– Thưa ông, Tướng Vương Giáo Thành, chỉ huy Quân khu miền Nam của Trung Quốc, mới đây tuyên bố quân đội nước này có khả năng chiến đấu và bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, đồng thời chuẩn bị mọi kịch bản có thể xảy ra. Theo ông, tuyên bố này có làm tăng nguy cơ xung đột ở đây?
– Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Bản thân các vị tướng của Trung Quốc thích đánh giặc mồm. Họ thường nói mạnh, coi như cả thế giới nằm dưới tầm ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sức mạnh của họ chưa thể làm được điều đó. Hiện tại, hai cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới là Mỹ và Nga vẫn đang loay hoay trong vấn đề Syria. Một vị tướng Trung Quốc chắc chắn sẽ không thể làm gì trước vấn đề Biển Đông.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Thế giới sẽ không để cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm. Các cường quốc hàng đầu như Mỹ, Nhật, Nga, Australia, Ấn Độ… chắc chắn sẽ can thiệp nếu tình hình Biển Đông bị khuấy đảo. Ngoài ra, ông Vương Giáo Thành mới nhậm chức tư lệnh quân khu Nam nên ông ta cần đưa ra những phát ngôn mạnh mẽ để nâng cao tiếng nói và thể hiện vai trò trong nội bộ quân đội Trung Quốc.
Trong bối cảnh này, Việt Nam phải thật bình tĩnh, cảnh giác và theo dõi các hoạt động của Trung Quốc, đặc biệt là việc điều binh khiển tướng ở phía Nam và động thái của Hạm đội Nam Hải.
Ngoài ra, Việt Nam cũng không cần phải ăn miếng trả miếng với Trung Quốc thông qua lời nói. Chúng ta chỉ cần thấy rằng liệu Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc có đủ sức chống lại cả thế giới ở Biển Đông hay không.
– Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an: Tuyên bố của Trung Quốc chỉ mang tính đe dọa. Đây là sở trường của giới lãnh đạo Trung Quốc khi dùng lời nói, vũ lực và hành động cụ thể để đe dọa, lấn lướt và răn đe các nước xung quanh. Có lẽ, tuyên bố lần này của ông Vương Giáo Thành cũng mang ý nghĩa tương tự.
“Không dám gây sự với Mỹ”
– Theo ông, tuyên bố này của tư lệnh Trung Quốc có thổi bùng xung đột với Mỹ trong quá trình thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông hay không?
– Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Theo tôi, Trung Quốc sẽ không chủ động đụng độ để thổi bùng xung đột với Mỹ. Đúng như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nói năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa của Việt Nam: “Về vấn đề trên biển, 20 năm nữa Trung Quốc vẫn phải dò đá qua sông”.
Câu nói của ông Lý là nhận định xác thực về khả năng của Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc chưa dám chống lại Mỹ và các đồng minh của Mỹ để gây hấn trên biển.
– Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trung Quốc chắc chắn sẽ không dám đụng độ với Mỹ ở Biển Đông. Xét tổng thể các tiềm lực từ kinh tế, chính trị tới quân sự, Trung Quốc đều không thể địch lại được với Mỹ. Ngoài ra, Mỹ còn có những đồng minh rất thân cận, chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia trong khu vực.
Thiếu tướng Lê Văn Cương. Ảnh: Công Khanh |
Trong tương lai gần, từ nay tới năm 2022, đụng độ giữa Trung Quốc và Mỹ chắc chắn không xảy ra. Năm 2022 được chọn làm mốc vì khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chấm dứt nhiệm kỳ thứ 2 và chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo của đất nước. Chúng ta có lý do để khẳng định xung đột Trung – Mỹ không thể xảy ra.
Thứ nhất, Trung Quốc thua xa Mỹ về mọi phương diện. Thứ hai, ông Tập Cận Bình muốn hiện thực hóa Giấc mộng Trung Hoa với tham vọng đưa Trung Quốc thành cường quốc bá chủ thế giới chứ không gói gọn ở Biển Đông. Nếu đụng độ với Mỹ trên Biển Đông, tham vọng của Trung Quốc sẽ tan tành.
Trung Quốc chỉ có thể tiến hành các biện pháp như đưa máy bay, tên lửa tới Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, hay lắp đặt radar ở các đá và rạn san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam….
“Khó xảy ra xung đột lớn”
– Tham vọng chủ quyền của Trung Quốc đã rất rõ ràng. Liệu Bắc Kinh có đủ liều lĩnh để gây ra xung đột với các nước xung quanh nhằm hiện thực hóa yêu sách lãnh thổ?
– Thiếu tướng Lê Văn Cương: Theo quan điểm của tôi, xung đột lớn khó có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động nhỏ lẻ nhằm giành lợi thế trên Biển Đông. Nếu xảy ra, các cuộc xung đột cũng chỉ diễn ra trên diện hẹp, trong thời gian ngắn. Trung Quốc có thể đánh chiếm, lấn chiếm một khu vực nào đó khi cần thiết nhưng Bắc Kinh không thể duy trì một cuộc xung đột kéo dài cả tháng.
Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động mau lẹ và bất ngờ để đặt thế giới vào tình huống việc đã rồi. Nó giúp Bắc Kinh tiếp tục thực hiện mưu đồ. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tiếp tục dùng tàu hải giám, hải cảnh để thực hiện các vụ đâm va với tàu ngư dân nước ngoài trong khu vực mà Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền.