>Hà Tĩnh: Cán bộ quan liêu, dân mất 2.000m2 đất (Kỳ 1)
Xác nhận của hơn 20 hộ dân trong khu vực về nguồn gốc thửa đất của ông Kỷ.Một thửa đất người dân đã khai hoang hơn 30 năm, từ miếng đất hoang vu được cải tạo thành vườn cây xanh tốt, việc xác định nguồn gốc thửa đất không có gì khó. Mặt khác những người dân sống lâu năm ở khu vực đó đều có thể làm chứng, xác minh về nguồn gốc thửa đất. Thế nhưng, UBND thị xã lại coi như mảnh đất hoang vô chủ!Người dân có công, UBND thị xã cho thành “tội”Công văn số 88/UBND-TN&MT ngày 17/3/2010 cũng phủ nhận yêu cầu cấp GCNQSD đất của ông Phùng Văn Kỷ với diện tích đất thực tế gia đình ông đang sử dụng. UBND thị xã Hồng Lĩnh căn cứ vào khoản 1, Điều 50 Luật đất đai 2003 và khoản 4, Điều 14, Nghị định 84/NĐ-CP ngày 27/5/2007 để bác yêu cầu của ông Kỷ.Khoản 1, Điều 50 Luật đất đai 2003 nêu những loại giấy tờ mà nếu người sử dụng đất có thì sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất. Khoản 4, Điều 14, Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 27/5/2007 quy định đối tượng không được cấp GCNQSD đất nếu có hành vi lấn chiếm đất đai (áp dụng đối với trường hợp ông Kỷ).Với việc trích dẫn 2 văn bản nói trên, UBND thị xã Hồng Lĩnh mặc nhiên khoác cho ông Kỷ cái “tội” lấn chiếm đất đai, nghĩa là vi phạm pháp luật!Điều đáng nói là UBND thị xã Hồng Lĩnh rất “nhớ” những điều trong văn bản phù hợp với ý chí của mình, mà “quên” những điều khoản phù hợp với thực tiễn.
Quyết định số 312/QĐ-UBND của UBND thị xã Hồng Lĩnh bác yêu cầu bồi thường và cấp GCNQSD đất của ông Kỷ.UBND thị xã Hồng Lĩnh “nhớ” Khoản 1, Điều 50 Luật đất đai 2003, nhưng lại “quên” điều 12 của văn bản này, để biến người dân có công thành có tội. “Điều 12. Khuyến khích đầu tư vào đất đai Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng đất đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào các việc sau đây:1. Bảo vệ, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất;2. Khai hoang, phục hoá, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hoá vào sử dụng…”.Ông Phùng Văn Kỷ từ hơn 30 năm nay đã có công bảo vệ, cải tạo đất đai, khai hoang, phục hoá trên diện tích 2.000m2 đất. Đó là một sự thực được những người dân trên địa bàn ghi nhận. Bằng chứng là năm 2007, khi thực hiện dự án đường Suối Tiên – Thiên Tượng, cơ quan chức năng đã phải tổ chức chặt phá vườn cây của gia đình ông. Thế nhưng UBND thị xã Hồng Lĩnh “không cần biết” đến sự thực đó.Khoản 4, Điều 14, Nghị định 84/NĐ-CP ngày 27/5/2007 quy định (trường hợp sử dụng đất trước 15/10/2003 nhưng không được cấp GCNQSD đất): “Lấn, chiếm đất sử dụng cho mục đích công cộng, đất chuyên dùng, đất của tổ chức, đất chưa sử dụng và các trường hợp vi phạm khác đã có văn bản ngăn chặn nhưng người sử dụng đất vẫn cố tình vi phạm”. Áp dụng vào trường hợp ông Kỷ, đã hơn 30 năm nay, ông khai hoang đất và sử dụng ổn định, chưa hề nhận được một ý kiến, văn bản “ngăn chặn” nào của cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, không thể khoác cho ông “tội” lấn chiếm đất. UBND thị xã Hồng Lĩnh “nhớ” khoản 4, Điều 14, Nghị định 84/2007/NĐ-CP, mà “quên” Khoản 1, Khoản 2 của chính điều này. Cụ thể: “1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng mà không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật Đất đai nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 và không thuộc một trong các trường hợp sử dụng đất quy định tại khoản 4 Điều này, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp…” thì được cấp GCNQSD đất (tuỳ theo tình điều kiện, hoàn cảnh).Công văn số 88/UBND-TN&MT là cơ sở để ngày 14/4/2011, UBND thị xã Hồng Lĩnh ban hành Quyết định số 312/QĐ-UBND bác yêu cầu bồi thường và cấp GCNQSD đất của ông Kỷ. Điều khó hiểu là trong Quyết định 312, UBND thị xã Hồng Lĩnh đã “quên” luôn cả Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 27/5/2007 trong nội dung dẫn chiếu (căn cứ). Cho rằng UBND thị xã Hồng Lĩnh không khách quan, cố tình xử ép dân, ông Phùng Văn Kỷ tiếp tục khiếu nại.(Còn tiếp)
Quang Đại – Hà Vy
Tamnhin