Phóng sự - Ký sự

Về bản Rào Tre

Hơn 50 năm trước, đồng bào Chứt ở bản Rào Tre (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn sống cuộc đời du canh, du cư trên đỉnh Trường Sơn, tưởng chừng cái đói, cái nghèo và bệnh tật sẽ đẩy cuộc sống của đồng bào tới chỗ suy vong. Rồi một ngày, Bộ đội Biên phòng đã đến đây và cùng ở, cùng làm, để tới hôm nay, cuộc sống của đồng bào đã hoàn toàn khác xưa


Rào Tre là bản của đồng bào dân tộc Chứt, có số dân ít nhất trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, đây cũng là bản dân tộc Chứt duy nhất của tỉnh Hà Tĩnh. Hiện tại, bản có 31 hộ với 122 nhân khẩu. Sau một thời gian định canh định cư, nhờ sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, của các cấp chính quyền và cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BÐBP), cuộc sống của đồng bào nơi đây đã có nhiều thay đổi. Cách đây hơn 50 năm – năm 1958, trên đường tuần tra biên giới, BÐBP đã phát hiện hơn mười gia đình người Chứt (khoảng 30 người), sống ở rừng sâu, trong hang đá ẩm ướt, du canh, du cư trên dãy Trường Sơn, giáp biên giới Việt Nam – Lào. BÐBP đã vận động đồng bào về đây dựng nhà, lập bản Rào Tre. Nhưng rồi, do đã quá quen với cuộc sống ít nhiều hoang dã, mấy năm sau, đồng bào lại về nơi ở cũ. Tới sau ngày khi đất nước thống nhất, năm 1977, các cấp ủy, chính quyền địa phương và BÐBP tiếp tục vận động, đưa bà con về định cư tại bản Rào Tre. Từ đây, những ngôi nhà cột gỗ, mái tranh được cất lên bên dòng sông Ngàn Sâu, dưới chân núi Cà Ðay hùng vĩ.


Như các anh BÐBP kể lại thì thời gian đầu, khi mới về bản Rào Tre, đồng bào Chứt vẫn giữ nếp ăn, nếp nghĩ như khi còn ở rừng sâu núi thẳm. Nguồn sinh sống chủ yếu là săn bắn, hái lượm trong rừng. Rất nhiều tập tục lạc hậu vẫn tồn tại trong cuộc sống hằng ngày. Như trong việc kết hôn chẳng hạn, phổ biến vẫn là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Ðồng bào tin vào thần linh, thầy mo, thầy cúng. Khi sinh con, phụ nữ không được sinh ở nhà, phải mời thầy mo đến cúng lễ rồi đưa ra bờ suối để sinh nở. Bà con tin, nếu không làm như thế, sẽ bị ma bắt… Do vậy mà cái đói, cái nghèo cứ quẩn quanh đeo bám cuộc sống ở bản Rào Tre, hết năm này qua năm khác.


Ðại úy Nguyễn Văn Thiên, Tổ trưởng Công tác bản Rào Tre, Ðồn Biên phòng 575, có gần mười năm gắn bó với mảnh đất và đồng bào. Chính vì thế, anh thuộc tâm tính từng người trong bản như với người thân trong gia đình mình. Anh Thiên kể cho chúng tôi nghe chuyện anh cùng đồng đội có mặt tại chốn ‘thâm sơn cùng cốc’ này để giúp đồng bào ổn định, xây dựng cuộc sống. Ðó là từ tháng 6-2001, Tỉnh ủy Hà Tĩnh giao cho Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh trực tiếp thực hiện Dự án bảo tồn và phát triển dân tộc Chứt, giúp bà con trong bản phát triển kinh tế – xã hội, bảo tồn bản sắc văn hóa… Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh đã thành lập Tổ công tác bản Rào Tre, thuộc Ðồn Biên phòng 575 gồm năm người do Trung tá Kiều Minh Ðệ phụ trách, triển khai Dự án. Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh phát động mỗi cán bộ đóng góp ba ngày lương, giúp các gia đình ngói hóa, bê-tông hóa đường đi lối lại, hỗ trợ phân bón cho sản xuất, sách vở cho học sinh.


Nhớ lại ngày đầu về bản thực hiện nhiệm vụ, anh Thiên nói: ‘Mọi công việc dường như bắt đầu từ con số không’. Lúc đó bản có 24 hộ, 103 nhân khẩu, các gia đình sinh sống chủ yếu trong những ngôi nhà lá thấp bé, ọp ẹp. Từ người già đến trẻ em đều không biết chữ, vài người biết tiếng Kinh, mọi người có tên nhưng lại không có giấy khai sinh, không nhớ mình đẻ vào ngày tháng năm nào, bao nhiêu tuổi và không biết mình… họ gì. Ðặc biệt là hoàn cảnh kinh tế của các gia đình trong bản rất khó khăn. Thời gian đầu, do bất đồng ngôn ngữ, đồng bào lại nhút nhát và tự ti, nên Tổ công tác hết sức vất vả trong việc tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ tập tục lạc hậu, rồi dạy chữ, hướng dẫn đồng bào biết cách cày, cấy trồng cây lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm… Câu nói ‘Ðồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt’ đã trở thành mệnh lệnh của trái tim và thành động lực thôi thúc các anh vượt qua gian khó, thực hiện ‘năm cùng’ (cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng dân tộc, cùng làm và cùng nhau bảo vệ biên giới) với bà con dân bản.


Bằng tinh thần ‘năm cùng’, với tình thương và trách nhiệm, thông qua việc làm cụ thể, Tổ công tác dần dần tiếp cận, xây dựng lòng tin với bà con. Các anh bắt đầu bằng những công việc hằng ngày, từ việc nhỏ nhất như dọn dẹp nhà cửa, khám, chữa bệnh, hướng dẫn bà con các kỹ thuật canh tác và chăn nuôi,… theo cách ‘cầm tay chỉ việc’. Vậy là cùng một lúc các anh đã đảm nhiệm nhiều vai trò: ban ngày là các cán bộ khuyến nông, thầy thuốc khám, chữa bệnh, đến đêm lại trở thành thầy giáo của lớp xóa mù chữ. Một trong những việc ý nghĩa nhất mà các anh đã làm là cùng mọi người bàn bạc để người Chứt có họ riêng. Là con dân Việt Nam, là con cháu Bác Hồ, được ấm no, hạnh phúc là nhờ Ðảng và Bác Hồ kính yêu, nên từ khi làm giấy khai sinh bà con trong bản, mọi người thống nhất lấy chung một họ là họ Hồ. Rồi Tổ công tác vận động bà con cho con em từ 14 tuổi trở xuống về trường tiểu học của xã, trường phổ thông dân tộc nội trú của huyện để học tập. Số còn lại từ 14 tuổi trở lên, có 58 người, được tổ chức thành hai lớp học xóa mù chữ, một lớp dành cho các ông chồng, một lớp cho các bà vợ. Anh Thiên tâm sự:


– Vận động bà con đi học đã khó, nhưng động viên bà con đi học thường xuyên lại càng khó hơn. Phần lớn gia đình trong bản còn nghèo, hằng ngày phải lên rừng khai thác lâm thổ sản để bán kiếm sống, tối về còn con cái, cơm nước, nên không dễ có mặt tại lớp. Khi vận động ông Hồ Việt đi học xóa mù chữ, ông nói: ‘Tôi không có con, đi học làm gì ?’. Thậm chí vận động con em đi học, có người phản ứng: ‘Cái chữ không ăn được, đi lên rừng mới có cái để mà ăn!’.


Nhưng với tinh thần kiên trì vận động thuyết phục và bằng việc làm thiết thực để giúp đỡ bà con, các anh đã từng bước xây dựng được niềm tin, rồi khi bà con hiểu ra tác dụng của việc đi học, chính những người này lại là thành viên tích cực góp phần cùng các anh vận động để 100% số gia đình trong bản tự nguyện đưa con em mình đến trường. Do vậy, đến năm 2004, đồng bào ở bản Rào Tre đã cơ bản xóa được mù chữ. Có một kỷ niệm không bao giờ quên đối với anh Thiên cùng đồng đội là vào năm 2002, chị Hồ Thị Lình, chồng là Hồ Ðình Pắc, mang thai đến ngày trở dạ. Gia đình nghe theo thầy mo đưa chị ra bờ suối làm lễ cúng thần linh để chị sinh nở. Nhưng khi chị trở dạ thì thai ra ngược, quằn quại mãi không sinh được… Thấy tình huống nguy cấp, cán bộ và y sĩ của tổ công tác kịp thời có mặt vận động thầy mo, gia đình. Rồi cùng gia đình cáng chị vượt 25 km đường rừng trong đêm tối mùa mưa lũ, tới bệnh viện huyện để mổ kịp thời. Bác sĩ ở bệnh viện bảo, nếu chậm 30 phút nữa thì không cứu được cả mẹ, lẫn con. Bây giờ cháu Hồ Thị Lài con chị đã là học sinh lớp 2, nhắc đến kỷ niệm ấy, bà con dân bản cũng như vợ chồng anh Pắc, chị Lình ai cũng cảm phục, càng thêm quý mến tổ công tác ‘cắm bản’ của BÐBP.


Trò chuyện cùng Tổ công tác bản Rào Tre, gồm năm anh em, Tổ trưởng là Ðại úy Nguyễn Văn Thiên, tổ viên là Thiếu tá y sĩ Dương Thanh Tịnh, Ðại úy Trần Tử Phượng, Trung úy Nguyễn Văn Ngọ, Thiếu úy Phan Châu Nghĩa, tôi hiểu điều tâm đắc nhất của các anh chính là đã góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con. Giờ đây, bà con trong bản đã biết dùng thuốc chữa bệnh thay cho lá rừng, biết ăn chín, uống sôi, biết gội đầu, tắm giặt bằng xà-phòng. Từ chỗ quanh năm thiếu ăn, nay nhiều gia đình đã biết trồng lúa, ngô, trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm để ổn định cuộc sống. Nhà Hồ Bắc, Hồ Nam, Hồ Hùng đã nuôi được hai, ba con trâu. Bản đã có điện lưới quốc gia, nên nhiều hộ mua sắm được vô tuyến truyền hình, quạt điện… 100% số bà con trong bản đã biết đọc, biết viết. Rồi lớp mẫu giáo mầm non với 14 cháu; 24 cháu đang theo học ở trường phổ thông dân tộc nội trú huyện; bốn cháu học sinh lớp 1 và lớp 2 học tại trường tiểu học của xã. Hai cháu Hồ Thị Ðình Xuân – học lớp 9, và Hồ Văn Kham – học lớp 8, được Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên, nguyên là Hiệu trưởng Trường đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội, khi về thăm bản đã ưu tiên tuyển đặc cách hai cháu về trường học tập. Riêng Hồ Thị Khuyên – học lớp 6, là một trong bốn cháu thuộc dân tộc thiểu số khó khăn nhất được Trường phổ thông trung học tư thục Duy Tân, TP Hồ Chí Minh nhận đài thọ nuôi ăn học.


Bên cạnh tuyên truyền, vận động để xây dựng, tổ chức đời sống, BÐBP chú trọng đưa ánh sáng văn hóa mới đến với đồng bào, nhất là quan tâm đến xây dựng từ Chi bộ Ðảng đến Chi hội nông dân, Phụ nữ và Ðoàn thanh niên, lấy đó làm nòng cốt cho việc phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội ở địa phương. Chủ tịch UBND xã Hương Liên, Nguyễn Tiến Lành khẳng định với chúng tôi: ‘Bản Rào Tre bây giờ khá lên nhiều rồi đấy, BÐBP tuy ít tuổi, nhưng dạy cái chữ, hướng dẫn đồng bào cách làm ăn… như người cha, mẹ chỉ bảo con cái trong nhà. BÐBP đáng khen lắm!’. Bây giờ đồng bào Chứt ở vùng rừng núi xa xôi này không còn tình trạng tảo hôn, cưới hỏi theo tập tục cũ, hôn nhân cận huyết như trước đây. Con trai, con gái trong bản đến tuổi trưởng thành đã biết hướng tới hôn nhân trên cơ sở tình yêu. Có người vượt núi, xuyên rừng tìm đến người cùng dân tộc Chứt ở bản Cáo, bản Chuối ở huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) để tìm hiểu và kết duyên vợ chồng…


Có ở lại bản Rào Tre, chúng tôi mới thấy ở đó tình quân – dân, tình làng nghĩa xóm là mối tình gắn bó, bền chặt như thế nào. Bà con dân bản luôn tin tưởng và nghe theo BÐBP. Ðại uý Trần Tử Phượng nói với chúng tôi: ‘Ở đây vui lắm anh ạ, từ việc nhỏ đến việc lớn, từ ốm đau làm thủ tục đi viện, đăng ký kết hôn, rồi cưới – hỏi, đến bán con trâu, con bò… bà con đều đến hỏi ý kiến của ‘thầy Thiên’!’. Nghe anh Phượng nói thế, ‘thầy Thiên’ chỉ cười… Ðó cũng là điều mà khi đến thăm gia đình bà Hồ Thị Nam, Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Rào Tre, bên chén nước chè xanh tỏa hương dịu ngọt, bà nói với chúng tôi: ‘Bản Rào Tre được như hôm nay là nhờ sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước và sự giúp đỡ của BÐBP, bà con biết ơn BÐBP nhiều đấy!’.


Chia tay cán bộ, nhân viên Tổ công tác bản Rào Tre, chia tay bà con dân bản khi ánh nắng chiều cuối thu đã khuất dần sau đỉnh núi, đi trên con đường trải nhựa phẳng lỳ từ đầu bản đến cuối bản, nhìn những ngôi nhà mái ngói đang ẩn mình dưới tán cây ăn quả, cây keo lai, cây gió trần dưới chân núi Cà Ðay xanh mát, tôi liên tưởng tới một bức tranh sơn thủy hữu tình. Và tôi càng thêm cảm phục nỗ lực cùng các kết quả bước đầu của BÐBP và bà con nơi đây trong phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, xây dựng cuộc sống mới. Bản Rào Tre xa dần sau dãy núi, dù biết nơi ấy còn nhiều khó khăn, nhưng tôi vẫn tin rằng một ngày không xa, bà con dân bản, nhất là khi lớp trẻ của Rào Tre hôm nay trưởng thành, sẽ tiếp tục xây dựng bản làng quê hương của người Chứt ngày càng giàu đẹp.

Bài và ảnh: Trần Quyết

Nhân Dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP