Video
HĐXX yêu cầu công ty B&B truy nộp hơn 25 tỷ đồng trốn thuế năm 2009, phạt tiền 3 lần số thuế đã trốn với bị cáo Nguyễn Đức Kiên.
Gần 12h, sau khi xem xét hồ sơ vụ án, HĐXX đánh giá, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Bằng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, các bị cáo đã gây lũng đoạn, ảnh hưởng thị trường tiền tệ của Nhà nước.
Vì lẽ đó, với 4 tội danh (Lừa đảo, Trốn thuế, Kinh doanh trái phép, Cố ý làm trái), bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị tuyên phạt 30 năm tù. Bị cáo 50 tuổi còn phải nộp phạt 75 tỷ đồng trốn thuế, cấm bị cáo đảm nhiệm chức vụ ngân hàng trong 5 năm.
Nguyễn Đức Kiên được áp tải ra xe để đưa về trại. Ảnh: Đỗ Mến. |
Bị cáo Lý Xuân Hải 8 năm tù; Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội 5 năm 6 tháng tù; Lê Vũ Kỳ và Nguyễn Thị Hải Yến, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội cùng mức án 5 năm tù; Trịnh Kim Quang 4 năm tù, Phạm Trung Cang 3 năm tù; Huỳnh Quang Tuấn 2 năm tù.
Nhận thấy có dấu hiệu kinh doanh trái phép tại Ngân hàng Thương mại Á Châu và Vietbank, Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Chính đọc quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội kinh doanh trái phép. Đồng thời, Huỳnh Thị Bảo Ngọc có dấu hiệu đồng phạm với Huyền Như nên khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hai quyết định này được chuyển đến VKSND Hà Nội.
Về xử lý vật chứng, cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ công an) đã kê biên 3 bất động sản ở TP.HCM do Nguyễn Đức Kiên và vợ đứng tên. Việc kê biên này vẫn đang tiếp tục để đảm bảo thi hành án.
Ngày cuối trước khi tòa vào nghị án, bầu Kiên nói về vợ và con với tâm trạng xúc động. Bị cáo 50 tuổi cho rằng những khó khăn hôm nay vợ đang phải giải quyết là rất lớn…
Trước đó, khoảng 8h20, chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Hữu Chính bắt đầu phần tuyên án, mở đầu bằng việc đọc lại bản cáo trạng.
Căn cứ vào những tài liệu, kết quả thẩm vấn tại tòa, HĐXX thấy về hành vi Kinh doanh trái phép của Nguyễn Đức Kiên thông qua 5 công ty, với tổng số tiền 21.490 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại tòa, Kiên thừa nhận dùng tiền của các công ty mà bị cáo tham gia với tư cách Chủ tịch HĐQT đầu tư cổ phần, cổ phiếu như cáo trạng đã nêu là hành vi pháp luật không cấm.
Bị cáo Kiên cùng các đồng phạm xin được ngồi nghe tuyên án. Ảnh: Đỗ Mến. |
Lời khai của Kiên tại tòa đều xác nhận đầu tư góp vốn, cổ phần, cổ phiếu kinh doanh nhằm mục đích kiếm lời. 5 công ty do Kiên quản trị để kinh doanh tài chính không đúng với giấy đăng ký kinh doanh. Thực chất 5 công ty này không hoạt động kinh doanh nào khác ngoài kinh doanh tài chính. Như vậy, Kiên thành lập các công ty trên chỉ là để góp vốn, mua bán cổ phần, phát hành trái phiếu.
Hành vi kinh doanh của bị cáo núp dưới hình thức mua cổ phần, cổ phiếu vi phạm, thỏa mãn dấu hiệu đầy đủ của tội Kinh doanh trái phép. Việc phát hành trái phiếu, mua cổ phần của Kiên vi phạm pháp luật, trong đó có sự giúp sức tích cực cho bị cáo có ngân hàng ACB.
Về hành vi kinh doanh giá vàng tại Công ty Thiên Nam, Kiên cho rằng thực hiện các lệnh mua bán thông qua điện thoại, chỉ là người thể hiện giọng nói giao dịch giữa công ty Thiên Nam và ACB, việc chuyển tiền là Tổng Giám đốc Lê Ngọc Chung. Việc giao dịch giá vàng là hoạt động hàng hóa, đúng pháp luật. Ông Chung hiện đã mất.
Căn cứ lời khai của người liên quan, HĐXX xét thấy Kiên giữ vai trò quyết định nên lời nại ra của bị cáo tại tòa cho rằng nếu có hành vi vi phạm trách nhiệm thuộc về ông Chung không có căn cứ để xác nhận. Lời khai của bị cáo, người liên quan với phân tích nêu trên đủ căn cứ kết luận bị cáo đủ cơ sở truy tố bị cáo tội Kinh doanh trái phép. Kiên là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, nhưng tại tòa bị cáo không thành khẩn khai báo và nhận tội nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc.
Với hành vi Trốn thuế: HĐXX xét thấy người trực tiếp thực hiện lệnh mua bán do Nguyễn Đức Kiên điều hành, lợi nhuận thu được, Kiên chuyển vào tài khoản của bà Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên) sau đó Hương chuyển lại cho Kiên. Bị cáo khai chỉ dạy em kinh doanh là không hợp lý. Hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính do Đặng Ngọc Lan và Nguyễn Thúy Hương ký là hợp đồng “khống”
Năm 2009 và 2010, công ty B&B kinh doanh có lãi đã nộp thuế doanh nghiệp, nhưng không kê khai số tiền lãi nên có đủ căn cứ truy tố Kiên trốn thuế 25 tỷ đồng. VKSND truy tố bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong hành vi này, Lan và Hương là người thực hiện với vai trò giúp sức tích cực, dù quan hệ với bị cáo là vợ chồng, anh em ruột nhưng thấy cần thiết kiến nghị cơ quan tố tụng tiếp tục điều tra xử lý theo pháp luật.
Do đó, buộc công ty B&B phải có nghĩa vụ nộp thuế 25 tỷ dồng. Đồng thời phạt tiền bổ sung 3 lần số tiền đã trốn thuế đối với Kiên là 75 tỷ đồng, sung công quỹ.
Với hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Tại tòa, Nguyễn Đức Kiên khai cho rằng Trần Đình Long, Trần Tuấn Dương (tập đoàn Hòa Phát) biết 20 triệu cổ phiếu bị thế chấp, đây là việc hoán đổi cổ phần, bị cáo có nhiều ngàn tỷ đồng, không có ý thức lừa đảo chiếm đoạt 264 tỷ đồng. Qua lời khai tại cơ quan điều tra và tại tòa, ông Long, Dương và Kiều Chí Công (giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát) khẳng định không hề biết số cổ phiếu trên bị thế chấp, không có việc hoán đổi cổ phần.
Sau khi ký hợp đồng, Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát đã chuyển tiền sang công ty ACBI, bị cáo Kiên đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến sử dụng số tiền này vào các mục đích khác nhau. Từ khi nhận tiền đến khi bị bắt, bị cáo không có động tác giải chấp số cổ phiếu trên. Đây là tội phạm đã hoàn thành. VKSND truy tố bị cáo hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là đúng người, đúng tội. Bị cáo không thành khẩn, cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc. Ngoài ra HĐXX thấy cần phải phạt tiền bị cáo 100 triệu đồng, tịch thu sung công quỹ nhà nước.
Hành vi của Thanh và Yến đồng phạm giúp sức tích cực cho Kiên, tuy nhiên vai trò của 2 bị cáo thực hiện dưới sự chỉ đạo của Kiên, các bị cáo chỉ làm công ăn lương. Tại tòa Yến và Thanh thành khẩn khai báo hành vi phạm tội nên cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt. Do Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát đã nhận lại số tiền 264 tỷ đồng nên HĐXX không xem xét.
Các tài liệu, bút lục trong vụ án bầu Kiên. Ảnh: Đỗ Mến. |
Với hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước: Bị cáo Kiên cho rằng khi đó chỉ là Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập nhưng không ký Nghị quyết, không có quyền quyết định kinh doanh của ACB. Việc ký ủy thác cho nhân viên gửi tiền lúc đó pháp luật không cấm, hậu quả không xảy ra nên bị cáo không phạm tội. Các bị cáo khác thừa nhận có tham gia cuộc họp HĐQT nhưng cho rằng đó là việc làm thường xuyên, không vi phạm pháp luật, không gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB.
HĐXX xét thấy theo Luật các Tổ chức Tín dụng ngân hàng 2010 (TCTD 2010) không được phép kinh doanh hoạt động nào khác ngoài những hoạt động của ngân hàng được giấy phép. Việc thực hiện ủy thác gửi tiền trước Luật TCTD 2010 có hiệu lực, việc ủy thác phải thực hiện theo Quyết định 742 của Ngân hàng Nhà nước, nội dung chỉ quy định về ủy thác, ủy thác cho vay không có nội dung về ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền. Như vậy, trước 2011, việc ủy thác gửi tiền cũng không đúng pháp luật.
HĐXX khẳng định việc thực hiện ủy thác gửi tiền trước khi Luật TCTD 2010 có hiệu lực là không đúng pháp luật, điều đó có nghĩa việc HĐQT ban hành Nghị quyết là hoàn toàn sai. Đặc biệt khi Luật TCTD 2010 có hiệu lực thì việc tuân thủ của các TCTD càng phải thực hiện nghiêm túc hơn nữa. Sau khi luật mới có hiệu lực, Ban lãnh đạo ACB đã họp và rút ủy thác tiền gửi USD nhưng vẫn gửi tiền VND chứng tỏ Ban lãnh đạo ACB biết việc ủy thác phải có hướng dẫn nhưng vẫn thực hiện. Do đó các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bị cáo Phạm Trung Cang, đã từ nhiệm thường trực HĐQT ACB từ 30/12/2012 nhưng vẫn giữ một số chức vụ tại ACB tham gia họp mang tính chất điều hành ở ACB, vẫn ký cho cá nhân gửi tiền. Do đó vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn, là thành viên HĐQT ACB từ tháng 8/2011, có tham gia cuộc họp về ủy thác gửi tiền và đồng tình với chủ trương này nên phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm như các bị cáo khác.
Việc luật sư và ACB cho rằng ACB không có thiệt hại do Vietinbank phải trả tiền chứ không phải trách nhiệm Huyền Như. HĐXX nhận thấy, Như lợi dụng việc ACB và cá nhân của ACB không quan tâm đến thẻ tiết kiệm Như đã làm thẻ tiết kiệm và cầm cố rút tiền. Một số hợp đồng Như đã lợi dụng làm giả toàn bộ hợp đồng, rút tiền ra từ sự thiếu trách nhiệm của một số cá nhân ACB.
Do đó, dù Vietinbank hay Huyền Như phải chịu trách nhiệm thì hiện tại ACB vẫn chưa thu hồi được số tiền. Tại phiên tòa, lời khai của Huỳnh Thị Bảo Ngọc, trưởng phòng và Nguyễn Văn Hòa, kế toán trưởng ACB cho thấy hợp đồng ủy thác cho cá nhân được thanh lý ngay trong ngày để tất toán tiền. Do đó thiệt hại phát sinh ngay từ thời điểm ACB chuyển tiền sang tài khoản các nhân viên nêu trên.
Từ hành vi Cố ý làm trái dẫn đến hậu quả ACB mất số tiền hơn 718 tỷ đồng, HĐXX thấy có cơ sở rằng các bị cáo có hành vi thống nhất ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền, làm trái Điều 106 Luật TCTD 2010. VKS truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật.
Việc ACB ủy thác cho 19 nhân viên gửi tiền vào Vietinbank, có lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng là vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất huy động không quá 14%.
Về trách nhiệm dân sự, số tiền 718 tỷ đồng được giải quyết trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như nên HĐXX không xem xét.
Huỳnh Thị Bảo Ngọc được giao nhiệm vụ đại diện cho ACB giao dịch, liên hệ với Như để mở tài khoản cho 19 nhân viên. Ngọc thỏa thuận về lãi suất tiền gửi, vượt trần, điều hành nhân viên mở tài khoản, chuyển tiền sai quy định của ngân hàng tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt. Ngọc được hưởng lợi 3 tỷ đồng. HĐXX xét thấy Ngọc có dấu hiệu đồng phạm với Như, cần phải khởi tố, đề nghị VKS, cơ quan điều tra làm rõ hành vi của Ngọc để xử lý theo quy định pháp luật.
Tuyên án xong Nguyễn Đức Kiên, vụ án vẫn chưa kết thúc
Theo cáo trạng của VKS và tài liệu của vụ án cho thấy, dù tòa có tuyên án Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm thì vụ án này vẫn chưa thể kết thúc.
Trước đó, ngày 20/5, TAND Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Sau hơn 10 ngày xét hỏi và tranh luận, VKSND Hà Nội tiếp tục giữ nguyên quan điểm truy tố đối với các bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại tòa sáng 9/6. Ảnh: Đỗ Mến. |
Theo đó, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, ở Hà Nội) bị buộc tội với 4 tội danh là Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định. Được xác định là chủ mưu của vụ án, bị cáo Kiên bị đề nghị mức án cao nhất – tổng cộng 30 năm tù giam.
Hai bị cáo được đề nghị mức án treo là Phạm Trung Cang (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB) và Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên thường trực HĐQT ACB, nguyên phó Tổng giám đốc ngân hàng ACB).
Ngày 2/6, trước khi bước vào nghị án, nói lời sau cùng, bầu Kiên dặn vợ không được “chạy án”… vì có thể chứng minh mình vô tội.
Bầu Kiên khẳng định không làm sai pháp luật
Trong phần xét hỏi các bị cáo tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Đức Kiên được cách ly sang phòng khác.
VKSND đề nghị mức án đối với 8 bị cáo:
– Nguyễn Đức Kiên: 18 – 24 tháng tù tội Kinh doanh trái phép; 4 – 5 năm tội Trốn thuế; 16 – 18 năm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 14 – 15 năm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước. Bị cáo bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý điều hành ngân hàng từ 3-5 năm.
Nhóm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
– Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội: 9- 10 năm tù.
– Nguyễn Thị Hải Yến, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội: 7- 8 năm tù.
Nhóm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước:
– Lê Vũ Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch ACB: 7- 8 năm tù.
– Trịnh Kim Quang, nguyên Phó Chủ tịch ACB: 6- 7 năm tù.
– Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc ACB: 12-14 năm tù.
– Phạm Trung Cang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB: 3 năm tù cho hưởng án treo.
– Huỳnh Quang Tuấn, nguyên thành viên thường trực HĐQT ACB,nguyên phó Tổng giám đốc ngân hàng ACB: 3 năm tù cho hưởng án treo.
Đỗ Mến