Dự kiến nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 của Hà Tĩnh trên 20.000 tỷ đồng, được cân đối và huy động chủ yếu tư hai nguồn: Ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Trong đó vốn ngân sách Trung ương được phân bổ dựa trên các nguồn: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; xây dựng NTM và đầu tư theo các chương trình mục tiêu, vốn đầu tư nước ngoài ODA, trái phiếu Chính phủ. Đối với ngân sách địa phương sẻ được cân đối từ nguồn đầu tư tập trung; cấp quyền sử dụng đất và ngân sách tỉnh.
Trên cơ sở tổng nguồn vốn dự kiến, UBND tỉnh đã phân bổ đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức đầu tư. Tập trung ưu tiên trả nợ đọng xây dựng cơ bản; các dự án chuyển tiếp; dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; các dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch; công trình trọng điểm; các nhiệm vụ đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII… Ngoài ra còn ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỷ thuật cho 3 đô thị: Thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh và thị xã Kỳ Anh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cho rằng: Việc phân bổ, bố trí vốn đảm bảo nguyên tắc, tiêu chí sẽ phát huy tối đa đồng vốn, thúc đẩy phát triển Kt-XH. Hà Tĩnh đang trong giai đoạn phát triển, do đó nhu cầu nguồn vốn xây dựng lớn trong khi tổng nguồn đã được đã được đóng khung nên quá trình phân bổ cần xem xét đến yếu tố phát huy tối đa tác dụng của các công trình, tránh đầu tư dàn trải dẫn đến kéo dài, lảng phí.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý ngành Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục rà soát, chỉ rõ các công trình chuyển tiếp, công trình phải cắt giảm, tạm dừng. Theo đó, chú trọng ưu tiên nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, các công trình cấp bách, trọng tâm.
Văn Sơn