LTS: Sau loạt bài về những bất cập mô hình trường học mới VNEN tại Hà Tĩnh, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Đoàn Đình Anh, Trưởng ban Văn hóa –Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về những vấn đề liên quan.
PV: Thưa ông, vừa qua, loạt bài viết về mô hình trường học mới VNEN tại tỉnh Hà Tĩnh đăng trên Báo Giáo dục Việt Nam được nhiều độc giả quan tâm, trong đó phản ánh một số bất cập tại Hà Tĩnh, điển hình tại huyện Hương Sơn, năm học 2015-2016, có 16/17 trường THCS triển khai đại trà mô hình trường học mới (trong đó có 6 trường triển khai sau khai giảng 2 tuần và 9 trường sau hơn 1 tháng mới triển khai).
Bất cập lớn nhất là về cơ sở vật chất, thiết bị, sách giáo khoa, cũng như giáo viên không có điều kiện tập huấn; hoặc tại trường PTTH Lê Quý Đôn, huyện Thạch Hà, khi thời gian đã 2/3 học kỳ 1, nhà trường vội vàng cho đập bục giảng, thu tiền phụ huynh, lắp ti vi, trái với Hướng dẫn 1702 của liên ngành Tài chính và Giáo dục.
Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Đoàn Đình Anh: Tôi cũng đã đọc các bài viết đó. Thời gian qua, với tư cách là đại biểu Hội đồng nhân dân, cá nhân tôi cũng như Hội đồng nhân dân tỉnh, chưa thực hiện giám sát sâu về việc này, song quá trình làm việc với ngành giáo dục và thông tin phản ánh của các bài báo tôi xin trao đổi ý kiến của mình như sau: VNEN là mô hình dạy học mới, được Bộ Giáo dục triển khai thực hiện thí điểm tại Việt Nam trong đó có Hà Tĩnh.
Tuy là mô hình học tập từ nước ngoài, nhưng đã được Bộ chỉ đạo áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam và tiến hành sắp xếp, biên soạn lại chương trình và sách giáo khoa trên cơ sở chương trình và sách giáo khoa hiện hành.
Khi đưa cái mới vào, bao giờ cũng cần có các điều kiện đi kèm để đảm bảo đạt kết quả như mong muốn, nhất là cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học, sách giáo khoa, đào tạo lại đội ngũ giáo viên, tuyên truyền để tạo sự hiểu biết và đồng thuận trong xã hội đặc biệt là phụ huynh học sinh.
Do vậy, quan điểm của tôi là không nên vội vàng triển khai thực hiện khi các điều kiện đảm bảo chưa đủ. Các trường nên có bước chuẩn bị kỹ trước khi quyết định triển khai chương trình.
Hơn nữa là cái mới nên bước đầu thực hiện không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn, và những khó khăn, bỡ ngỡ đó cũng là một trở ngại cần xác định khi triển khai.
Ông Đoàn Đình Anh- Trưởng ban VH-XH Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh làm việc với Sở GD&ĐT về kết quả thực hiện Nghị quyết 20. Ảnh tư liệu |
Còn vấn đề thực hiện vận động sự đóng góp của phụ huynh và các tổ chức, cá nhân để góp phần tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy và học là hết sức cần thiết, kể cả việc đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục mới, nhất là khi mà ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.
Song mọi sự vận động phải thực hiện đúng khuôn khổ quy định của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể của Hà Tĩnh là Hướng dẫn liên ngành Giáo dục đào tạo và Tài chính số 1702. Nếu các trường thực hiện không đúng cần được xử lý nghiêm.
Trong Báo cáo ngày 07/10/2015 của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh về: “Tình hình triển khai hoạt động đổi mới giáo dục trong thời gian qua của Hà Tĩnh” dự định năm học 2016-2017 “sẽ triển khai mô hình trường học mới Việt Nam tại tất cả các trường tiểu học, THCS”, đồng thời “tổ chức các phòng học theo mô hình trường học mới tại các trường THPT để dạy học ở một số bài học, một số môn học”.
Được biết, năm học 2015-2016, Sở GD&ĐT đã triển khai ở 9 trường PTTH. Việc triển khai của Sở GD&ĐT như vậy có nóng vội không? Và Ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Ông Đoàn Đình Anh: Vấn đề này, như tôi đã trao đổi ở trên, việc áp dụng thí điểm mô hình trường học mới để đổi mới phương pháp dạy, học của giáo viên và học sinh, từ đó xem xét để nhân ra diện rộng là cần thiết.
Song cái mới bao giờ cũng gặp nhiều trở ngại, khó khăn, cho nên cần được được đánh giá, rút kinh nghiệm từ việc triển khai, thí điểm.
Đồng thời cần chuẩn bị đầy đủ về thiết bị, sách giáo khoa trước khi triển khai thực hiện.
Vừa rồi, trong thẩm tra báo cáo trước kỳ họp thứ 15 Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Văn hóa xã hội cũng đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện vấn đề này.
Đối tượng của giáo dục là con người, nếu để sai lầm sẽ vô cùng nghiêm trọng vì không có cơ hội sửa sai. Theo ông, có cách nào tránh được sai lầm? Với trọng trách là trưởng ban Văn hóa – Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh, ông cho biết kế hoạch giám sát sắp tới của Hội đồng nhân dân tỉnh về vấn đề này?
Ông Đoàn Đình Anh: Ý kiến nêu trên là hoàn toàn đúng nên tôi không có gì thêm. Còn cách nào để tránh được sai lầm, trước hết là các nhà quản lý giáo dục từ bộ đến các trường có trách nhiệm nghiên cứu để thực hiện mà không để sai, trong đó các ý kiến đóng góp của xã hội cũng hết sức cần thiết để giúp các nhà quản lý giáo dục có thêm thông tin, khi tổ chức thực hiện.
Đặc biệt đối với cái mới, tuy rất thành công ở nơi khác, nhưng khi áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của chúng ta cần hết sức thận trọng, nhất là hiện nay chúng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam.
Bộ GD&ĐT đang biên soạn lại chương trình và sách giáo khoa mới, cho nên cần tính đến khả năng áp dụng phương pháp đang thí điểm hiện nay với chương trình mới.
Đối với Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp thứ 15 vừa rồi đã quyết định năm 2016 sẽ giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND về ban hành đề án phát triển giáo dục đào tạo Hà Tĩnh, trong quá trình giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ xem xét các nội dung này.
Trân trọng cảm ơn ông.