Xã hội

Trở thành nạn nhân vì mua bán đất dự án của vợ nguyên lãnh đạo Công an tỉnh

Theo UBND huyện Đắk Glong, có 133 trường hợp tạo lập tài sản trên diện tích đất rừng từng giao cho công ty của vợ nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, trong đó có hộ dân "đầu tư" cả tỷ đồng.

Từ 7/6 - 15/6, UBND huyện Đắk Glong (Đắk Nông) thực hiện cưỡng chế đối với các trường hợp chiếm đất trái pháp luật tại xã Quảng Sơn dọc quốc lộ 28, đoạn qua huyện Đắk Glong.

Có 133 trường hợp được xác định vi phạm đều tạo lập tài sản trên diện tích đất rừng trước đó được UBND tỉnh Đắk Nông giao cho Công ty TNHH thương mại Nguyên Vũ do bà Nguyễn Thị K.T. - vợ nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông - làm giám đốc.

Đại diện đoàn cưỡng chế đọc quyết định thực hiện cưỡng chế hộ dân có hành vi vi phạm.


Sau 3 ngày triển khai việc cưỡng chế, huyện Đắk Glong đã thực hiện giải tỏa, thu hồi 25/33 vị trí, trong số này chỉ có 4 trường hợp người dân tự nguyện tháo dỡ tài sản được tạo lập trái phép.

Ông Trần Nam Thuần - Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong - cho biết, việc thực hiện cưỡng chế, giải tỏa, xử lý các trường hợp xây dựng, tạo lập tài sản trái phép trên đất rừng nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền và người dân địa phương.

Một hộ dân tự nguyện tháo dỡ công trình sai phạm được xây trên đất rừng.


"Trước đây khu vực này là rừng thông rất đẹp, nhưng vì bị đầu độc, bức tử và lấn chiếm nên nhiều diện tích hiện không còn rừng. Địa phương kiên quyết cưỡng chế các trường hợp vi phạm, lập lại trật tự khu vực, đồng thời tiến hành bàn giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn để trồng, quản lý bảo vệ rừng. Ngay trong chiều 9/6, lực lượng chức năng sẽ tiến hành trồng 22.000 cây thông tại các diện tích đã thu hồi", ông Thuần cho biết thêm.

Như Dân trí đã nhiều lần thông tin, năm 2015, UBND tỉnh Đắk Nông đã giao hơn 162ha cho Công ty TNHH thương mại Nguyên Vũ quản lý, bảo vệ .

Tình trạng lấn chiếm đất rừng diễn ra nóng nhất trong giai đoạn 2015-2018.

Từ năm 2015- 2018, tình trạng vi phạm lâm luật tại dự án của công ty này diễn ra phức tạp khi liên tiếp xảy ra việc đầu độc, bức tử rừng thông, lấn chiếm, sang nhượng, mua bán đất rừng để tạo lập tài sản trái phép.

Năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông đã tiến hành thanh tra toàn diện dự án. Tổng diện tích rừng thông Công ty Nguyên Vũ được bàn giao để thực hiện dự án cuối năm 2015, đầu năm 2016 là 162ha, trong đó 158ha có rừng. Sau hơn 3 năm thực hiện dự án, tổng diện tích rừng thông cảnh quan bị mất, bị phá là 36,34ha, chiếm 23%.

Lực lượng chức năng phong tỏa, thực hiện việc cưỡng chế đối với các trường hợp vi phạm.

Một căn nhà rộng khoảng 100m2 bỏ sau khi chính quyền vận động không thành công.

Việc đầu độc, bức tử, lấn chiếm rừng thông thời điểm đó là do người dân "đồn đoán" thông tin sắp thành lập một huyện mới, trong đó xã Quảng Sơn sẽ là trung tâm huyện .

Cũng từ đây, rất nhiều người dân trở thành "nạn nhân" của việc mua bán đất rừng. Tất cả việc sang nhượng đều được thực hiện bằng giấy viết tay, có thời điểm giá đất được đẩy lên gần 1 tỷ đồng/ha đất rừng. Thậm chí, có trường hợp đã bị lập biên bản xử phạt hành chính về hành vi lấn chiếm đất rừng, nhưng chủ nhân vẫn rao bán khu đất với giá trị gần 600 triệu đồng.

Phần lớn đất rừng bị lấn chiếm, mua bán sang nhượng để làm nhà và trồng cây hoa màu.


Theo lãnh đạo UBND huyện Đắk Glong, sau khi cưỡng chế, một số trường hợp không có chỗ ở, huyện đã giao cho UBND xã Quảng Sơn tìm kiếm nhà trọ và hỗ trợ người dân tiền thuê nhà trong vòng 3 tháng.

Lãnh đạo UBND huyện Đắk Glong cũng đề nghị người dân tuyệt đối không có các hành vi tái lấn chiếm. Nếu cố tình lấn chiếm diện tích bị cưỡng chế, chính quyền sẽ lập hồ sơ và đề nghị xử lý hình sự.

Tác giả: Đặng Dương

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP