UBND TP HCM vừa đồng ý cho Sở Giao thông Vận tải (GTVT) bỏ trạm thu phí qua hầm vượt sông Sài Gòn để tạo sự thông thoáng cho các loại xe ra vào. Một số thiết bị sẽ được tận dụng phục vụ công tác chuyên môn của Sở.
Sở GTVT cho biết, kinh phí thực hiện lấy từ nguồn vốn duy tu hàng năm của đơn vị, phương án tháo dỡ đang được Trung tâm Quản lý Đường hầm sông Sài Gòn xây dựng; dự kiến làm trước tết Nguyên đán 2018.
Trạm thu phí hầm Thủ Thiêm bỏ hoang suốt 6 năm. Ảnh: Hữu Công. |
Trạm được làm cùng hầm Thủ Thiêm, hoàn thành vào cuối năm 2011, để thu phí phục vụ cho việc duy tu, bảo trì hầm chứ không phải thu phí để hoàn vốn cho dự án. Trung ương sau đó có chủ trương thu phí sử dụng đường bộ nên việc duy tu, bảo trì hầm Thủ Thiêm sẽ lấy từ nguồn phí này - trạm thu phí không hoạt động suốt 6 năm nay.
Do Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị thành phố chưa hoàn thành quyết toán dự án xây dựng Đại lộ Đông - Tây (hầm Thủ Thiêm thuộc dự án này) nên Sở GTVT chưa đủ thẩm quyền xử lý các tài sản thuộc trạm thu phí. Sở đã đề xuất thành phố cho phép tháo dỡ trạm làm thông thoáng lối ra vào hầm và tận dụng một số thiết bị để phục vụ công tác chuyên môn.
Trước tình trạng hầm Thủ Thiêm thường xuyên kẹt vào giờ cao điểm do lượng xe máy tăng đột biến trong ba tháng qua, Sở đã giao Trung tâm quản lý cho lực lượng túc trực ở hai đầu hầm 24/24; tăng làn đường vào hầm và hướng thoát khỏi hầm cho xe máy; cho xe máy đi vào làn ôtô khi xảy ra ùn tắc, bổ sung một số biển cấm để phân luồng lại giao thông…
Khánh thành cuối năm 2011, Thủ Thiêm là hầm dìm vượt sông duy nhất tại Việt Nam - hạng mục quan trọng số một của dự án xây dựng Đại lộ Đông Tây của TP HCM. Công trình có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á; dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m với 6 làn xe (mỗi bên 3 làn cho cả ôtô và xe máy). Ngoài ra, hầm còn có hai làn đường thoát hiểm hai bên. Tốc độ thiết kế đạt 60 km/h.
Thống kê trong ba tháng qua, mỗi ngày trung bình có hơn 47.000 ôtô, 230.000-270.000 lượt xe máy lưu thông qua hầm.
Tác giả: Hữu Công
Nguồn tin: Báo VnExpress