Ăn bớt suất ăn của học sinh là vi phạm pháp luật
Được biết, mức thu tiền ăn của mỗi học sinh tại Trường Việt Úc trên 100.000 đồng/ngày, nhưng theo một số phụ huynh, trong bữa chính, suất ăn này lại “èo uột” như một suất ăn bình dân. Nhiều cha mẹ học sinh cho rằng đã có sự trục lợi từ tiền ăn của học sinh nên cần làm rõ số tiền trục lợi là bao nhiêu, ai được hưởng lợi?
Đáng buồn, sự việc trên không phải hi hữu. Thời gian qua, tình trạng một số nhà trường thu tiền ăn của học sinh khá cao, đặc biệt là những trường gắn mác quốc tế song suất ăn chẳng khác gì suất cơm bụi, thậm chí không đảm bảo vệ sinh thực phẩm diễn ra khá phổ biến. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chế độ dinh dưỡng, sự phát triển về thể chất và khả năng vận động và tư duy của trẻ.
Suất ăn lèo tèo dành cho học sinh không khác gì suất cơm bình dân |
Dưới góc độ pháp lý, theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, khi phát hiện tình trạng cắt xén suất ăn của học sinh thì Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu, các cán bộ, bộ phận hậu cần, nhà bếp... phải chịu trách nhiệm. Các cơ quan chức năng cần làm rõ vai trò của từng người trong việc ăn bớt, ăn chặn tiền của học sinh cũng như ai là người hưởng lợi số tiền chiếm đoạt là bao nhiêu để xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, đối với những vụ việc này cần có sự vào cuộc của Hội cha mẹ học sinh, thanh tra giáo dục... Nếu phát hiện có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn của cán bộ, lãnh đạo trường để biển thủ công quỹ, chiếm đoạt tiền ăn của các học sinh hòng tư lợi cá nhân thì cần nhanh chóng chuyển vụ việc đến cơ quan công an xem xét giải quyết.
Có thể xử lý về tội Tham ô tài sản?
Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Điều 353 BLHS 2015 về tội Tham ô tài sản quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2-dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ 2-7 năm.
Như vậy, những người được giao nhiệm vụ thu tiền, giữ tiền mà không sử dụng số tiền này vào mục đích phục vụ bữa ăn cho học sinh, nếu lợi dụng chức vụ để biển thủ từ 2 triệu đồng trở lên có thể bị xử lý hình sự về tội danh trên.
Từ trước đến nay, chất lượng bữa ăn của trẻ tại trường do nhà trường quyết định. Hiện có nhiều trường học ở Hà Nội do không có khả năng chuẩn bị bữa ăn cho học sinh nên đã ký kết với đơn vị cung ứng thực phẩm cung cấp suất ăn.
Mặc dù trách nhiệm của nhà trường phải kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, phối hợp với chính quyền địa phương thành lập đoàn giám sát kiểm tra tại nơi sản xuất mà công ty cung cấp một cách thường xuyên, song điều này hầu như không được thực hiện. Chỉ khi nào có sự cố xảy ra thì mới xem xét đến hợp đồng, trách nhiệm.
Trong khi đó, hầu hết cha mẹ học sinh đều trông cậy vào nhà trường trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho con em mình. Họ hầu như không tham gia giám sát chất lượng bữa ăn bán trú. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc cắt xén khẩu phần ăn của học sinh diễn ra ngày càng phổ biến. Bên cạnh đó, thời gian qua, đối tượng có hành vi vi phạm chỉ bị xử lý kỷ luật qua loa nên không đảm bảo tính răn đe.
"Hầu hết những sai phạm trong việc cung cấp bữa ăn bán trú cho học sinh bị phát hiện bởi chính các phụ huynh, song đây chỉ là việc làm mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Để tránh xảy ra các vụ việc đáng tiếc tiếp theo cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ Hội cha mẹ học sinh, sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, ngành giáo dục và những giải pháp quản lý, kiểm soát bữa ăn cho học sinh, nghiêm khắc xử lý những sai phạm tại chính các trường học" - Luật sư Tiến Hòa khuyến cáo.
Tác giả: Huệ Linh
Nguồn tin: Báo An ninh thủ đô