Kinh tế

Trái chiều kết quả kinh doanh 'Big 4' ngân hàng

Trong khi Vietcombank và BIDV giảm mạnh trích lập dự phòng để có kết quả lợi nhuận ấn tượng thì VietinBank lại tăng mạnh trích lập dự phòng khiến lợi nhuận phần nào tăng trưởng khiêm tốn hơn.

'Trái chiều' kết quả kinh doanh bộ ba ngân hàng quốc doanh 2022. Ảnh: Internet.


Ba ông lớn ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, BIDV và VietinBank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với mức lợi nhuận quý IV tăng trưởng mạnh từ 45-91% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế của 3 ngân hàng có mức tăng trưởng khá cao so với toàn ngành, với mức tăng từ 20-70% so với năm 2021.

BIDV hiện là ngân hàng dẫn đầu về tổng tài sản với con số 2,12 triệu tỷ đồng, tăng 20% so với cuối năm 2021. Trong đó, tiền gửi tại NHNN tăng 63% và tiền gửi, cho vay các TCTD khác tăng 64%.

Theo sau BIDV là Vietcombank với tổng tài sản hiện có là 1,81 triệu tỷ đồng, tăng 28% so với cuối năm 2021. Trong đó, tiền gửi tại NHNN tăng 318%, tiền gửi và cho vay các TCTD khác tăng 39%.

Cuối cùng là VietinBank có tổng tài sản đến 31/12/2022 là 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2021.

Trong khi BIDV dẫn đầu về tổng tài sản, Vietcombank lại là ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận trước thuế. Cả năm 2022, Vietcombank báo lãi tới 37.358 tỷ đồng, chênh lệch khá lớn với 2 ngân hàng còn lại (BIDV là 23.987 tỷ đồng và VietinBank là 21.113 tỷ đồng), tăng 36% so với năm 2021.

Đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank là thu nhập lãi thuần đạt 53.246 tỷ đồng, tăng 26% so với năm ngoái. Cùng với đó, đóng góp một phần không nhỏ vào mức lợi nhuận cao nhất ngành trên là việc ngân hàng giảm mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng với mức giảm 18% xuống còn 9.464 tỷ đồng.

Tương tự Vietcombank, năm 2022 BIDV cũng giảm trích lập dự phòng 19% xuống còn 23.987 tỷ đồng. Việc giảm trích lập dự phòng đóng góp vào mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế lên tới 70% của BIDV năm 2022.

Trong nhóm 3 ông lớn quốc doanh, VietinBank là ngân hàng duy nhất tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng năm 2022 thêm 31% lên 24.163 tỷ đồng. Sau khi trừ trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận trước thuế của VietinBank còn vỏn vẹn 21.113 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021.

Đáng chú ý, VietinBank cũng là ngân hàng duy nhất trong 3 ngân hàng tăng lãi từ hoạt động dịch vụ trong năm 2022 với mức tăng 22% so với năm trước. Trong khi đó, cả Vietcombank và BIDV đều giảm, với mức giảm lần lượt là 8% và 15%.

Đặc điểm nối bật của nhóm ngân hàng quốc doanh là tỷ lệ nợ xấu khá thấp. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tính đến 31/12/2022 là 0,68%; BIDV là 1,1% và VietinBank là 1,15%. Tuy nhiên, nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) lại tăng mạnh với mức tăng từ 20-61% so với cuối năm 2021.

Tăng mạnh nhất là ở BIDV với nợ xấu nhóm 5 tăng tới 61% và chiếm tới 70% tổng nợ xấu ngân hàng. Theo sau là nợ xấu nhóm 5 của Vietcombank, đã tăng thêm 50% so với cuối năm 2021 và chiếm tới 85% tổng nợ xấu của ngân hàng.

VietinBank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong nhóm 3 ngân hàng. Nợ nhóm 5 tính tới 31/12/2022 tăng 20% và chiếm khoảng 40% tổng nợ xấu.

Nợ xấu nhóm 5 tăng mạnh trong quý IV/2022 phần lớn do sau 30/6/2022, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi một số điều Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 chính thức hết hiệu lực. Đây là nhóm nợ đã quá hạn 1 năm và chưa thể thù hồi. Với nợ xấu nhóm này, các ngân hàng buộc phải trích lập dự phòng cụ thể 100% theo quy định.

Tác giả: N.Thoan

Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP