Tin láng giềng

Trải lòng sau song sắt của hoa khôi thành Vinh

Hai đối tượng Vi Thị Quỳnh Giang và Nguyễn Thị Dịu

Hai đối tượng Vi Thị Quỳnh Giang và Nguyễn Thị Dịu

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các thiếu nữ vùng cao, Nguyễn Thị Dịu (ở Hữu Kiệm, Kỳ Sơn, Nghệ An) đã lên kế hoạch đi buôn hàng loạt phụ nữ miền núi bán sang Trung Quốc.

Cùng người thân đi buôn người

Ngoài 30 tuổi nhưng Nguyễn Thị Dịu nhìn trẻ hơn so với tuổi của mình. Sinh ra ở vùng đất miền núi của huyện Kỳ Sơn nhưng Dịu ít phải chân lấm tay bùn, làm những công việc nặng nhọc như các thiếu nữ khác. Từ nhỏ, Dịu đã được chiều chuộng và chỉ phải lo mỗi chuyện học hành. Khi bước vào tuổi thanh niên không đủ sức theo đuổi con đường học hành thì Dịu vẫn được hưởng những “đặc ân” riêng nhờ vẻ ngoài bắt mắt, khả năng ăn nói khéo léo của mình. Dịu bộc bạch: “Hầu như không phải lam lũ nên tôi cứ thấy những công việc nặng nhọc là lại sợ. Khi nhỏ tôi cũng nuôi khát vọng được học nghề kế toán ở Đại học Vinh sau đó về làm cho công ty của người anh họ nhưng không được”.

Khi không đạt được ước mơ của mình, Nguyễn Thị Dịu về thành phố Vinh bán hàng tạp hóa cho một số người quen. Ăn nói lưu loát nên Dịu bán hàng khá đông khách. Nhiều người cũng có cảm tình và buông lời tán tỉnh nhưng hầu như Dịu chưa muốn yên ổn cuộc sống gia đình riêng của mình. Nhưng cửa hàng tạp hóa làm ăn phát đạt cũng chỉ được một thời gian ngắn vì nhiều cửa hàng khác mọc ra như nấm.
Dịu giãi bày: “Lúc này, cửa hàng buôn bán ngày càng khó khăn. Nhất là từ đầu năm 2013, mỗi lần về quê tôi lại định bán buôn ở quê nhưng không biết xoay sở ra sao vì vẫn còn thiếu nhiều vốn quá. Nhiều lần, tôi cũng trăn trở và thao thức lắm nhưng vẫn không tìm ra lối thoát nào cả. Đúng vào lúc đó thì đứa cháu ruột của tôi là Nguyễn Thị Quỳnh Giang lại đến bày cho một hướng làm ăn mới. Chính cái hướng đó của đứa cháu mà tôi  phải vào tù như hôm nay”.
Là cháu gọi Dịu bằng mợ, kém Dịu đến gần chục tuổi nhưng Quỳnh Giang lại sớm tiếp cận được với nhiều đối tượng trong đường dây làm ăn phi pháp chuyên buôn bán người sang Trung Quốc để kiếm lời. Dịu lặng giọng cho biết: “Được đứa cháu nó nói mãi, nghe thấy dễ kiếm được tiền trong lúc hoàn cảnh buôn bán lại đang gặp khó khăn nên tôi thích ngay. Tuy nhiên cũng biết đó là hành động không được pháp luật cho phép nên trước khi quyết định cũng đắn đo nhiều lắm. Nhưng đắn đo đến đâu, đứa cháu lại sán vào thuyết phục nhiệt tình đến đó”. Không cưỡng lại những lời “mật ngọt” của đứa cháu nên Nguyễn Thị Dịu đã đồng ý tham gia vào kế hoạch do đứa cháu vạch ra.
 Những chiêu trò bất ngờ

 Dịu và Giang ngày đứng trước vành móng ngựa
Theo “tham mưu” của đứa cháu, để tránh mọi nghi ngờ của người thân cũng như bạn bè thì Nguyễn Thị Dịu vẫn cứ làm công việc thường ngày, kể cả công việc bán hàng tạp hóa ở Vinh. Thế rồi đường dây buôn người của hai mợ cháu Dịu ra tận biên giới phía Bắc.
“Lúc mới tham gia vào đường dây này tôi cũng được hướng dẫn kỹ càng lắm. Mọi thứ đều phải thật khéo léo chứ không thì các thiếu nữ sẽ không tin theo mình. Mà phụ nữ ở khu vực miền núi của xứ này một khi họ đã không tin rồi thì sẽ tuyên truyền cho nhiều người khác nên hỏng chuyện ngay”- Nguyễn Thị Dịu cho biết.

Giang đã “quân sư” và bày ra những chiêu trò tinh vi cho mợ của mình là cứ tiếp cận những cô thiếu nữ nhà nghèo nhưng có nhan sắc và ít học, sau đó đưa ra một số hình ảnh của những người đàn ông Trung Quốc ăn mặc lịch sự, biểu hiện của người thành đạt và giàu có. Dịu sẽ có trách nhiệm nói cho các thiếu nữ hiểu rằng nếu họ sang bên kia biên giới làm vợ những người đàn ông Trung Quốc thành đạt này thì sẽ có nhà lầu ở, có cuộc sống yên ổn, sung túc. Đồng thời gia đình sẽ được chu cấp thêm một khoản ban đầu trước khi sang nước ngoài làm vợ xứ người. Mọi thủ tục đều do nhóm của Dịu làm hết, chỉ cần họ gật đầu đồng ý là xong.

“Thực ra không có thủ tục gì hết, đó chỉ là những chiêu lừa để dụ các thiếu nữ này sang biên giới rồi bán thôi. Bán qua đường bất hợp pháp chứ cũng không có hộ chiếu hay đi đứng đàng hoàng đâu. Những điều này Giang sau này mới cho tôi biết” – Dịu kể. Để tăng thêm tính thuyết phục cho gia đình các thiếu nữ, Giang ứng trước cho Dịu một khoản tiền để đặt trước cho các gia đình. Đồng thời còn nối máy điện thoại cho một vài đối tượng nói giọng lơ lớ giả người Trung Quốc đang cần tìm vợ để các gia đình khổ chủ nghe. Nói mãi, thuyết phục mãi rồi những thiếu nữ chất phác cũng sập bẫy của mợ cháu Nguyễn Thị Dịu. Dịu kể rằng đứa cháu bảo cứ dụ dỗ và thuyết phục được một thiếu nữ dưới 20 tuổi, ưa nhìn thì sẽ được gần 100 triệu đồng. Số tiền này sẽ trích cho gia đình nạn nhân một ít để họ tin rằng con của mình đang được “êm ấm” bên kia biên giới.

Trước món lời, Dịu hăng hái tìm kiếm “con mồi”, kể cả những trường hợp bẫn bách Dịu cũng không tha. Như trường hợp em Vi Thị H, nhà H neo người, chỉ có mỗi H là lao động chính và phải ở nhà chăm sóc cha mẹ bệnh tật. Khi nắm được thóp H là người cả tin nên Nguyễn Thị Dịu đã “thổi” vào tư tưởng của H rằng: cứ sang bên đó lấy chồng Trung Quốc là có hết, kể cả bệnh tật của cha mẹ cũng được người chồng giàu có bên ấy về lo cho. Tin lời Dịu nên H đã sập bẫy của ả. Cho đến ngày bị bán vào động mại dâm bên Trung Quốc, bị bóc lột thể xác đến bầm dập thì H mới đau đớn nhận ra mình đã bị lừa trắng trợn. H kêu gào khóc lóc trong nỗi bất lực cùng cực. Sau những ngày tháng đằng đẵng ê chề H mới được giải thoát khỏi “tổ quỷ” xứ người.

Nỗi tiếc nuối muộn màng

“Bị mọi người lên án, ghẻ lạnh tôi cũng buồn và ân hận lắm. Từ ngày vào trại giam trong lòng không lúc nào được thanh thản. Cuộc sống bình yên lúc đang là nhân viên bán hàng cứ hiện về. Bây giờ thì tôi đã ốm o đi nhiều. Công việc ở đây cũng không quá nặng nhọc, các quản giáo cũng không khắt khe, bố trí việc làm cải tạo phù hợp với sức khỏe nhưng vì không thoải mái trong tư tưởng nên người tôi lúc nào cũng rã rời. Nghĩ đến những thiếu nữ là nạn nhân của tôi và Giang tôi thấy hối hận lắm. Giá như cứ bám trụ lấy cửa hàng không thì về quê làm thêm nhiều việc khác nữa có lẽ đâu đến nông nỗi này. Cũng vì cái tính thích an nhàn ở thành phố của tôi nên mọi chuyện đã không còn cứu vãn được nữa rồi” – Dịu buồn bã chia sẻ.

Trước khi vào trại giam để trả giá cho lỗi lầm của mình thì Nguyễn Thị Dịu cũng đã có những dự tính cho một gia đình riêng với nhiều kế hoạch trong tương lai. Giờ đây Dịu tiếc nuối ước rằng giá như không có cuộc gặp gỡ với đứa cháu gái là Giang thì mọi chuyện đã khác.

Theo Bảo Trâm/ Pháp luật & Cuộc sống

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP