôi xuống hội trường văn hóa xã – nơi các thành viên CLB đang hăng say luyện tập. Được tham gia một buổi tập luyện của CLB, chúng tôi cảm nhận được lòng đam mê, niềm vui thể hiện rõ nét trên từng khuôn mặt các diễn viên. Thành viên của CLB đều còn rất trẻ và chủ yếu là học sinh, giáo viên, công chức nhà nước và cũng có những anh chị nông dân chân lấm tay bùn. Cô Phan Thị Thành – giáo viên Trường Mầm non Cương Gián chia sẻ: “Tham gia CLB giúp tôi lấy lại tinh thần phấn chấn, vui vẻ sau những giờ làm việc mệt mỏi. Hiện nay, hát dân ca đã được phổ biến trong các trường học ở Cương Gián. Ngay cả những em nhỏ học mầm non cũng biết hát dân ca. 4 thành viên CLB là cô giáo ở các trường đảm đương trọng trách truyền dạy hát dân ca đến học sinh. Vào dịp lễ, nhà trường phối hợp với Ban Văn hóa xã và đoàn thanh niên tổ chức các cuộc thi hát ví giữa các lớp. Phong trào đã trở thành một nét đẹp, nhen nhóm niềm đam mê văn nghệ dân gian trong tâm hồn các em nhỏ. Em Nhi – học sinh Trường THPT Nguyễn Du, thành viên nhỏ tuổi nhất của CLB cho biết: Được lớn lên trong lời ru của bà của mẹ, từ nhỏ, em đã say mê những câu hát dân ca rồi. Được tham gia CLB Dân ca của xã, em rất vinh dự và tự hào. Em sẽ cố gắng cùng các cô chú, anh chị tập luyện thật nhiều bài hay hơn nữa để góp phần giữ gìn những làn điệu dân ca”.
Có mặt tại buổi tập luyện còn có cả những cụ ông, cụ bà. Các cụ đến đây vừa xem con cháu tập hát, vừa tranh thủ sửa những lỗi cho các cháu. Các cụ là một kho tư liệu sống về những làn điệu dân ca. Tuy nhiên, người có công lao lớn nhất trong việc phục dựng phong trào hát dân ca ví, giặm ở Cương Gián chính là chủ nhiệm CLB Phạm Ngọc Thạch. Trăn trở với việc những câu hát ví đang dần mai một, mặc dù đã có công việc ổn định ở tỉnh khác nhưng anh Thạch vẫn trở về quê hương để khôi phục lại phong trào văn nghệ quần chúng. Anh miệt mài sưu tầm các bài đồng dao từ các bô lão để dàn dựng các tiết mục, vận động những người có năng khiếu ca hát tham gia. Đặc biệt, anh đã huy động các nguồn tài trợ từ con em địa phương để có kinh phí hoạt động.
Chia tay các thành viên CLB Dân ca Cương Gián lúc nắng chiều đã khuất sau núi, những câu hát êm ái, mượt mà phát ra từ loa phóng thanh của xã khiến chúng tôi vơi đi mệt nhọc. Dân ca ví, giặm đã và đang cháy mãi, trở thành món ăn tinh thần, dòng sữa ngọt lành nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ người dân nơi đây.
Phan Trâm – Thúy Ngọc
Báo Hà Tĩnh