Các Sở - Ban - Ngành

Tỉnh thu ngân sách chục nghìn tỷ vẫn xin gạo cứu đói

Nhiều tỉnh thu ngân sách mỗi năm hơn chục nghìn tỷ đồng vẫn phải xin Trung ương hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết. Lý do là thu không đủ bù chi nên cần hỗ trợ.

Là tỉnh đồng bằng trồng lúa nhưng 3 năm nay, Hà Nam đều có công văn xin hỗ trợ gạo giáp hạt. Năm 2014, tỉnh được Chính phủ hỗ trợ 1.500 tấn cho hơn 100.000 nhân khẩu. Năm 2015, số gạo hỗ trợ giảm xuống còn 1.284 tấn cho hơn 85.500 nhân khẩu. Năm nay, Hà Nam xin Trung ương 419 tấn gạo cho gần 28.000 người, tập trung ở các huyện khó khăn như Bình Lục, Kim Bảng.

Ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, năm 2016 thu ngân sách tỉnh đạt 4.700 tỷ đồng nhưng chưa đủ chi nên vẫn phải xin gạo cho hộ nghèo. “Không phải cứ trồng nhiều lúa mà không có hộ nghèo. Số gạo nhận được mang tính chất động viên. Không phải xin cho tỉnh mà xin cho hộ nghèo vì Hà Nam là tỉnh đang phát triển”, ông lý giải.

tinh-thu-ngan-sach-chuc-nghin-ty-van-xin-gao-cuu-doi

Mâm cơm mùa giáp hạt của người dân Bảo Lạc, Cao Bằng. Ảnh minh họa: Sơn Thủy.

5 năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đều có văn bản gửi Trung ương xin hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết nguyên đán. Năm 2014, tỉnh đề nghị hỗ trợ khoảng 500 tấn, năm 2015 tăng lên thành 934 tấn. Dịp Tết Nguyên đán 2017, tỉnh xin 650 tấn cứu đói cho hơn 43.000 nhân khẩu với mức hỗ trợ 15 kg mỗi người. Hai huyện đồng bằng ven biển xin gạo nhiều nhất là Hoằng Hóa (235 tấn) và Tĩnh Gia (143 tấn).

Tổng thu ngân sách năm 2015 và 2016 của Thanh Hóa lần lượt là gần 11.000 tỷ đồng và 11.300 tỷ đồng. Nhưng chi thường xuyên trong 2 năm của tỉnh đều trên 20.000 tỷ đồng, nên Thanh Hóa vẫn cần nguồn hỗ trợ từ Trung ương, dù số gạo hỗ trợ tính theo giá thị trường chỉ khoảng 10 tỷ đồng.

Ông Ngô Hoàng Kỳ, Chánh văn phòng UBND tỉnh, cho biết tiền thu ngân sách được bao nhiêu chuyển hết về Trung ương, sau đó sẽ cân đối lại. “Việc thu ngân sách là nằm ở mục thu, còn chi phải dựa trên cơ sở duyệt chi thì mới được phân bổ ngân sách, chứ không phải thu được bao nhiêu thì chi bấy nhiêu tùy thích”, ông Kỳ nói.

Tỉnh láng giềng của Thanh Hóa là Nghệ An năm nay xin hỗ trợ 1.766 tấn gạo giáp Tết cho gần 118.000 nhân khẩu thiếu đói. Ông Nguyễn Bằng Toàn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết việc xin hỗ trợ gạo là thường xuyên. “Nhưng so với Tết các năm trước thì năm nay tỉnh xin ít hơn rất nhiều. Có năm trên 3.000 tấn nhưng năm nay chỉ hơn 1.700 tấn”, ông Toàn nói.

Năm 2016, Nghệ An thu ngân sách hơn 10.300 tỷ đồng. Song theo ông Toàn, tỉnh có dân số lớn với 11 huyện miền núi, đời sống của người dân vùng xa còn nhiều khó khăn. Hiện tỉnh còn khoảng 80.000 hộ nghèo.

