Do ảnh hưởng của vụ cá chết dạt vào ven biển từ Hà Tĩnh vào Thừa Thiên Huế, hoạt động mua bán, đánh bắt thủy hải sản tại các tỉnh này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, là tại khu vực có nhiều cá chết, gần khu công nghiệp Vũng Áng.
Tại chợ Kỳ Anh, hoạt động mua bán tôm cá, rau củ quả rất đìu hiu. Các hàng thủy hải sản chỉ bán đồ đánh bắt được từ ao hồ, sông.
Các tiểu thương mong muốn cơ quan chức năng sớm công bố nguyên nhân cá chết để an tâm buôn bán, có đồng ra đồng vào chi tiêu hằng ngày. |
Theo ông Nguyễn Đức Phồn, Trưởng ban quản lý chợ Kỳ Anh, tại chợ này thường xuyên có 7 hộ buôn bán thủy sản, hải sản. Trung bình mỗi ngày một hộ bán 500-700 kg tôm, cá các loại. Tuy nhiên, kể từ khi có hiện tượng cá chết dạt vào bờ biển (khoảng 6/4/2016) thì người dân không còn mua đồ biển (tôm, cá, mực…) về ăn, người bán cũng không nhập hàng về nữa.
“Chợ thì phải bán cả cá, cả thịt, phục vụ nhân dân. Tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân để bà con an tâm đánh bắt tôm cá. Các hộ kinh doanh cũng có đầu ra đầu vào để duy trì hoạt động, ổn định cuộc sống” – ông Phồn chia sẻ.
Chị Liên than thở vì thất thu từ việc cá biển chết |
Chị Lê Thị Liên, bán cá tại chợ Kỳ Anh kêu than: “Thường ngày chưa có cá chết thì tôi bán khoảng 300 kg cá, thu được 150-200.000 đồng. Tuy nhiên, từ khi cá biển chết đến nay, mỗi ngày chỉ còn bán được 3 kg cá tràu, 2 kg cá trắm. Trong khi để đấu thầu được một chỗ ngồi chỉ 4 m2 ở chợ này thì tôi phải trả 114 triệu đồng/10 năm.
Ngoài ra, mỗi tháng còn phải đóng bao nhiêu khoản, nào là tiền thuế, tiền điện, tiền nước… Bây giờ, tôi chỉ mong các cơ quan chức năng sớm tìm được nguyên nhân, hỗ trợ cho chúng tôi phần nào để an tâm buôn bán, nuôi sống gia đình chứ không thì chết đói”.
Theo Tuấn Trần-Xuân Ân/Tiền Phong