Tôi sinh ra giữa bốn bờ tre nguyên thuỷ. Cây tre già chặt đi làm nhà thì măng mới mọc lên. Tuổi thơ tôi bồng bềnh trên chiếc võng chõng, mắt mở xanh màu dâu vườn, dâu bãi, tai lắng còn nghe tiếng lách cách thoi đưa, tiếng xè xè của xe vải sợi. Nhưng không còn những đêm hát ví. Chỉ thấy mẹ tôi lúc nào cũng tất bật. Người bảo: Nuôi lợn ăn nằm, nuôi tằm ăn đứng.Mẹ tôi xưa là người con gái đẹp của làng, có bằng Primaire (hết bậc tiểu học dưới thời Pháp thuộc). Nhưng ông nội tôi lọt mắt và hỏi làm dâu chỉ vì mê điệu hái dâu.
Ông nội tôi làm lý trưởng. Nhưng bên trong, ông là đảng viên cộng sản, năm 1930-1931 từng giữ chức Bí thư Tổng uỷ. Những cuộc họp kín thường diễn ra ở nhà ông. Sau Xô Viết Nghệ Tĩnh, ông bị Pháp bắt. Rồi ra tù, ông thôi làm chính trị, một mình, một ngựa bạch ngao du sơn thuỷ, đi hát ví, hát đúm tận Nam Đàn, Nghi Xuân và có khi kéo bạn hát về nhà, cơm rượu hò hát mấy ngày liền. Thời ấy hát, sau này các cô tôi bảo, là “hát cho đổ quán xiêu đình, cho long lanh nước, cho rung rinh trời”, “hát cho ngày rạng đông ra, mai về quan bỏ nhà pha cũng đành”… Cấy hát, gặt hát, ngược nguồn xuôi bè hát, phường nón, phường vải hát. Nhàn rỗi, không phường gì trăng thanh gió mát cũng hát. Mà nên một vùng dân ca xứ Nghệ đậm đà.
Khi tôi lớn, ông bà đã mất. Làng xóm đi vào hợp tác, có cái rộn rịp của sản xuất mới và bình dân học vụ, khẩu hiệu viết trên nong, trên mẹt treo đầy các ngõ. Nhưng những đêm hát ví thì đã đi vào quá vãng. Chỉ khi mẹ tôi đi vắng, không bị hối việc, có các cô về, cô cháu gợi chuyện, các cô mới hát cho nghe những câu ca ông tôi đã hát với bà này bà nọ ở làng nọ làng kia.
Trong làng có một người phụ nữ dệt lụa rất đẹp tên là bà Hạnh. Bà Hạnh trạc tuổi mẹ tôi, ngoài ba mươi một chút. Tất nhiên với bọn trẻ, không thể biết được tuổi người lớn chỉ biết đấy là người lớn và xa cách với mình lắm lắm. Bà Hạnh chỉ ngồi khung cửi không bao giờ ra ruộng cho nên nước da rất trắng. Bà hay kể và hát cho bọn trẻ nghe. Có dạo, không tròn bóng (buổi trưa) nào mà tôi không đến ngồi ở bậu cửa bà Hạnh để nghe bà kể chuyện và hát.
Xin trời hãy nắng khoan mưa.
Cho dâu xanh bãi, cho vưa lòng tằm
Răng giừ cho đến tháng năm
Nấu nồi cơm nếp vừa nằm vừa nhơi
Khi mô cho đến tháng mười.
Đọi cơm khúc cá vừa cười vừa ăn…
Nhưng bà Hạnh hay hát những câu hát huê tình. Không hiểu sao, một đứa trẻ chưa sạch mũi như tôi hồi ấy lại mê:
– Đã thương thì thương cho chắc
Đã trục trặc thì trục trặc cho luôn
Đừng như con thỏ nọ nó đứng đầu truông
Khi vui giỡn bóng,
Khi buồn bỏ đi…
– Thương em răng được thì thương
Đừng trao gánh nặng trửa (giữa) đường tội em.
– Cầm vàng mà lội qua rào.
Vàng rơi không tiếc, tiếc bộ má đào của em…
Rồi bà kể: có anh đi hát phường vải, chẳng may đường trơn bị ngã. Các cô trong nhà cười ầm và hát vọng ra:
– Đến đây hò hát làm thân
Cúi đầu bái lạy trước sân làm gì?
Chàng trai là người thông minh, cũng chẳng vừa:
– Đất đâu có đất lạ lùng
Đứng thì chẳng chịu, nằm cùng thì cho!
Với cái anh bạo mồm như vậy, còn ai dại trêu làm gì?
* *
*
Làng tôi là làng Đông Tây. Hình như xưa là người các nơi, chủ yếu là từ Trà Chinh, Trà Xá đổ về. Đông – Tây chí biện đổ hân hân. Chắc chả “hân hân” (vui sướng) gì, chỉ là tao loạn của thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Cả một vùng Can Lộc kẹp giữa Trà Sơn và Hồng Lĩnh, hầu như làng nào cũng nổi tiếng. Phía đông làng tôi là Trường Lưu, quê hương Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ. Phía bắc là Song Lộc, quê của Thám hoa Phan Kính. Phía tây bắc là Thường Nga, Thường Nga cửu thế cửu cung phi, chín đời hậu và phi để có một tên làng.
Hái ví phường vải biểu diễn ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Ảnh: Xuân Tám/ Báo Nghệ An |
Làng tôi chỉ nổi tiếng với một câu: “Lộ Đông Tây bất khả hành”. Vào mùa mưa lụt, đường trôi xuống ao, xuống ruộng, có chỗ bám được gốc tre, gốc duối, có chỗ đứng chôn chân trong bùn đến đầu gối không có người kéo, tự mình không rút khỏi. Chỗ lầy lội là chỗ điền địa tốt. Nghe nói xưa làng tôi chưa mở kho thóc, dân Đức Thọ chưa có gì để làm hàng sáo. Cụ nội tôi qua đời khi ông tôi còn nhỏ, người chị của ông khi lấy chồng đã mang theo không ít văn tự ruộng đất, tức mang theo không ít cánh đồng sang làng bên. Làng bên là làng Trung Hanh và chồng của người mà tôi gọi là bà – bà o ấy, trở thành một địa chủ, ông Bát Xu, mà dân mấy tỉnh miền trung đến nay còn biết đến. Người ta còn biết đến ông qua vở kịch thơ Đốm lửa Núi Hồng của Thế Kỷ. Cụ Đề Trạch, một thuộc tướng của Nghĩa quân Phan Đình Phùng trong phong trào Cần Vương vẫn dựa vào nguồn lương thực làng tôi, thậm chí có lúc huy động thóc đổ ra đường cho khỏi lầy lội.
… Nhưng đấy là chuyện xưa. Khi tôi lớn thì cả làng đã vào hợp tác. Được chừng dăm năm thì đói kém vô cùng. Không nói gì ăn sáng, bữa trưa giữa ngày mùa cũng phải ăn cơm độn khoai khô hoặc sắn. Có ngày chỉ vài củ khoai. Khói súng truyền kỳ của quân Đề Trạch thuộc tướng của Phan Đình Phùng chưa tan thì khói bom Mỹ đã trùm lên làng năm tôi mười tuổi. Và đó là lúc, tiếng hò tiếng hát lại vụt cất lên. Bây giờ, tôi không thể giải thích cho các con tôi hay các bạn đồng nghiệp trẻ vì sao mà làng lại có thể như thế. Hết lớp bộ đội này đến lớp bộ đội khác đến. Hội Phụ nữ xách cân đến từng nhà để cân lợn, cân gà cho bộ đội. Chỉ để ghi sổ và báo cáo thành tích chứ không có tiền. Hoạ hoằn, hợp tác cũng trích lúa ra để trả. Đàn ông, từ 16, 17 tuổi và cả người đã có bốn con đều ra lính. Đàn bà bắt đầu học cày, hút thuốc lào và quần quật trên ruộng, đi dân công hoả tuyến. Tôi thấy mẹ tôi và những người khác đều hầu như không ngủ. Vừa buổi tối trục lúa, chữa cháy, cứu thương, ba giờ sáng đã ra đồng. Người chết thì đem chôn. Không ít người dỡ nhà để bắc cầu cho xe vượt ngầm. Năm này qua năm khác. Sức sống kỳ diệu của làng lúc đó là gì, nếu chỉ giải thích hai chữ cách mạng e còn chưa đủ.
Tôi xa hẳn làng vào giữa những năm ác liệt đó, ở tuổi thiếu niên. Và đến tuổi bốn lăm mới lại trở về. Bà Hạnh và nhiều người đã chết. Cả làng bây giờ không còn khung cửi và gốc dâu nào nữa. Mẹ tôi lụi hụi với tuổi bảy mươi, nửa hồn héo hắt ở Quảng Trị, nơi anh tôi ngã xuống; nửa hồn nhớ cháu nhớ con ở tám phương, chín hướng mà không dễ tìm thăm.
Rõ ràng, trong mắt người đứng tuổi và nhiều lịch dịch như tôi, ngôi làng quê trở nên nhỏ bé. Dĩ nhiên, đi đêm không còn sợ ma. Gặp hiện tượng gì, lý trí cũng tìm cách giải thích. Thế mà ngày xưa, mỗi cách đồng là một vùng đất mới lạ. Trong mỗi khóm tre, bụi chuối, đỉnh núi, trời sao đều có ma quỷ, thánh thần, sự linh thiêng. Ngôi làng là cả một bao la vũ trụ, bao la nhân thế. Người ta đã mất đi quan niệm ấy cùng với tuổi thơ. Nhưng bù lại, người lớn sẽ hiểu hơn cái thăm thẳm của hồn làng khi nghĩa địa là nơi vùi chôn những người mình đã từng chung sống. Cái mất, cái còn của làng và của mình cứ quấn quýt đan xen, hư thực mờ ảo. Nhiều khi cái trước mắt là xa, cái xa thì gần, bồn chồn, rạo rực. Một người Trung Quốc xưa từng cảm thán:
Khi đi trẻ, lúc về già.
Giọng quê không đổi, tóc đà khác bao.
Trẻ con nhìn lạ không chào
Cho nên cười hỏi: “Khách nào lại chơi?”
Tôi không khác người Trung Quốc đó. Khi đi trẻ, lúc về già. Có khác chăng là trẻ con ở làng không lạ. Ôi làng quê Việt Nam yêu dấu của ta, bao giờ cũng dành cho những đứa con đi xa một nỗi nhớ thương và tình cảm đặc biệt. Chỉ có tôi, người xa là không biết hết những đứa trẻ ấy mà thôi, thậm chí là còn cháu gần gũi. Phải sống lại với làng, phải tròn trịa với quê hương, phải tìm lại những gì đã mất, đã chưa kịp kết kén trong hồn với tôi gần đây thành một điều thôi thúc. Tôi là con của làng, mà đâu biết phong hoá tập tục, từ chuyện cưới xin, ma chay, phải đọc Phan Kế Bính từ con số không, mà lẽ ra phải ngược lại… Những câu mẹ tôi ru em xưa nghe buồn bã, ứ đầy tâm sự mà đâu tôi có hiểu được lòng Người, ngõ hầu làm Người vơi nhẹ, nào những:
– Chim xanh xanh ăn trái xoài xanh
Ăn no tắm mát lên nhành nghỉ ngơi.
Cực lòng lan lắm huệ ơi
Kiếm nơi mô im mát, huệ ngồi cho lan phân…
– Vì sương cho núi bạc đầu
Biển lay vì gió, hoa sầu vì mưa.
Lịch sử hiện đại đất nước, không biết bao thăng trầm, biến động, bao nỗi đau thương phải trời xanh kia may chi mới hiểu. Đó là bên trong. Bên ngoài, mẹ tôi là một người sôi sục hoạt động xã hội, làm cán bộ xã từ năm 1945, đến lúc nghỉ hưu, mới nghỉ mấy năm gần đây. Đã có lúc Người được điều lên huyện, lên tỉnh. Nhưng chồng thoát ly, một nách bảy con, Người đã hy sinh vì chúng tôi hết thảy. Một nách bảy con vào những năm đói kém ác liệt nhất của lịch sử, sự nuôi dạy của Người đối với chúng tôi không thể đủ đầy. Nhưng có sự bày dạy lặp đi lặp lại, đọng với chúng tôi qua thanh lọc thời gian, đó là lòng quý trọng, yêu thương con người. Làm người cái quý nhất là sự thật thà và trọng nghĩa khí. “Khôn ngoan kẻo lọ thật thà“. Không chỉ hát ru, ngày thường, Người vẫn dạy chúng tôi bằng những câu lục bát: “Có vàng vàng chẳng hay phô – Có con con nói trầm trồ mẹ nghe“, “Muốn cho tình nghĩa lâu dài – Đừng coi của trọng hơn người mà hư”…
Tôi hỏi Người về hát phường vải. Người bảo: “Đi mà hỏi o Thắng”. O Thắng là người cô thứ năm, bẩm sinh thông minh và ông tôi chỉ cho đi học đến biết đọc biết viết nhưng có trí nhớ lạ lùng. Vào những năm chiến tranh, quê tôi rộ lên phong trào hò – hát đối đáp giữa làng này với làng khác, giữa làng với bộ đội, cô luôn được mời làm “cố vấn” để đặt lời. Mẹ tôi gặp lần nào cũng đuổi về, nhưng rồi đêm nào cô cũng băng đồng túm tụm với bọn trẻ.
O Thắng kể: Hát phường vải thường hát tự nhiên, ai thích gì hát nấy. Có khi mấy chị em hát với nhau. Lâu lâu mới có đám hát, nghe tiếng nhau mà có những anh nho (nho sinh), thầy ký đến hát thì lúc đó, hát có lớp lang như hát dạo, hát chào, hát mời, hát hỏi, hát đố, hát xe duyên, hát tiễn hẹn.
Rồi cô hát, câu hát chào:
Đến đây đông thật là đông
Chào bên nam thì mất lòng bên nữ.
Chào quân tử thì sợ dạ thuyền quyên
Em chào chung một tiếng kẻo chào riêng bạn cười…
Câu hát xe duyên:
Thiếp thương chàng, đừng cho ai biết
Chàng thương thiếp đừng để cho ai hay.
Rồi ra miệng thể lắt lay
Cực chàng chín rượi (rưỡi), khổ thiết đây mười phân.
“Hay rứa lạo nạ!” Hay ! Tôi đáp. O bỗng bật cười rồi dụi dụi mắt. Những gì của o trong tiếng cười, trong giọt nước mắt vừa ứa? Tôi đã nghe nhiều Xuân Năm, Hồng Năm, Lệ Thanh… hát những câu hát này. Nhưng bây giờ với câu hát là những giọt nước mắt trên má răn reo của người cô luống tuổi. Ngoài kia, lúa mùa vừa chín. Những quả khế non lích rích dưới chân chim, thảng hoặc những lá vàng rụng từng chiếc khẽ khàng phủ lên đám rêu xanh trên sân đất. O lại hát:
(Chơ) Anh đến giàn hoa thì hoa đạ (đã) nở.
Anh đến bến đò thì đò đạ sang sông
Anh đến tìm em thì em đạ lấy chồng
Em yêu anh như rứa, hỏi có mặn nồng lấy chi…
– (Chơ) Anh đến giàn hoa, hoa đến thì thì hoa phải nở.
Anh đến bến đò, đò đầy thì đò phải sang sông
Đến duyên em, cha mẹ gả thì em phải lấy chống
Dừ trách nhau chi lắm nựa (nữa) để cực lòng nhau thêm…
Ôi những chuyến đò! Đò đầy thì đò phải sang sông… Những chuyến đò chở ai về hạnh phúc và chở ai về oan trái? Rồi chuyến đò thời gian chở những đời người đi đâu mà mải miết? Giấc mộng kê vàng, thế sự du du… Nhưng thôi, vận vào mà chi cái nỗi buồn thiên cổ!
Hôm nay, tôi muốn theo câu hát của cô tôi về Trường Lưu, làng hát phường vải nổi tiếng nhiều đời. Nơi đây Nguyễn Du đã về hát và nhiều câu Kiều từ những buổi hát này mà nên. Người xưa ví:
Xôi nếp cái, gái Trường Lưu.
Văn nhân tài tử dập dìu
Xăm xăm tìm nẻo Lam Kiều lần sang
Lam Kiều là một địa danh ở quê tôi, có trường Lam Kiều, nơi nuôi dưỡng tài năng của giáo sư Nguyễn Đình Tứ. Đọc Nguyễn Du ta thấy có “Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ”.
Những ngỡ trăm năm trước hẹn hò đã chắc, để phũ phàng ba chốn bốn nơi;
Nào ngờ tháng sau này tệ bạc làm sao, bỗng tống táng một tuần hai ả…
“Hai ả” đó là o Uy và o Sạ, những nhân vật có thật. Nguyễn Du đã từng băng từ Tiên Điền ( Nghi Xuân) sang Tràng Lưu (Can Lộc) 40 cây số để đi hát và “dốc lòng gắn bó” duyên trăm năm. Chính sau này, khi Nguyễn Huy Quýnh “Thác lời gái phường vải Trường Lưu gửi trai phường nón Tiên Điền”.
Tảng mai Hầu trở ra về
Hồn tương tư hãy còn mê giấc nồng
Cơi trầu chưa kịp tạ lòng
Tỉnh ra khách đã non sông mấy vời”
Nguyễn Du cũng “Thác lời trai phường nón Tiên Điền gửi gái phường vải Trường Lưu” rằng:
Tím gan cho cái sao mai
Thảo nào vác búa chém trời cũng nên
Về qua liếc mắt trông miền
Lời oanh giọng ví chưa quên dằm ngồi
Giữa thềm tàn thuốc còn tươi
Bã trầu chưa quét nào người tình chung
Hồng Sơn cao ngất mấy trùng
Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu.
Văn là văn viết chơi, mà tình là tình thật, đậm đà xiết kể. Sự ra đi của những người con gái “Sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai” ấy chắc để lại trong lòng Nguyễn Du không ít trống vắng để khi về quê nhà, trước những cửa biển chiều hôm thấp thoáng thuyền về, thức nhận những cuộc tình, những số phận khác nào cánh buồm lẻ bên trời, man mác hoa trôi! Những bia tiến sĩ còn đây, Truyện Kiều còn đây mà o Uy, o Cúc, chàng Nguyễn xưa, một chàng Nguyễn xắn quần lội bùn sông Cài đi hát thì đã mất tăm trong vũ trụ, không biết có còn gì trong hồn cây, hơi gió quê hương?
Từ Trường Lưu tôi lại về Kim Liên, quê Bác. Đây cũng là một cái nôi ví phường vải nổi tiếng của Nghệ An. CLB phường vải mới thành lập lại. Tôi đã được nghe nghệ nhân Trần Văn Tư hát và kể cho nghe tài hát của bà Hoàng Thị An, người mà Bác Hồ gọi bằng dì. Thế đấy. Không có người mẹ thì cả anh hùng và thi nhân đều không có. Không phải chỉ đẻ ra mà là nuôi dưỡng. Những phụ nữ như o Uy, ả Sạ, o Tiu, o Nhẫn, bà An… lặng thầm, bền bỉ nuôi dưỡng hồn dân tộc. Ở Kim Liên, các bước ví phường vải cũng như quê tôi nhưng tên gọi khác: hát dạo gọi là hát lơ lửng, hát xe duyên gọi là hát tình. Hát lơ lửng có khi người làng khác đến hát, có khi người ở trong nhà hát vọng ra níu chân khách:
Nhất vui là cảnh Kim Liên
Cảnh đà có cảnh, người tiên có người…
Ngày xưa hay hát với bà An có anh Tú San (không phải là Giải San Phan Bội Châu) và ông Hoe Ba là người hay chữ. Trong hát đối có hát đố, bà An cất tiếng:
Sơn sơn xuất, anh hùng hào kiệt
Gái nữ nhi ngồi trong bóng nguyệt
Nguyệt nguyệt bằng quân tử trượng phu
Chàng mà đối được, em xin làm du (dâu) nhà chàng.
Đây là câu hát đố chữ, đố không khó vì hai chữ sơn là một chữ xuất, hai chữ nguyệt là một chữ bằng, nhưng khó là ở đối lại.
Chuyện các văn nhân hát thua các thôn nữ quê mùa không hiếm. Khi Nguyễn Công Trứ bị hỏi:
Hỏi chàng hà tính hà danh
Hà châu, hà quận, niên canh kỷ hà?
Thì cũng không thể trong một câu mà trả lời cho sát, đành vu khoát:
Trước Lam Thuỷ, sau Hồng sơn
Nhà ai hay hát, hay đờn là anh.
Ngay cả Giải San Phan Bội Châu cũng nhiều phen lúng túng. Cho nên sĩ tử đất Nghệ Tĩnh trước khi đi thi cũng đã mấy lần tập dượt văn sách với phường vải, để chị em kiểm tra:
Đồn đây có gái hát tài
Để ta đối địch một vài trống canh
Dẫu thua dẫu được cũng đành
Bõ công đèn sách học hành bấy lâu.
Trong ví phường vải, hát hỏi (hát đố, hát đối và hát xe duyên (hát tình, hát xe kết) là để lại nhiều áng văn chương hay nhất. Con gái Nghệ Tĩnh vốn yêu thơ ca, con nhà nông có, con nhà khoa bảng có, khi hát đố sách, đố chữ, có khi hát đố về thực tế. Có khi là “Truyện Kiều anh thuộc làu làu, Đố anh đọc được một câu hết Kiều”, có khi là câu đố đố hóc búa:
Năm con ngựa cột cồn Ngũ Mã
Chín con rồng nằm Cửu Long Giang
Chàng mà đối được, có lạng vàng em trao…
Hay
Con kiến đất leo cây thục địa
Con ngựa trời ăn cỏ chỉ thiên
Anh mà đối được, gái thuyền quyên xin về
Nhưng những chàng trai xứ Nghệ cũng thông minh không kém, đối đáp tức thì (nếu không đối được thì tiếng sẽ lan khắp vùng):
Ngàn con voi chầu chùa Thiên Tượng
Tám con gà cúng cỗ bát kê.
Có thật tâm thì em ắt lời thề
Anh đây đà đối được, lạng vàng về tay ai?
Có khi là câu đố về việc nhà nông:
Đến đây hỏi khách nhà nông
Một trăm mẫu ruộng mấy công cày bừa?
Có khi là một câu đố về lễ nghĩa, đặt người con trai vào một tình huống cực kỳ nan giải:
Đành rằng anh học đã cao.
Hỏi chị dâu rớt giếng, anh nắm chỗ nào kéo lên?
Có anh trả lời ngay được, với giải pháp thông minh cứu được chị mà không thất lễ:
Chị dâu mà rớt xuống giếng.
Anh tìm miếng để cứu chị lên
Nắm đầu thì sợ tội trời.
Hai tay nâng đỡ, sợ lời thế gian
Nhanh tay liền bắc cái thang
Kéo chị dâu một thuở kẻo chết oan con người.
Có anh không biết làm gì cả, đành la làng:
Nắm đầu thì khổ
Nắm cổ thì không nên
Nắm chân tay thì lỗi niềm huynh đệ
Vậy thì anh cứ van làng là hơn!
* *
*
Tôi không phải là một nhà Folklore học, nhưng nhận thấy ví phường vải là một thể vừa định hình vừa không câu thúc bởi điều gì, thậm chí không cần đến một nhạc cụ nào nên sức sống của nó chắc hẳn sẽ rất lâu bền, dù canh cửi giờ đây không còn nữa. Những gì mà Nguyễn Đổng Chi cảm nhận thật chí lý: “Chính người phụ nữ mới nuôi đạo lý, giữ gìn nền nếp, gia phong, hương tục”. Họ có quyền bình đẳng với nam giới và có tính cách cứng cỏi, mạnh mẽ. Để được giải phóng, họ dám phát biểu và đương đầu. Người ta hay chê kẻ đứng núi này trông núi nọ. Họ nói:
Trèo lên Rú Bụt, trụt xuống Khe Giao.
Đứng núi này trông núi nọ, núi mô cao em trèo.
Vì tình, họ chấp nhận:
Tưởng là cha mẹ đập một vài ba roi
Ai ngờ đập đến chín chục, một trăm roi
Em bò lăn bò lóc, em khóc đứng khóc ngồi
Anh ơi dù bầm lưng máu chảy, vẫn trọn đời yêu anh.
Trong kho tàng tục ngữ, ca dao vùng này có câu giận, câu thương, câu chán, câu hờn nhưng xét về tần số thì câu thương, câu nhớ, câu nghĩa, câu tình vẫn đậm đặc hơn cả. Khi sáng tác thì rất phong phú, đa dạng. Qua thời gian, tức là qua sự chọn lựa của con người, thì cái mà người Việt Nam muốn truyền cho nhau vẫn là tình – nghĩa (hơn cả kinh nghiệm sản xuất). Tình – nghĩa ấy ở vùng đất khu vốn nhọc nhằn này như được cô nén hơn, thống thiết hơn.
Với chồng:
Nghe tin anh đau đầu chưa khá
Em băng rừng bẻ lá về xông
Mần răng cho trọn đạo vợ chồng
Đổ mồ hôi em quạt, trộ gió lồng em che…
Với con:
Mấy lâu buôn bán nuôi ai
Mà áo em rách, mà vai em mòn ?
– Mấy lâu buôn bán nuôi con
Ao rách mặc áo, vai mòn mặt vai…
Với cha mẹ:
– Cá bống chặt trốc (đầu), chặt đuôi
Tôm he bóc vỏ mà nuôi mẹ già.
– Mỗi đêm thắp một đèn trời
Cầu cho cha mẹ ở đời với con.
Với đồng bào, lối xóm:
Xung quanh những họ cùng hàng
Coi nhau như ngọc như vàng mới nên…
Người Nghệ chất phác, côôc cạc, điều ấy ai cũng biết. Nhưng không phải không tinh tế. Tinh tế và mặn mà ám ảnh đến mức tâm trạng thành cổ điển trong văn học sử:
– Sáng trăng ngồi gốc cây mai
Bóng mình lại tưởng bóng ai tìm mình
– Ra về sương xuống đầm vai
Ngoảnh nhìn trở lại, bóng ai tờ mờ
– Ra về ngước mắt trông chừng
Ngong truông truông rậm, ngong rừng rừng xa.
Người ta nói người Nghệ bảo thủ. Người phụ nữ không biết làm duyên, làm dáng. Cũng có thể:
Khăn nâu áo vải là thường
Cốt trau cho được luân thường là hơn.
Nhưng không phải là phản đối sự điểm trang. Trau chuốt như cách nói ngày nay là không được chú ý lắm. Âu cũng là cái phải bổ khuyết. Nhưng về cơ bản thì đúng. Họ từng nói: “Điểm trang nhã nhặn là hay”, nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh chớ đừng:
Mẹ em hết gạo treo nồi
Em còn trang điểm chạc lưng sồi làm chi
* *
*
Có xưa quá chăng, có hoài cổ quá chăng? Từ lâu, khi mới cầm bút vào nghiệp văn chương, tôi hay nghĩ về bản sắc văn hoá dân tộc, tính cách người Việt. Đã đành, trong máu sinh ra là đã có rồi. Nhưng học nhiều, đi nhiều thì càng thêm thấm thía, mới vào trong cốt tuỷ. Tôi nay hoa râm mới lại đi học những bài học đầu tiên về nhân dân.
Làng tôi giờ ngày một phình ra. Người học hành đỗ đạt, có chức tước thì không về làng nữa. Những người biết làm ăn cũng định cư ở trong Nam, ngoài Bắc. Tôi mừng bây giờ làng đã no đủ, xe đạp, xe máy dập dìu. Điện sáng suốt ngày đêm. Tivi nhiều. Nhiều cả những trận đá banh. Nhưng những cái xưa tôi theo tìm trong hoài niệm thì dường như đã ít. Cái tôi tìm có phải là giá trị văn hoá, là cái đẹp chăng? Tôi tin vào điều ấy vì cái gì làm người ta hoài niệm, chắc là cái đẹp. Tôi lo lắng cho làng ư? Thế cũng vô lý, vì tôi cần làng, làng có cần một ai cụ thể đâu. Chính trên cánh đồng cày xới khi gieo hạt giống, người nông dân sẽ gieo cho mình, cho đời sau những hạt mầm văn hoá. Tôi tin chắc như vậy. Nhưng tôi vẫn thương cho những câu hát của mình. Tôi còn có bà Hạnh, có o Thắng, có những cột số để theo tìm.
Tôi có một người bạn làm quan chức trên tỉnh. Anh ta vừa bán vườn cũ của mình, đưa đất bố mẹ và mấy đứa con cháu vào thị xã trong một nhà ống to, mặt tiền sáu mét. Tầng dưới mở hiệu cà phê, bún phở. Hái ra tiền. Và không về làng nữa.
Tôi chợt rùng mình. Và lẽ ra trên bước đường bùi ngùi trở về làng cũ, mình phải thương mình, tôi lại bỗng thương, thương và sợ ai đó cả đời không nghe, không nhớ, không bâng khuâng vì một câu hát cất lên từ ruột đất dưới rặng tre làng.
Nguyễn Sĩ Đại