Lãnh đạo Sở Lao động Nghệ An cho biết, với quan điểm “mọi người đều có Tết” nên theo quy trình, dịp cuối năm tỉnh đều rà soát đời sống người dân từ cấp xã trở lên rồi tổng hợp, thẩm định và báo cáo về Trung ương xin hỗ trợ.

Dịp Tết Nguyên đán 2017, Quảng Trị đề nghị Trung ương hỗ trợ gần 1.500 tấn gạo cho hơn 31.000 hộ với gần 100.000 nhân khẩu. Hai huyện miền núi Hướng Hoá và Đăkrông cần nhiều nhất với gần 60.000 nhân khẩu.

Lãnh đạo tỉnh cho biết ngân sách hạn hẹp, chưa thể cân đối để bảo đảm mua gạo cứu trợ cho nhân dân nên đề nghị Trung ương cấp. Các địa chỉ xin hỗ trợ là hộ nghèo khó khăn, dân tộc thiểu số diện nghèo và cận nghèo tại 16 xã, thị trấn ven biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển; hộ có người gặp tai nạn rủi ro, bệnh tật lâu ngày, bị ảnh hưởng bởi thiên tai…

tinh-thu-ngan-sach-chuc-nghin-ty-van-xin-gao-cuu-doi-1

Quảng Nam còn trên 51.000 hộ nghèo nhưng tỉnh này không xin Trung ương hỗ trợ mà tự trích ngân sách mua gạo. Ảnh minh họa: Sơn Thủy.

Một số tỉnh nhiều năm xin hỗ trợ từ Trung ương thì năm nay tự bỏ tiền mua gạo cứu đói. Năm 2016, Quảng Nam gặp hai trận lũ liên tiếp, gây thiệt hại gần 500 tỷ đồng. Dịp Tết này, tỉnh trích 15 tỷ để các huyện mua gạo cấp cho người dân sau lũ và lo Tết.

Năm 2016, Quảng Nam thu ngân sách trên 20.000 tỷ đồng, riêng nguồn thu nội địa hơn 13.900 tỷ (tăng 128,8 lần so với thời điểm tái lập tỉnh năm 1997). Năm 2017, Quảng Nam dự kiến lần đầu tiên tự chủ ngân sách và điều tiết ngân sách về Trung ương.

Thứ trưởng Lao động Nguyễn Trọng Đàm cho biết, ngày 20/1 là hạn cuối để các địa phương gửi văn bản về Bộ xin hỗ trợ, nên 15 tỉnh nêu trên có thể chưa phải là con số cuối cùng.

“Dù tình hình kinh tế – xã hội tốt hơn, có tăng trưởng GDP, nhưng phải nhìn nhận thực tế rằng trong cộng đồng rộng lớn vẫn có bộ phận người nghèo ngày giáp hạt, ngày Tết thiếu lương thực nên tỉnh mới xin. Có thể GDP các tỉnh đều tăng nhưng không phải cứ tăng trưởng là có cuộc sống tốt đẹp cho tất cả, điều kiện sống được cải thiện như nhau hết”, ông Đàm nhận định.

Theo quy định, mỗi nhân khẩu khó khăn nhận được mức cứu trợ tối đa 15 kg gạo mỗi tháng dịp Tết; tối đa 45 kg mỗi tháng dịp giáp hạt.

12 tỉnh xin gạo cứu đói dịp Tết, gồm: Cao Bằng 625 tấn, Tuyên Quang 310 tấn, Yên Bái 397 tấn, Lào Cai 247 tấn, Thanh Hóa 650 tấn, Nghệ An 1.766 tấn, Quảng Trị 1.486 tấn, Quảng Ngãi 1.718 tấn, Bình Định 1.992 tấn, Ninh Thuận 1.134 tấn, Đăk Nông 400 tấn, Kon Tum 577 tấn.

3 tỉnh xin gạo cứu đói lúc giáp hạt là Lai Châu, Lạng Sơn và Hà Nam.

Nhóm phóng viên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP