Kinh tế

Tìm cách giải cứu 12 siêu dự án thua lỗ

Hầu hết các dự án đều chưa quyết toán được hợp đồng. Qua khảo sát thực tế, nhiều dự án khi triển khai không đúng trình tự thủ tục.

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết như thế tại cuộc họp Tổ công tác của Thủ tướng về xử lý các dự án yếu kém, thua lỗ thuộc ngành công thương ngày 21-4.

Có nhà máy đầu tư xong bán… sắt vụn

Báo cáo của Bộ Công Thương, trong 12 dự án, tính đến tháng 3-2017, có sáu nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng thua lỗ; ba dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn; ba nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết Thủ tướng đã chủ trì hội nghị của Thường trực Chính phủ, nghe Bộ Công Thương báo cáo về 12 dự án kém hiệu quả, thua lỗ. Theo báo cáo, có dự án âm cả vốn sở hữu, có dự án lỗ lũy kế lớn hơn vốn chủ sở hữu rất nhiều, chưa nói là phải cộng cả nợ phải trả.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nêu thực tế: “Sau khi khảo sát một loạt nhà máy nhiên liệu sinh học, tôi nhận thấy có nhiều bất cập, thậm chí đầu tư trái với chủ trương. Chủ trương sử dụng xăng sinh học chưa hoàn thiện mà đã cho xây dựng hàng loạt nhà máy nhiên liệu sinh học. Có nhà máy đầu tư mấy ngàn tỉ đồng mà nguyên liệu không có, đầu ra không có, đầu tư xong đắp chiếu. Có những nhà máy hoạt động rồi thì quản trị có vấn đề, không chuyên nghiệp nên lỗ. Tang thương nhất là có nhà máy đầu tư xong bán sắt vụn”.

Ông Thừa đề nghị các bộ, ngành thẩm định đầu tư phải báo cáo cụ thể với Thủ tướng về vấn đề này cũng như quy trách nhiệm rõ ràng.

Dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ là một trong ba dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn. Ảnh: TR.P

Cho phá sản hoặc bán

Thông tin tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Chính phủ về phương án xử lý đối với 12 dự án. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay: “Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là rất quyết tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà máy có thể hoạt động được. Nhưng nếu không hoạt động trở lại được thì phải có phương án. Bộ Công Thương đã có báo cáo từng phương án của từng nhà máy và có những dự án đặt phương án phá sản, có những dự án đặt phương án là bán. Muốn thực hiện được gì đi nữa thì trước hết phải hoàn thành được việc quyết toán. Quyết toán xong mới làm được, phá sản cũng phải có quyết toán. Quyết toán ở đây là quyết toán có kiểm toán, hoàn thành quyết toán nghĩa là phải có kiểm toán”.

Ông Mai Tiến Dũng lưu ý Bộ Công Thương cần chỉ đạo các đơn vị hoàn thành thủ tục quyết toán. Bởi nếu các dự án này không quyết toán được sẽ không xử lý; đặc biệt thủ tục quyết toán hợp đồng EPC đối với nhà thầu Trung Quốc cần làm cẩn trọng.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng một trong các biện pháp cần tính đến để xử lý các dự án trên là có thể cho phá sản. Phương án khác là tiếp tục cho tự tổ chức kinh doanh, sản xuất; hoặc hợp tác với đối tác nước ngoài để sản xuất - cơ chế này sẽ có lợi thế về vốn, chuyển giao công nghệ, quản trị doanh nghiệp. Ngoài ra, có thể kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn vào dự án; thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp…

Tác giả: Trà Phương

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP