TS.BS. Tô Thanh Phương - Trưởng khoa Cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 là người trực tiếp điều trị cho hot girl Bella (tên thật là Đoàn Thúy Hà) khi cô này được chuyển tới đây.
Trao đổi với PV VTC News, bác sĩ Phương cho biết: "Chúng tôi nhận thấy rằng, bệnh nhân có triệu chứng phân liệt cảm xúc trong trạng thái hưng cảm. Khi bệnh nhân có sự hưng cảm, thì cô sẽ sôi nổi, hoạt bát, thích tham gia, thích giao lưu và có thể cả nhu cầu tình dục cũng tăng", BS Phương nói.
Hot girl Bella ngủ gật ở sảnh Khoa Cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Trung Ương 1 (Ảnh: Chi Lê) |
Tuy nhiên, với bệnh nhân mắc bệnh tâm thần, cụ thể là trầm cảm, sau đó bị cưỡng hiếp, bệnh tâm thần sẽ trở nên nặng hơn.
Từng điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhân tâm thần rồi bị cưỡng hiếp, TS. Tô Thanh Phương chia sẻ: "Tất cả bệnh nhân đều có hình thức khá. Họ tới bệnh viện điều trị trong trạng thái hoảng loạn, khi bác sĩ nam tới khám bệnh thì chống đối, la hét, mất kiểm soát về hành vi, còn trong đầu tái hiện lại những hình ảnh kinh khủng khi bị cưỡng hiếp.
Với trường hợp bệnh nhân Thúy Hà, tôi không khẳng định khả năng cô ấy bị cưỡng hiếp, nhưng cô ấy có hưng cảm. Bên cạnh đó, cô ấy lại có nhan sắc, nên cũng không loại trừ khả năng từng xảy ra quan hệ tình dục với một người nào đó, hoặc là nhiều người. Đó cũng là nguyên nhân không ai biết bố đứa trẻ mà cô ấy sinh ra là ai".
Theo BS Phương, các trường hợp bệnh nhân tâm thần bị cưỡng hiếp không ít. Và đa phần các trường hợp này đều có gia cảnh nghèo khó, trong nhà từng có một người bị bệnh tâm thần.
"Chúng tôi từng liên hệ cho một bệnh nhân tâm thần ra Bệnh viện Đa khoa Thường Tín để sinh con, rồi liên hệ với gia đình đón bệnh nhân về.
Nhưng gia đình tỏ ý từ chối, họ cho rằng đã nghèo, khổ, cuộc sống khó khăn, nay lại thêm 1 bệnh nhân tâm thần và 1 đứa con nhỏ, thì họ không đủ lực để chăm sóc hay nuôi nấng", bác sĩ Phương kể lại.
BS Tô Thanh Phương hỏi chuyện hot girl Bella (Ảnh: Chi Lê) |
Bác sĩ Phương chia sẻ thêm: "Tôi cho rằng, muốn giảm thiểu những trường hợp như bệnh nhân Thúy Hà, vai trò của gia đình rất quan trọng. Gia đình phải cho bệnh nhân uống thuốc đều, hiện nay có rất nhiều thuốc tốt giúp bệnh nhân tỉnh táo. Khi tỉnh táo bệnh nhân không đi lang thang, thì không có hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Hàng xóm, chính quyền cũng nên vào cuộc, giúp đỡ. Chính quyền địa phương nơi có bệnh nhân ở nên có nhân viên quản lý, giám sát, theo dõi, nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc, tạo điều kiện đưa bệnh nhân tái hòa nhập cộng đồng, để họ không bị bỏ rơi và cảm thấy tủi thân".
Tác giả: Chi Lê
Nguồn tin: Báo VTC News