Văn hoá Dân gian

“Truyện Kiều” dưới góc nhìn của các danh họa hàng đầu Việt Nam

Trong số đó, bức tranh của họa sỹ Lê Văn Đệ được sử dụng làm bìa sách, gây nên những tranh cãi trái chiều trong những ngày vừa qua. Bên cạnh các quan điểm đánh giá cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm này là những ý kiến cho rằng, bức tranh vẽ nàng Kiều khỏa thân như vậy không phù hợp với việc sử dụng làm bìa sách, sẽ gây hiểu lầm về hình tượng nhân vật cũng như chủ đề của toàn bộ tác phẩm.

Trong ấn bản “Truyện Thúy Kiều” (Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo) do Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam và Nhà xuất bản Thế giới ấn hành tháng 11/2015 có một số phụ bản tranh minh họa lấy từ “Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du” do Hội Quảng Trị-Huế xuất bản năm 1942.
hatin24h
Đây là tập sách có bao gồm 11 bức tranh màu in trên giấy dó của các danh họa hàng đầu Việt Nam như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ và Nguyễn Đỗ Cung… Tập sách được xuất bản để quyên góp kinh phí sửa mộ, dựng bia tưởng niệm Nguyễn Du vào năm 1942.

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn – Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ: “Tôi cho rằng, đây là một tác phẩm hội họa giàu giá trị, thể hiện cảm nhận riêng của họa sỹ Lê Văn Đệ – một họa sỹ nổi tiếng, thủ khoa khóa I trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (năm 1930) về vẻ đẹp của Thúy Kiều.

Bên cạnh đó, ông Đoàn cũng cho rằng, với một tác phẩm hội họa, việc đánh giá đẹp-xấu là do cảm nhận, góc nhìn riêng của từng người. Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, quan điểm cho rằng bức tranh của họa sỹ Lê Văn Đệ mang màu sắc dung tục, trái với thuần phong mỹ tục thể hiện sự cứng nhắc trong tư duy thẩm mỹ.

“Tú bà ghé lại thong dong dặn dò” – Tranh của Tô Ngọc Vân. (Ảnh: Nhã Nam)

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cho biết: Họa sỹ Lê Văn Đệ từng là người phụ trách việc trang trí kỳ đài trong lễ tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình. Bức tranh này minh họa cho câu thơ “Rõ màu trong ngọc trắng ngà/Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” miêu tả vẻ đẹp Thúy Kiều khi tắm.

Bức tranh của Lê Văn Đệ được dùng làm bìa cuốn “Truyện Thúy Kiều” gây tranh cãi trong thời gian vừa qua. (Ảnh: Nhã Nam)

“Chúng tôi lựa chọn tác phẩm này làm bìa vì đây là một bức tranh đẹp, dùng nhiều màu đen, có nhiều không gian cho thiết kế, vẽ theo phong cách như tranh khắc, rất khỏe khoắn. Họa sỹ Lê Văn Đệ được đào tạo ở cả Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và Đại học Mỹ thuật Paris. Ông hoàn toàn có thể đi theo những lối tả thực với những chi tiết cụ thể. Tuy nhiên, ở đây, ông lại chọn vẽ theo lối tượng trưng, ước lệ – một bức vẽ gián cách, không đi vào tả chân và không nhuốm màu dung tục,” đại diện đơn vị phát hành cuốn sách bày tỏ.

Bên cạnh đó, theo đại diện Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, trong số các họa sỹ thuộc thế hệ vàng của mỹ thuật Việt Nam, có những tác giả còn có những tác phẩm minh họa “Truyện Kiều” với cách cảm nhận, thể hiện “táo bạo” hơn nhiều so với Lê Văn Đệ (đơn cử như họa phẩm “Tú bà ghé lại thong dong dặn dò” của Tô Ngọc Vân…)

Dưới đây là một số bức tranh vẽ minh họa “Truyện Kiều” từ nửa đầu thế kỷ 20 của các họa sỹ hàng đầu trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam (in trong “Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du”):

Tranh của Nguyễn Văn Tỵ. (Ảnh: Nhã Nam)
Tranh của Tôn Thất Đào. (Ảnh: Nhã Nam)
“Mịt mù dặm cát, đồi cây/ Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giày cầu sương.” – Tranh của Lương Xuân Nhị. (Ảnh: Nhã Nam)
Tranh của Nguyễn Đỗ Cung. (Ảnh: Nhã Nam)
Tranh của Nguyễn Gia Trí. (Ảnh: Nhã Nam)
Tranh của Trần Văn Cẩn. (Ảnh: Nhã Nam)
“Dập dìu lá gió cành chim” – Tranh của Phạm Hầu. (Ảnh: Nhã Nam)
An Ngọc (Vietnam+)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP