Thế giới

Trung Quốc điều khí tài hạng nặng, đòi Ấn Độ rút quân

Trung Quốc vừa tái kêu gọi Ấn Độ rút quân khỏi một khu vực tranh chấp trên dãy Himalaya để tránh "tình hình leo thang". Kêu gọi được đưa ra sau khi Bắc Kinh vừa diễn tập bắn đạn thật.

Theo RT, phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 18/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang thúc giục Ấn Độ rút quân khỏi khu vực gần biên giới Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan.

"Trung Quốc đã nhiều lần nói rõ rằng phía Ấn Độ nên hiểu rõ tình hình và phải áp dụng các biện pháp để rút lực lượng đã tràn qua biên giới bất hợp pháp về lại nước này", AP dẫn lời phát ngôn viên Lu Kang nói. Ông này còn cho biết thêm, quân Ấn Độ phải rút rồi các cuộc đàm phán về lãnh thổ tranh chấp mới có thể diễn ra.

Hiện, Trung Quốc và Bhutan, đồng minh của Ấn Độ, cũng đang mắc kẹt trong bế tắc tranh chấp lãnh thổ ở ngã 3 biên giới ba nước. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ (ủng hộ tuyên bố về lãnh thổ của Bhutan) đã gia tăng hôm 16/6 khi một nhóm người Trung Quốc bắt đầu xây dựng một con đường ở Cao nguyên tranh chấp Doklam, nơi Ấn Độ khẳng định đó là đất của Bhutan.

Bhutan phản ứng bằng cách kêu gọi trợ giúp từ Ấn Độ và New Delhi đã triển khai quân qua biên giới.

Ấn Độ cũng cảnh báo Bắc Kinh rằng con đường đó là là mối quan ngại an ninh sâu sắc vì nó cho phép Trung Quốc đi vào "cổ gà" - vùng đất hình chữ V, vốn kết nối 7 bang phía đông bắc Ấn Độ với phần còn lại của nước này.

Việc Ấn Độ triển khai quân tới khu vực trên đã chọc giận Trung Quốc và Bắc Kinh đáp trả bằng cách đóng một con đường độc đạo qua núi gần đó, nơi người Ấn Độ đi hành hương thường dùng để tới núi Kailash, vùng đất thánh ở Tây Tạng.

Lời kêu gọi của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lu Kang được đưa ra sau khi Trung Quốc chuyển hàng chục nghìn tấn máy móc và thiết bị quân sự tới Tây Tạng, gần khu vực tranh chấp. Trung Quốc đã tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật suốt 11 tiếng tại Tây Tạng.

Tham gia diễn tập có một lữ đoàn được trang bị máy phóng lựu đạn, súng máy hạng nặng, pháo, CCTV đưa tin hồi cuối tuần trước. Diễn tập cũng bao gồm theo dấu và nhắm bắn máy bay của kẻ thù.

Theo India Today, số khí tài không được chuyển tới gần biên giới Sikkim mà ở bắc Tây Tạng, gần phía tây Tân Cương. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể triển khai mau chóng các máy móc, thiết bị quân sự tới biên giới với Ấn Độ và Bhutan thông qua mạng lưới đường sắt và đường bộ ở Tây Tạng. Với các tuyến cao tốc kéo dài từ Lhasa tới Yadong, khu vực Nathu La của Trung Quốc tại đoạn biên giới Sikkim, thì khoảng cách 700 km chỉ mất 6-7h đi lại.

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều tăng quân tại khu vực tranh chấp hồi tháng 6, mỗi bên triển khai thêm 3.000 quân. Thông thường, binh sĩ ở tiền tuyến không mang vũ khí để tránh căng thẳng leo thang.

Truyền thông Trung Quốc nói, Ấn Độ hiện có tổng số 200.000 quân đóng tại các khu vực tranh chấp với Bắc Kinh, nếu đọ lực lượng thì một binh sĩ Trung Quốc phải đấu lại 15-20 lính Ấn Độ.

Tác giả: Hoài Linh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP