Trước đây bà Lê Thị Kim Ngân (ngụ xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) khởi kiện yêu cầu ông Lê Văn Các trả 1.508 m2 đất. Vụ án được TAND hai cấp của tỉnh Hậu Giang xét xử và tuyên án theo hướng chấp nhận một phần khởi kiện, ông Các phải trả lại cho bà Ngân phần đất rộng 596 m2.
Lấn ranh đất sau khi thi hành án
Tháng 9-2011, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Chi cục Thi hành án (THA) huyện Phụng Hiệp tổ chức thi hành bản án, thực hiện việc cắm mốc phân chia đất theo án của tòa. Do bà Ngân không tự nguyện nhận đất nên THA huyện phải cưỡng chế THA cắm mốc phân chia ranh giới đất. Lúc này bà Ngân vẫn không tự nguyện nhận đất được THA mà cho rằng tòa xử không khách quan.
Tháng 6-2012, bà Ngân lại tự ý đập phá các trụ cắm ranh đất, dời cột lấn sang phần đất của ông Các chiều ngang 7 m. Tiếp đó bà Ngân đã trồng trọt và dựng nhà bếp, chuồng trại trên phần đất này.
Ông Các trình báo sự việc nhờ chính quyền xã giải quyết. Sau đó UBND xã Phương Bình đã cử cán bộ đến kiểm tra hiện trạng việc lấn chiếm và xây dựng trái phép của bà Ngân. Biên bản kiểm tra của UBND xã lập ngày 26-8-2015 xác định: “Căn cứ Bản án số 77/2011/DSPT ngày 27-5-2011 của TAND tỉnh Hậu Giang thì phần mái che (diện tích 3,6 x 3,6 m) bằng cột tre, gỗ tạp, mái lợp lá nền đất mà bà Ngân xây dựng đã lấn qua phần đất của ông Các”.
Tiếp đó đại diện UBND xã có đến vận động bà Ngân và gia đình tự nguyện tháo dỡ phần mái che đã xây dựng lấn sang đất của ông Các nhưng không kết quả. Từ đó đến nay vụ việc vẫn không được giải quyết.
Phần đất bà Ngân xây dựng lấn chiếm qua phần đất của ông Các. Ảnh: HD |
Xã nói có lấn nhưng đòi xác minh lại
Theo ông Các, hiện ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo diện tích mà bản án của tòa đã phân chia. “Tôi gửi đơn yêu cầu đã rất lâu nhưng không hiểu sao đến nay chính quyền vẫn không giải quyết dứt điểm, cưỡng chế tháo dỡ trả lại phần đất mà tòa công nhận” - ông Các nói.
Trong khi bà Ngân vẫn cho rằng bản án của tòa tuyên là không đúng nên bà không chấp hành. Bà nói: “Tòa xử không đúng với sự thật. Toàn bộ phần đất 1.508 m2 là do ông cha để lại cho tôi, chỗ anh em bà con với nhau không làm ranh đất nên tôi mới phải khởi kiện. Tòa xử vậy tôi nhất định không chấp nhận bản án”.
Ngày 16-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Bình Trần Văn Sang khẳng định xã đã kiểm tra, bước đầu xác định bà Ngân có xây dựng lấn chiếm qua đất của ông Các. Ngoài ra dù đã có bản án của tòa xác định ranh mốc nhưng hồ sơ thủ tục chưa hoàn chỉnh nên xã đang xác minh lại.
“Cụ thể xã nhờ ấp tập hợp những bô lão sống ổn định thời gian dài tại địa bàn, những người có thể biết về nguồn gốc đất và những cán bộ địa phương qua từng thời kỳ. Mục đích là để nghe những nhân chứng này nói về nguồn gốc của diện tích đất tranh chấp. Để trên cơ sở đó xã giải quyết tranh chấp, tuy nhiên đến nay ấp không làm được. Vì thế, mới đây xã đã cử cán bộ địa chính, ban hòa giải đến xác minh lại vụ việc để hoàn tất hồ sơ, sớm giải quyết dứt điểm sự việc” - ông Sang thông tin.
Án có hiệu lực, phải thi hành
Một thẩm phán tại TP Cần Thơ cho biết theo nguyên tắc, bản án của tòa có hiệu lực thì mọi tổ chức hay cá nhân đều phải thi hành. Việc UBND xã đã lập biên bản cho rằng theo bản án thì bà Ngân có lấn sang đất của ông Các là đã ghi nhận sự việc thực tế. Nhưng phía UBND xã muốn xác minh lại nguồn gốc ranh mốc đất là không đúng bởi việc này tòa đã xét xử bằng bản án có hiệu lực, không cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết lại tranh chấp nữa.
Thực tế thì quá trình THA đã xong, nếu có việc bà Ngân lấn chiếm đất thì xã cần lập biên bản nêu rõ sự việc rồi gửi đến cơ quan THA và VKS hai cấp huyện và tỉnh kiến nghị giải quyết. Bản thân ông Các cũng có quyền gửi đơn đến các cơ quan trên để được giải quyết. Ngoài ra, chính quyền xã còn phải bảo đảm an ninh trật tự, không để xảy ra xung đột giữa các bên.
Theo luật sư Nguyễn Văn Trí (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ), khi bản án đã có hiệu lực, cơ quan THA đã thi hành xong nhưng bà Ngân tự ý di dời ranh mốc lấn đất là hành vi trái pháp luật.
Theo đó, UBND xã có quyền lập biên bản vi phạm hành chính để xử phạt bà Ngân về hành vi không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định (theo điểm a khoản 3 Điều 52 Nghị định 110/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, THA dân sự). Theo đó, hành vi của bà Ngân có thể bị phạt tiền 3-5 triệu đồng.
Nếu người vi phạm vẫn không chấp hành và tái phạm thì chính quyền địa phương có thể chuyển hồ sơ lên cơ quan điều tra công an cấp huyện giải quyết theo thẩm quyền. Theo BLHS, hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội không chấp hành án.
Có thể bị xử lý hình sự Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện các quyết định về THA thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; nếu là cá nhân thì còn có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. (Trích Điều 165 Luật THA dân sự) Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. (Trích Điều 304 BLHS (Tội không chấp hành án) |
Tác giả: HẢI DƯƠNG
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM