Qua xác minh hiện trường, qua lời kể của chị Duân, các trinh sát đã nắm được một phần về đối tượng này. Hắn thực sự là một kẻ máu lạnh, xuống tay hết sức dã man. Với những tên cướp thông thường, nếu không lấy được tiền, hoặc thực hiện hành vi cưỡng hiếp không thành công, thì sẽ bỏ trốn, đằng này, hắn ra tay giết cả. Mục đích giết người của hắn không rõ ràng.
Kẻ giết người bí ẩn
Ngay sau khi tìm thấy chị Nguyễn Thị Duân bất tỉnh ở khe núi, chỗ thung lũng Cô Tiên (thuộc thôn Khe Ngái, xã Đoàn Kết, Vân Đồn, Quảng Ninh), những người thân, làng xóm, chính quyền, quân đội, công an tiếp tục tổ chức tìm kiếm, lật tung từng cánh rừng, hốc đá tìm hai cháu bé con chị. UBND huyện Vân Đồn còn ra nghị quyết yêu cầu cán bộ, dân quân, nhân dân đều phải đóng góp ít nhất 3 ngày công đi tìm kiếm nạn nhân. Tổng số đã có nhiều ngàn lượt người vào rừng tìm kiếm hai cháu bé.
Chúng tôi đang trò chuyện với chị Nguyễn Thị Duân, thì anh Bùi Văn Bài, hàng xóm, tìm sang tiếp chuyện. Anh Bài nhớ lại: “Khi mọi người khiêng chị Duân về nhà, thì cả làng kéo đến, rồi bất kể người lạ, người quen cùng xông lên núi, chia rừng thành từng ô, tìm kiếm mọi ngóc ngách. Có đến hàng trăm bộ đội, dân quân, công an, cùng mấy trăm người dân được huy động tìm kiếm. Thậm chí, các nhà ngoại cảm cũng được huy động vào cuộc. Nhà tôi ở cạnh nhà chị Duân, nằm ở đầu con đường mòn vào rừng, nên tôi được giao nhiệm vụ nấu nước phục vụ đoàn tìm kiếm. Tình cảnh khi ấy thật đau thương, bi đát. Phải 3 ngày sau, xác cháu Lâm mới được phát hiện ở dưới khe núi. Xác cháu được mọi người quấn chăn khiêng về. Một đứa bé mới 11 tuổi, tay không tấc sắt mà nó sát hại dã man như vậy thực là không còn tính người. Nhưng xác cháu Mai thì vẫn bặt vô âm tín. Tôi nhớ là bộ đội, dân quân, công an cùng người dân tìm kiếm suốt 1 tháng trời mà không thấy đâu. Cuộc tìm kiếm buộc phải dừng lại. Mãi sau này, khi tìm thấy cháu, thì chỉ còn lại nắm xương tàn”.
|
Đây là chị Duân - nạn nhân của kẻ sát thủ máu lạnh Bùi Đức Lợi. Thân nhân kẻ gây ra cái chết cho hai con chị, gây thương tích cho chị, thì vẫn trơ tráo đồn thổi chị bồ bịch rồi cùng tình địch giết chồng và hai con, tự gây thương tích cho mình, rồi kiện cả Báo Gia đình Việt Nam. TAND quận Cầu Giấy thì lại xét xử vô căn cứ, bắt tòa soạn Báo phải xin lỗi cả vong hồn kẻ thảm sát các con chị, chém gần chết chị, chả khác nào cứa thêm vào vết thương lòng của các nạn nhân.
Đến chiều ngày 13/11/2006, tức là 3 tháng sau ngày xảy ra vụ giết người dã man trên núi Cô Tiên, anh Bùi Công Tương, trú tại thôn Khe Ngái (xã Đoàn Kết) vào rừng lấy củi, khi lội qua suối, đã phát hiện một bộ hài cốt nằm trong chiếc áo vải hoa dài tay và chiếc quần công nhân màu xanh. Anh Tương đã lập tức báo lại với công an huyện. Lực lượng công an ngay lập tức tổ chức vào rừng.
Bộ quần áo đã được chị Duân xác nhận là của con gái mình. Sau khi giám định ADN, Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an cũng xác nhận mẫu răng tử thi có quan hệ huyết thống theo dòng mẹ với chị Nguyễn Thị Duân. Cảnh sát điều tra xác định, sau khi giết cháu Mai, tên này đã ném xác cháu xuống suối. Những ngày đó mưa lớn, nước suối chảy xiết, xác cháu Mai trôi mạnh, rồi mắc vào một thân cây lớn, nên kẹt dưới lòng suối. Chính vì thế, hàng ngàn người tìm kiếm ngang dọc trong rừng mà không có hiệu quả. Chỉ đến khi mùa khô bắt đầu, lòng suối cạn trơ đáy, thì xác cháu Mai mới lộ ra. Tuy nhiên, từng ấy ngày tháng, thịt da cháu đã tan rã cả. Một vài mẩu xương cũng bị nước cuốn đi, vẫn chưa tìm thấy.
Ngay sau khi phát hiện xác cháu Lâm, Công an huyện Vân Đồn đã báo cáo, chuyển hồ sơ lên Công an tỉnh Quảng Ninh. Công an tỉnh đã lập ban chuyên án, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Trịnh Đình Ái, khi đó là Phó Giám đốc Công an tỉnh, làm trưởng ban. Đội điều tra Trọng án thuộc Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, cùng các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương vào cuộc, xuống địa bàn nắm tình hình, khám nghiệm tử thi, rà soát các đối tượng trên địa bàn. Lực lượng điều tra dựng lều trong rừng, ngày đêm lục tung từng cánh rừng để tìm manh mối.
Tại khu vực thung lũng Cô Tiên, Khe Ngái, có nhiều lối mòn do các hộ gia đình trồng rừng đi lại, nhưng thời điểm đó là mùa mưa, nên ít người vào rừng. Từ khu vực đó, có các lối mòn dẫn sang các xã Vạn Yên, Đoàn Kết, Hạ Long. Các mũi trinh sát được phân công đi theo các lối mòn để tìm vật chứng, phán đoán đường đi nước bước của kẻ giết người. Trong quá trình khoanh vùng địa bàn, lực lượng điều tra phát hiện tại khu vực đồi Máy Bay Rơi, nơi giáp ranh giữa xã Hạ Long và Đoàn Kết có 2 cuộn dây thừng buộc với nhau bằng 3 nút thắt cố định. Các đoạn dây thừng được tìm thấy cách nơi phát hiện tử thi cháu Lâm chừng 10m.
Cách khu vực phát hiện tử thi cháu Lâm 80m, cảnh sát điều tra tìm thấy mảnh băng vệ sinh phụ nữ thấm chất màu nâu, chiếc khăn mùi xoa dính máu, khăn rửa mặt loại nhỏ còn mới. Cách vị trí phát hiện miếng giấy vệ sinh đó 500m có 2 bó tre. Các điều tra viên xác định nơi phát hiện 2 bó tre chính là địa điểm 3 mẹ con chị Duân bị tên cướp khống chế.
Chiếc bằng thuyền trưởng của tên Lợi, thu được khi hắn bị bắt ở nhà ông Hùng. |
Khám nghiệm tử thi cháu Lâm cho thấy, tại đỉnh thái dương trái có 3 vết thương rách da, bờ mép sắc gọn, trong đó, 2 vết thương làm vỡ hộp sọ, bung cả mảnh sọ ra ngoài. Qua nhiều ngày điều tra ngoài hiện trường, cơ quan điều tra xác định đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Hung thủ đã ra tay sát hại 3 mẹ con chị Duân, riêng chị Duân may mắn thoát chết.
Sau nhiều ngày nằm viện điều trị, chị Duân đã qua cơn nguy kịch, dần hồi tỉnh và nhớ lại sự việc. Chị Duân được các đồng chí công an thay nhau bảo vệ nghiêm ngặt, nhằm tránh việc bị hung thủ tìm cách sát hại bịt đầu mối.
Thiếu tá Hoàng Văn Định, Đội trưởng Đội trọng án tỉnh Quảng Ninh nhớ lại: “Thời điểm đó đã là mùa thu, trời ban ngày se lạnh, còn đêm thì khá rét. Đã vậy, trời lại mưa gió liên tục. Chúng tôi ăn bờ ngủ bụi quen rồi, thế mà con run lên vì lạnh, trong khi chị Duân bị thương nặng, mất nhiều máu, mà vẫn sống sót qua một ngày đêm, thì quả là ngoài sức tưởng tượng. Chị Duân phải có nghị lực và sức chịu đựng khủng khiếp mới vượt qua được. Trong quá trình điều tra, phá án, gặp nhiều nạn nhân, nhưng chúng tôi thực sự khâm phục chị Duân”.
