Sau khi đọc bài viết “Từ Anh về, tôi không dám đi ăn tiệm sang ở Việt Nam” của chị Nguyễn Thị Thu Huyền, tôi xin chia sẻ quan điểm sau.
Thứ nhất: Thực phẩm ở Anh hay Việt Nam đắt?
Chị Huyền đưa ra so sánh thực phẩm ở Anh và giá thực phẩm ở Việt Nam và cho rằng ở Việt Nam mắc hơn. Rồi chị đưa ra luận điểm 26 bảng có thể mua đồ ăn một tuần ở Anh, tương đương với mức 3,7 bảng/ngày.
Tôi đã có khoảng thời gian du học ở Anh và cũng tự đi siêu thị mua đồ, nấu ăn. Nên tôi đoán, với mức giá 3,7 bảng/ngày, chị Huyền thường mua đồ ở các siêu thị như Aldi, Asda, Lidl. Những siêu thị này chuyên bán đồ bình dân và thậm chí là thấp cấp so với mặt bằng xã hội ở Anh.
Mức giá rẻ vậy vì chất lượng thực phẩm thấp, tuy nhiên vẫn cao hơn so với ở Việt Nam nên các sinh viên Việt qua đó vẫn cảm thấy không đến nỗi nào. Nhưng nếu so sánh với các siêu thị cao cấp hơn khác như Waitrose, giá cả có sự chênh lệch lớn.
Ở Anh, các siêu thị như Asda, Aldi, thịt bò có giá gio động từ 10-15 bảng/kg, nhưng ở một siêu thị cao cấp hơn như Waitrose giá giao động từ 25-40 bảng/kg.
Giá thịt bò tại siệu thị Waitrose. Ảnh chụp website siêu thị Waitrose ngày 01/09/2017. |
Giá thịt bò tại siêu thị Asda. Ảnh chụp website siêu thị Asda ngày 01/09/2017. |
Còn ở Việt Nam, chị Huyền chi 5 triệu để mua đồ ăn một tháng, tức là mức 166.000 đồng/ngày. Với mức này, tôi đoán chị mua thực phẩm thuộc hàng cao cấp tại Việt Nam.
Hiện tại, tôi đi mua thực phẩm tại các siêu thị bình dân ở TP HCM trung bình 100.000 đồng/ngày cho hai người là tương đối nhiều. Trong khi chị Huyền mua chi tiêu tới 166.000 đồng/ngày thì thực phẩm khá cao cấp so với mặt bằng xã hội bây giờ.
Còn việc uống nước 50-60 ngàn có phải là lãng phí? Tại sao người Việt nghèo mà sao nhiều người trẻ xếp hàng mua trà sữa? Một suất cơm trung bình 20-30.000 đồng mà uống ly trà sữa 50-60.000 đồng. Đúng là giá trà sữa cao so với bữa ăn.
Tuy nhiên, mỗi ngày các bạn ăn ba bữa nhưng trà sữa thì một tháng mua mấy ly? Vấn đề nằm ở việc trà sữa, cà phê là loại hàng hóa khác so với thực phẩm. Họ không sử dụng thường xuyên như thực phẩm hàng ngày.
Ngoài ra, tùy thuộc vào thói quen tiêu dùng, có người nhịn ăn để dùng tiền mua sắm quần áo, có người nhịn mua quần áo để dung tiền mua hàng công nghệ...
Những bạn trẻ chưa làm được nhiều tiền nhưng một tháng uống trà sữa 2-3 lần (tương đương 100 – 150.000 đồng/tháng) cũng không phải là quá sức. Bạn đi làm tiến sĩ, giảng viên được 5 triệu đồng/tháng không đồng nghĩa với việc các bạn trẻ hơn không thể kiếm nhiều tiền hơn, để chi tiêu vào trà sữa hay cà phê.
Còn vấn đề các hàng cà phê, quán trà sữa đông thì không có nghĩa là các bạn trẻ ra vào đó thường xuyên. Dân số TP HCM đang gần 9 triệu người, tính trung bình dân số trẻ trong độ tuổi (18-35) là khoảng 1/5 thì tương đương với 1,6 triệu người trẻ.
Chỉ cần mỗi người mua hàng với tần suất 2 ly/tháng thì các quán phục vụ không kịp. Tức là quán đông không phải một người mua nhiều mà là nhiều người khác nhau chi một khoản nhỏ. Cuộc sống là nhiều lựa chọn và cách lựa chọn là của mỗi người.
Tác giả: La Quang Hieu
Nguồn tin: Báo VnExpress