Hơn 14.000 VĐV đến từ 45 quốc gia khác nhau trong khu vực châu Á sẽ cùng quy tụ tại Indonesia để tranh tài ở kỳ ASIAD lần thứ 18 được tổ chức tại Indonesia. Buổi lễ khai mạc sẽ chính thức diễn ra vào ngày 18/8.
Vài tháng qua, chính phủ Indonesia đã nỗ lực không ngừng trong việc cải tạo sân vận động, xây dựng các cơ sở mới. Phần lớn 2 thành phố đăng cai tổ chức ASIAD là Jakarta và Palembang đều được sơn những màu sắc sặc sỡ để chào đón sự xuất hiện của hàng nghìn VĐV và du khách.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực làm đẹp cho vẻ ngoài của thành phố. Vấn đề nghiêm trọng nhất nằm ở bên trong vẫn chưa được giải quyết. Theo cơ quan thông tấn AFP, đại hội thể thao tầm cỡ châu Á này sẽ diễn ra trong bối cảnh lo sợ khủng bố, lo ngại về môi trường và đau đầu hậu cần tại Indonesia.
Đường phố Jakarta xuất hiện những bức tường sơn màu sặc sỡ. Quốc nạn tắc nghẽn giao thông |
Cùng với Thái Lan, Indonesia nổi tiếng với nạn kẹt xe đã trở thành "chuyện cơm bữa". Năm 2016, trang South China Morning Post thống kê thủ đô Jakarta có mật độ kẹt xe lớn nhất thế giới. Theo trang Inrix Traffic Scorecard, Jakarta mất khoảng 100 nghìn tỷ rupi (tương đương 6,9 tỷ USD) mỗi năm do ảnh hưởng của ùn tắc giao thông.
Theo tờ Jakarta Post đầu tháng 2 năm nay, Ủy ban tổ chức ASIAD Indonesia cho biết rằng mất tới 41 phút để đi từ làng VĐV ở Kemayoran đến các địa điểm tại khu phức hợp thể thao Bung Karno, Jakarta nếu sử dụng các làn đường phục vụ cho ASIAD.
Để khắc phục tình trạng này, ban tổ chức ASIAD đã thử nghiệm sử dụng xe buýt để đưa đón chuyên chở các VĐV. Đại diện Cơ quan giao thông vận tải Greater Jakarta (BPTJ) phát biểu: "Sẽ có 250 xe buýt phục vụ VĐV và quan chức, 170 xe ở Jakarta, 50 xe ở Bandung (Tây Java) và 30 xe ở Palembang (Nam Sumatra)".
Ngoài ra, BPTJ sẽ cung cấp thêm 204 xe buýt miễn phí cho hành khách tại Jakarta trong suốt giai đoạn diễn ra Á vận hội.
Tắc nghẽn giao thông là quốc nạn tại Indonesia. |
Câu chuyện bảo đảm yếu tố thời gian cho các VĐV Việt Nam được người hâm mộ nơi quê nhà đặc biệt quan tâm. Trao đổi với Zing.vn, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, ông Trần Đức Phấn cho biết đoàn đã có kế hoạch chuẩn bị, tổ chức và dự phòng chi tiết từ sớm.
Hai địa điểm thi đấu tại Indonesia là Jakarta và Palembang tương đối xa, trong khi vấn đề giao thông ở Indonesia cũng gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, Đoàn Việt Nam đã chuẩn bị các phương án để đáp ứng được nhu cầu di chuyển của các VĐV.
Tệ nạn tràn lan
Lễ khai mạc ASIAD diễn ra vào ngày 18/8, chỉ 3 tháng sau khi Indonesia gặp phải vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng nhất trong 10 năm qua. Những kẻ đánh bom tự sát đã giết chết 13 người ở thành phố Surabaya. Cảnh sát Indonesia phải bắt giữ 242 người vì liên quan đến vụ đánh bom liều chết ở khu vực này.
Bên cạnh đó, nạn cướp giật, móc túi tại xứ sở vạn đảo cũng trở thành nỗi lo cho các nhà chức trách. Đầu tháng 7, trong chiến dịch chuẩn bị cho ASIAD 18, cảnh sát Jakarta thẳng tay bắn chết 11 người bị cho là "trộm cắp vặt" và làm bị thương 41 người bằng cách bắn vào chân hoặc lưng khi đang bỏ chạy trên phố.
Để bảo đảm an ninh cho sự kiện thể thao lớn sắp xảy ra, chính quyền Jakarta cũng bắt giữ hơn 2.000 đối tượng bị xem là "đang gây án" hoặc là nghi can trong những vụ trộm cắp vặt, móc túi trên đường phố.
Theo báo cáo từ AP, xứ sở vạn đảo triển khai 100.000 cảnh sát và binh sĩ để cung cấp an ninh cho ASIAD, sự kiện lớn nhất Jakarta từng tổ chức. Tuy nhiên, đây lại là thành phố dễ bị khủng bố tấn công, đặc biệt trong bối cảnh có hàng ngàn VĐV và du khách đang kéo đến.
Bầu không khí ô nhiễm bao phủ Jakarta.Ô nhiễm không khí đáng báo động |
Ô nhiễm không khí tại Indonesia tăng lên con số đáng báo động trong nhiều năm nay. Theo tờ báo toàn cầu Al Jazeera có trụ sở tại Qatar, 3 ngày trước khi khai mạc ASIAD 18, chỉ số ô nhiễm đang cho thấy mức độ nguy hiểm là 154 microgram trên một mét khối.
Theo báo cáo của Numbeo, trang thu thập dữ liệu về các thành phố và quốc gia toàn cầu lớn nhất thế giới, vào giữa năm 2018, Jakarta đứng thứ 43 trong 273 thành phố được thống kê về mức độ ô nhiễm không khí.
Hàng triệu ôtô cũ sử dụng nguồn nhiên liệu không thân thiện với môi trường, và các nhà máy điện than là thủ phạm chính dẫn đến sự ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Jakarta.
Trước đó, Bộ Môi trường và Lâm nghiệp cho biết họ đặt mục tiêu giảm mức ô nhiễm từ 184 microgram xuống còn 25 microgram trên một mét khối để phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới.
"Chính phủ đã không làm bất cứ điều gì để cải thiện chất lượng không khí", ông Ahmad Safrudin, điều phối viên quốc gia của tổ chức "Clean Air Asia" tuyên bố rằng các biện pháp Indonesia thực hiện để giảm mức độ ô nhiễm đều chỉ mang tính hình thức.
Ông Safrudin giải thích: "Chúng tôi đã có cuộc họp với các quan chức chính phủ vào tháng 9 năm ngoái để nói với họ rằng nếu muốn có bầu không khí sạch hơn trước thềm ASIAD 18, họ cần bắt đầu kiểm tra mức khí thải, giới thiệu công nghệ không khí sạch, sử dụng tiêu chuẩn euro 4 cho động cơ xe hơi, cấm xe tải vào nội đô và đóng cửa các nhà máy gần thành phố. Nhưng hãy nhìn vào không khí ngay bây giờ đi".
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng không khí ô nhiễm có ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình vận động vì phải thở bằng cả mũi và miệng.
VĐV hít thở không khí nhiều gấp 20 lần so với một người bình thường đang nghỉ ngơi. Tại các sự kiện thể thao lớn như ASIAD, nơi chiến thắng được đo bằng mili giây và milimet, ô nhiễm không khí có thể định đoạt trực tiếp số phận của kẻ thắng người thua.
"Chất lượng không khí tác động mạnh đến hiệu suất của các VĐV thể thao ngoài trời, đặc biệt là marathon và chạy đường dài", Hairo Tilarso, điều phối viên trong ban kiểm tra doping của ASIAD cho biết.
Ngày 18/8, kỳ Á vận hội 2018 sẽ chính thức được khởi tranh và kéo dài đến ngày 2/9 tại thủ đô Jakarta và thành phố Palembang, Indonesia. 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á sẽ tranh tài trong 40 bộ môn thể thao với khẩu hiệu là “Energy of Asia” (Năng lượng châu Á).
Tác giả: Bích Hiền
Nguồn tin: zing.vn