Mặc dù chị Duân không nhìn rõ đối tượng, vì hắn mặc áo mưa lúp xúp và bịt kín mặt, nhưng đôi mắt, giọng nói của hắn thì ám ảnh chị. Qua những thông tin chị cung cấp, lực lượng công an địa bàn khoanh vùng đối tượng, đưa hàng loạt đối tượng vào diện nghi vấn để điều tra.
Qua xác minh hiện trường, qua lời kể của chị Duân, các trinh sát đã nắm được một phần về đối tượng này. Hắn thực sự là một kẻ máu lạnh, xuống tay hết sức dã man. Với những tên cướp thông thường, nếu không lấy được tiền, hoặc thực hiện hành vi cưỡng hiếp không thành công, thì sẽ bỏ trốn, đằng này, hắn ra tay giết cả. Mục đích giết người của hắn không rõ ràng.
Theo lời kể của chị Duân, chị chưa phát hiện ra hắn là ai, chị cũng không hề chống cự hắn. Chị chỉ chống cự khi hắn đòi cưỡng hiếp. Tuy nhiên, khi biết chị đang “đến tháng”, thì hắn thôi thực hiện hành vi bỉ ổi. Không lấy được tiền, không cưỡng hiếp được thì hắn giết. Cách giết người của hắn cũng vô cùng man rợ, tàn khốc. Đang dí súng vào lưng, đẩy chị Duân đi trước, hắn bất ngờ cầm dao rựa chém nhiều nhát vào đầu, trong hoàn cảnh chị Duân không hề chống cự, hoặc gây nguy hiểm gì cho hắn và hắn cũng chưa lộ danh tính của mình.
Trong số các đối tượng cộm cán ở Vân Đồn, cũng như toàn tỉnh Quảng Ninh, tên Bùi Đức Lợi được đưa vào diện nghi vấn. Tuy nhiên, lực lượng trinh sát phải chia nhỏ, theo dõi nhiều đối tượng, nên đôi lúc hắn lọt ra khỏi tầm kiểm soát.
Vụ án xảy ra, mà đối tượng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, khiến người dân huyện đảo du lịch thanh bình này vô cùng khiếp sợ. Đêm xuống, người dân không dám ra đường, trẻ em được bố mẹ theo sát. Người dân Vân Đồn càng hãi hùng hơn, khi nghĩ lại những vụ cưỡng hiếp xảy ra trước đó, với một số nạn nhân là học sinh cấp 3 ở huyện. Đã có mấy nữ sinh tố cáo một kẻ đồi bại, bịt mặt, chặn đường bắt cóc nữ sinh vào nghĩa trang để cưỡng hiếp. Lực lượng công an đã điều tra rốt ráo, mà chưa tóm được đối tượng. Trong hoàn cảnh đó, lại xảy ra vụ án giết người, cưỡng hiếp gây chấn động, càng khiến người dân vô sợ hãi hơn.
Cướp bóc liều lĩnh
Sau gần 7 tháng điều tra, vẫn chưa tìm ra hung thủ trong vụ giết người man rợ, thì ngày 29/1/2007, tại tổ 92 (khu Đồn Điền, phường Hà Khẩu, TP. Hạ Long, Quảng Ninh), xảy ra vụ án giết người và cướp tài sản.
Theo bản kết luận điều tra của Công an tỉnh Quảng Ninh, thì vào hồi 17h25, tên Bùi Đức Lợi đột nhập vào nhà ông Hùng, sử dụng súng thể thao cưa báng, cưa nòng khống chế yêu cầu ông Phan Đình Hùng phải đưa 1 triệu đồng. Ông Hùng đã lấy từ túi quần 700 ngàn đồng đưa cho đối tượng. Y cầm tiền và lấy luôn chiếc điện thoại của ông Hùng. Sau khi cầm tiền và điện thoại, hắn đã yêu cầu mở tủ để kiểm tra lấy thêm tiền. Ông Hùng sợ hắn tấn công mọi người, nên đã lao vào cướp súng. Đối tượng đã quay súng bắn vào ngực làm ông Hùng tử vong tại chỗ. Con trai ông Hùng là Phan Đình Tường cùng hàng xóm đã xông vào khống chế, bắt giữ đối tượng, thu giữ 1 khẩu súng, 39 viên đạn, cùng giấy tờ mang tên Bùi Đức Lợi.
Bà Trịnh Thị Quý chỉ vết đạn Bùi Đức Lợi bắn vào tường để đe dọa mọi người. Gia đình bà Quý mới trát lại vết đạn để quên đi sự ám ảnh |
Bùi Đức Lợi đã nhận tội, song trong một phiên tòa, hắn đã phản cung. Theo lời hắn, thì hắn chỉ nhận dàn xếp hộ bạn bè một vụ tranh chấp liên quan đến bến bãi, chứ không hề cướp của, giết người. Khi đến nhà ông Hùng, thì ông Hùng vác súng ra đòi bắn. Hắn và ông Hùng giằng co và súng đã nổ khiến ông Hùng tử vong. Có lúc, hắn lại khai rằng, hắn cũng cầm súng vào nhà ông Hùng dàn xếp mâu thuẫn, nhưng kẻ bắn ông Hùng là tên khác. Sự thật vụ án này thế nào, nhóm phóng viên đã gặp gia đình ông Hùng để lật lại sự thật vụ việc.
Căn nhà nơi đại gia đình ông Phan Đình Hùng sinh sống nằm dưới chân quả đồi, ngay quốc lộ, đầu TP. Hạ Long. Bà Trịnh Thị Quý đón tiếp chúng tôi với thái độ dè dặt. Bà kiểm tra kỹ giấy tờ, hỏi cặn kẽ thông tin, rồi mới dám kể lại câu chuyện kinh hãi mà đại gia đình bà mới phải trải qua.
Bà Quý nhớ lại: “Hôm đó, khoảng 6 giờ chiều, bỗng tiếng chó sủa ầm ĩ. Tưởng có khách, tôi bật điện ngoài sân, rồi đi ra hiên. Tuy nhiên, con chó lại không sủa nữa nên tôi lại tắt điện, rồi mọi người vào nhà ăn cơm. Đến 7 giờ tối, ông Hùng về nhà. Hôm đó, mẹ chồng, chị chồng và em chồng tôi đến nhà chơi, ở lại ăn cơm. Lúc ông Hùng về, bà còn nói vui: “Trông thế này mà đã có cháu ngoại rồi”. Trêu xong, bà bảo: “Cho tao xin cái sổ tiết kiệm để tạo rút ít tiền tiêu vặt”. Ông Hùng bảo: “Mẹ yên tâm, sợ con không có tiền nuôi mẹ hay sao mà phải rút sổ”. Nói chuyện vài câu rồi ông Hùng đi tắm, tôi dắt mẹ chồng vào nhà vệ sinh. Tôi bật điện trong nhà, chị chồng ra chỗ chuồng gấu kiểm tra nồi cháo nấu cho gấu ăn. Chị chồng tôi vừa ra đó, thì tên cướp gí súng vào đầu. Chị ấy hét lên, thì nó vòng tay ôm chặt và bóp miệng lại, một tay lăm lăm súng. Lúc đó thằng Tường nhà tôi ở trong nhà, ông nhà tôi ra mở cửa. Vừa mở cửa, nó xông vào trong nhà trấn áp luôn ông Hùng. Nó bảo đưa cho nó 1 triệu thì nó tha mạng. Ông Hùng bảo: “Tao vừa làm nhà, không còn đồng nào cả. Mày cứ bình tĩnh đã xem thế nào”. Ông Hùng với tay bật bóng điện trong nhà. Nó nổ súng đoàng một cái, bắn thẳng vào tường, yêu cầu không được bật điện.
Bà Trịnh Thị Quý kể lại cảnh Bùi Đức Lợi xông vào nhà cướp. |
Thấy tên cướp này manh động, ông Hùng đã móc ví lấy hết tiền, được 700 ngàn đồng đưa cho nó, tuy nhiên, nó trấn áp đòi mở tủ tiếp tục tìm tiền. Lúc đó, thằng Tường nấp ở phòng trong, bấm điện thoại gọi cho nhà ông Trại hàng xóm. Thế nhưng, gọi mấy lần mà không thấy ai nhấc máy. Cô út nhà chồng tôi đã thoát ra ngoài, chạy sang nhà ông Trại gọi người. Nhà ông Trại có 3 người, nhưng biết tên cướp mang súng, lại không biết có đồng bọn hay không nên chưa dám vào ngay mà tiếp tục đi gọi thêm người. Ông Hùng bảo vừa xây nhà, tiền còn nợ, thì làm gì có tiền, nhưng nó cứ thúc phải mở tủ. Mở tủ, không tìm thấy tiền, nó lại gí súng vào con gái tôi đe dọa, lôi về phía nhà vệ sinh. Ông Hùng sợ nó bắn con gái, nên xông ra vồ súng của nó. Hai bên giằng co, thì tôi nghe thấy súng nổ. Thằng Tường liền xông ra ôm chặt lấy nó, vật lộn từ nhà vệ sinh vào bếp, rồi ra sân. Nó và thằng Tường còn đánh nhau, đấm đá mãi. Lúc đó, 3 ông hàng xóm mới đến. Tôi hô xông vào bắp cướp, thì cả 3 người cùng xông vào khống chế, đè nó xuống. Thằng Tường cầm con dao chém vào đầu nó bằng sống dao. Con dao tuột khỏi tay, rơi xuống đất, thằng Tường lại đá vào chảy cả máu. Tôi cướp được khẩu súng, cũng cầm báng súng đập cho nó mấy cái. Ông Trại đòi đánh chết, tuy nhiên, tôi đã ngăn lại, bảo gọi cho công an xử lý, chứ đánh chết nó thì mình lại đi tù. Khi đó, mọi người trói nó lại, bắt nó quỳ ở sân và nó đã nhận hết tội. Bắt nó xong xuôi, tôi mới chột dạ vì không thấy ông Hùng đâu. Tôi chạy vào trong nhà, thì thấy ông Hùng đã nằm trên vũng máu, tắt thở rồi. Tôi gọi xe cấp cứu, nhưng bác sĩ đến, xác định ông ấy đã tử vong”.
Có đồng bọn hay không?
Chúng tôi hỏi bà Trịnh Thị Quý: “Theo lời kể của bà thì gia đình bà và 3 người hàng xóm đã bắt sống tên Lợi khi hắn vác súng xông vào cướp. Nhưng theo lời khai của hắn trước tòa và nội dung đơn kiện của bà Nguyễn Thị Mùi, mẹ tên Lợi, thì hắn chỉ đi tay không vào nhà ông bà với mục đích dàn hòa trong một vụ tranh chấp mâu thuẫn bến bãi?”.
Bà Quý bức xúc nói: “Lúc bắt được nó, mọi người trói lại, bắt nó quỳ ở sân. Nó đã nhận là tên cướp rồi, nên tôi mới tha mạng, không cho mọi người đánh nó. Nó cũng đã nhận tội trong các bản cung, thế nhưng, ra tòa nó lại phản cung, bảo công an ép buộc, tra tấn nên nó mới khai theo chủ ý của công an. Lúc đó, tôi ức lắm, tôi tiếc là không để mọi người giết luôn nó đi. Nhà tôi có ai làm giang hồ, bảo kê bến bãi gì đâu mà nó phải vào dàn xếp cái gì. Ông nhà tôi chỉ là công nhân ở phà Bãi Cháy.
Tôi thì không có nghề ngỗng gì, chỉ ở nhà làm nội trợ. Thằng Tường thì đi bộ đội vừa ra quân, còn mấy đứa con gái nhỏ thì giang hồ bến bãi với ai. Sau này, khi nó khai như vậy, công an cũng xuống nhà tôi điều tra và làm sáng tỏ, nhà tôi chẳng có ai làm gì liên quan đến tranh chấp, bến bãi, vì chẳng làm ăn gì cả. Nó và luật sư, cùng mẹ nó cãi rằng, chẳng ai vác súng vào nhà đòi có 1 triệu đồng. Họ đặt câu hỏi như thế là đúng, nhưng không phải vì thế mà suy diễn lung tung. Đúng là khi nó vác súng vào nhà trấn áp, nó đòi 1 triệu đồng. Ông nhà tôi móc hết ví chỉ có 700 ngàn đưa cho nó, nhưng nó có dừng lại đâu, nó ép ông ấy mở tủ tìm tiền tiếp cơ mà. Trước tòa, nó cũng khai không phải nó bắn, mà lúc nó nói ông Hùng mang súng ra, rồi giằng có với nó nên trúng đạn, lúc nó lại khai đồng bọn đứng ngoài bắn ông Hùng. Nó bảo đi cùng đồng bọn, nhưng chỉ có nó vào nhà.
Nó nói thế là bố láo, chối tội. Khi nó đang trấn áp mọi người ở trong nhà, thằng Tường gọi điện sang nhà ông Trại, nhưng không ai nhấc máy. Trong khi nó mải trấn áp ông Hùng, thì cô út bên chồng nhà tôi mở cửa chạy sang nhà ông Trại hô hào mọi người ứng cứu. Nếu nó có đồng bọn, thì sao đứa con gái của tôi chạy ra ngoài đi báo hàng xóm được. Chúng nó chả khống chế ngay chứ. Với lại, có đồng bọn, thì nhà tôi chết sạch với chúng nó rồi, chứ sao bắt được nó”.
Hiện trường tên Bùi Đức Lợi bắt ông Hùng mở tủ để tìm tiền. |
Chúng tôi hỏi tiếp: “Trong lời khai của bà và những người trong gia đình, thì Lợi đội mũ len, chỉ hở 2 mắt và xông vào nhà, nhưng tang vật vụ án là chiếc mũ len thì không có?”. Bà Quý giải thích: “Cái mũ len là điều tôi tiếc nhất. Lúc công an xuống tóm nó đi, rồi xem xét hiện trường, thu thập chứng cứ, thì không thấy cái mũ len. Mấy hôm sau, em gái tôi quét nhà, mới thấy cái mũ len. Tôi bảo để lại, khi nào gọi công an đến lấy. Tuy nhiên, em gái tôi nhìn cái mũ lại căm hận nó, nên đem ra suối vứt. Sau đó, công an có xuống hỏi về cái mũ, tôi kể lại, họ ra suối tìm nhưng không thấy nữa. Đó là điều rất đáng tiếc. Nó xông vào nhà tôi cướp bóc, bắn chết chồng tôi, bị bắt tại trận, ai mà nghĩ rằng sau này nó sẽ phản cung, bịa tạc ra những lý do giời ơi đó, rồi mẹ nó cứ theo kiện dai dẳng”.
Sau khi tên cướp bị bắt giữ, lực lượng công an đã xuống hiện trường thu giữ một khẩu súng thể thao cưa nòng, 39 viên đạn, một chiếc đồng hồ điện tử nhãn hiệu Rado, điện thoại và số tiền vừa cướp được, cùng một số giấy tờ cá nhân của hắn. Tại cơ quan công an, hắn khai là Bùi Đức Lợi, sinh năm 1979, trú tại khu 4, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn. Một số giấy tờ, như chiếc bằng lái tàu, cũng thể hiện rõ thông tin về hắn.
Một thứ rất quan trọng mà bà Quý đã nhặt được tại hiện trường, đó là cuốn sổ tay của tên Lợi, như một cuốn nhật ký nhỏ. Trong cuốn sổ đó, hắn ghi chép lại bằng thứ chữ theo kiểu viết ngược, nói về những ngày trước đó đã làm gì, ở đâu. Từ cuốn sổ ghi chép của hắn, với những bằng chứng rõ ràng, hắn đã phải nhận tội. Tuy nhiên, từ vụ án giết, cướp này, với những chứng cứ sắc bén, hắn đã khai ra hàng loạt vụ cướp, giết, hiếp rùng rợn, gây hoang mang tột độ cho người dân vùng đất du lịch này.
Ngày 24/4 tới đây, TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án dân sự về việc “Yêu cầu xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại” của bà Nguyễn Thị Mùi (thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh) với Báo Gia đình Việt Nam. Điều gây xôn xao dư luận, là trước đó, Ngày 22/9/2017, Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy, đã mở phiên tòa sơ thẩm lần 2, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Mùi, yêu cầu Báo Gia đình Việt Nam và Tổng biên tập Hồ Minh Chiến phải xin lỗi độc giả, bà Mùi và gia đình cùng vong linh người chết (?!). Ngoài ra, Tòa yêu cầu Báo gia đình Việt Nam bồi thường cho bà Nguyễn Thị Mùi tổng số tiền 72.726.000 đồng, trong tổng số tiền 300 triệu đồng mà bà Mùi yêu cầu đền bù. Cả Báo Gia đình Việt Nam cùng bà Nguyễn Thị Mùi đều không chấp nhận bản án này, nên sẽ “gặp nhau” ở Tòa dân sự Hà Nội. Điều thú vị, xoay quanh vụ kiện đòi bồi thường này, đó là tấm ảnh chân dung bà Nguyễn Thị Mùi được đăng trên một ấn phẩm của Báo Gia đình Việt Nam. Bà Mùi vin vào việc Báo không có văn bản đồng ý của bà khi đăng hình ảnh, và điều đó làm tổn hại đến sức khỏe, uy tín, tinh thần... khiến bà thiệt hại đến 300 triệu đồng (?!). Điều khó tin nổi với giới báo chí, là Tòa dân sự Cầu Giấy không chỉ yêu cầu Báo bồi thường, mà còn bắt xin lỗi cả “vong linh người chết”. Mà “vong linh người chết” ở đây chính là Bùi Đức Lợi, một tên tội phạm khát máu, một kẻ giết người hàng loạt, một kẻ gây tang thương cho biết bao người hiện còn sống ở Quảng Ninh. Mấy mạng người bị sát hại, mấy gia đình mất người thân, người đàn bà bệnh tật chưa được người thân của tên sát nhân này đền bù đồng nào, chưa được một lời xin lỗi, vậy mà Tòa dân sự Cầu Giấy lại bắt lãnh đạo của một tờ báo xin lỗi “vong linh người chết”, tức là phải xin lỗi “vong linh” của tên giết người khét tiếng, đã bị tử hình bởi quyết định của Tòa án nhân dân Tối cao. Câu chuyện chỉ xoay quanh vụ việc Báo Gia đình Việt Nam đăng ảnh chân dung bà Mùi có đúng quy định hay không, mà đẩy lên thành vụ việc phức tạp. Luật sư Phạm Ngọc Minh Công ty TNHH Everest cho biết: “Bà Nguyễn Thị Mùi cho rằng Báo Gia đình Việt Nam đã tự ý đăng ảnh cá nhân của bà, tự ý đăng đời tư của bà lên báo chí, xúc phạm đến quyền tự do tín ngưỡng của bà mà không được sự đồng ý của bà là không có căn cứ. Khi phóng viên chụp các bức ảnh này, bà Nguyễn Thị Mùi không phản đối. Cụ thể là cả hai bức ảnh chụp trực diện thể hiện rõ thái độ chủ động của bà Nguyễn Thị Mùi khi được chụp ảnh. Như vậy, bà Nguyễn Thị Mùi không phản đối việc phóng viên chụp và đăng ảnh”. Ngoài ra, theo ông Minh, việc bà Mùi liên tục kiện cáo các cơ quan thi hành án, tuyên truyền mê tín dị đoan với cảnh “tử tù Bùi Đức Lợi” nhập vong vào cô đồng Sinh (ở Hải Dương), khiến dư luận hiểu sai vụ án, thì với trách nhiệm của cơ quan báo chí, cần thiết phải làm rõ hiện tượng này, do đó, việc chụp ảnh bà Mùi như nhân vật tuyên truyền mê tín dị đoan, là trách nhiệm của báo chí, không cần phải xin phép bằng văn bản. Cũng theo ông Minh, việc kiện Báo Gia đình Việt Nam không phải là mục đích chính của bà Nguyễn Thị Mùi và những kẻ phản động đứng sau. Báo chỉ là nạn nhân, là bàn đạp để những đối tượng này tiếp tục kiện Công an Quảng Ninh, muốn minh oan cho tử tù Bùi Đức Lợi. Việc TAND Cầu Giấy xử thiên vị, đã gây ra rất nhiều hệ lụy về sau. Còn tiếp... |
Tác giả: PHẠM DƯƠNG NGỌC
Nguồn tin: Báo VTC News