Phóng sự - Ký sự

Tiền tỷ "rơi" xuống đầu nông dân – kỳ I : Muôn kiểu kiếm tiền

Không ít làng quê nghèo tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, nhiều nông dân chân lấm tay bùn sau khi bị thu hồi đất canh tác có người được đền bù gần cả tỷ đồng. Bị tiền tỷ "rơi trúng đầu", cuộc sống của họ bắt đầu đổi thay theo nhiều hướng không định trước.

Nhà ông Lê Văn Đồng ở xóm Quyết Tiến (xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh) gồm ba gian đơn sơ được xây từ khá lâu. Tường xây trát xi măng nhưng không quét vôi, sơn màu. Tuy nhiên, nội thất căn nhà đơn sơ ấy lại rất đủ đầy, xa lông mới tinh, tivi, tủ lạnh sáng loáng… Ông Đồng cũng vừa tậu một xe máy.

Gia đình ông Đồng vừa được đền bù 730 triệu đồng do đất ruộng và đất vỡ hoang bị thu hồi. Ngày nhận tiền, ông bà gửi hết vào ngân hàng vì không dám để khoản tiền lớn ấy trong nhà.


Ông Đồng có năm người con, bốn người đã có gia đình. Với khoản 730 triệu đồng, ông chia cho con cả 120 triệu, hai con gái mỗi người hơn 20 triệu mua xe máy; con trai út chưa vợ và một con gái chồng mất sớm đang ở với ông bà mỗi người 50 triệu đồng. Số còn lại, đợt vừa rồi con trai út đòi mua máy xúc để làm ăn ông chi luôn.


“Đời tui chưa cầm số tiền lớn như rứa bao giờ nên tui cũng choáng. Thế rồi ngoảnh đi ngoảnh lại tiền đã hết veo. Không có ruộng, không có việc gì làm, mẹ con tui ngồi chơi không cả mấy tháng nay rồi” – Bà Thư (vợ ông Đồng), nói.


Nhà ông Nguyễn Xuân Dục (xã Kỳ Phương) ít khẩu lại không có đất vỡ hoang nên được đền bù hơn 300 triệu đồng. Khi phóng viên đến nhà, ông Dục đi vắng. Tiếp chuyện chúng tôi là anh Nguyễn Văn Thành, con trai ông Dục.

Tháng 7/2008 chính quyền địa phương nhận được thông tin dự án Fomorsa về địa phương và yêu cầu dân dừng mọi công việc sản xuất. Tháng 12/2008, 636 hộ dân được đền bù hơn 193,5 tỷ đồng tiền đất ruộng, 12,77 tỷ đồng tiền hỗ trợ học nghề.


Ông Lê Công Diến, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Phương


Anh Thành nói: “Ngày trước, con em các hộ gia đình học xong cấp ba không vào đại học thì đi tứ xứ làm thuê. Nay, bố mẹ có tiền đền bù nên cho gọi hết con cái về quê tiêu xài. Thế nhưng, dù tiền nhiều đến đâu đi chăng nữa nếu cứ ngồi mà tiêu thì rồi cũng hết. Đã mấy tháng nay đám thanh niên rỗi việc ra đường tụ tập quán xá, gây mất trật tự. Đã bắt đầu thấy lo lo khi không có việc làm”.


Chị Lê Thị Nguyệt thuộc hộ nghèo, chồng mất sớm, nhà có ba mẹ con thuộc diện được đền bù ít nhất: 180 triệu đồng. Vì lo cho con cái học hành, lại phải trả nợ xây nhà nên mẹ con chị Nguyệt không mua sắm gì đáng kể.


“Ở đây nhà mô cũng mua sắm, có nhà đi mua cả chục cái điện thoại về mừng tuổi cho con cháu mỗi đứa một cái. Tui ít tiền, lại phải dành trả nợ nên không dám mua” – Chị Nguyệt nói.


Xung quanh chuyện mua sắm có nhiều câu chuyện bi hài. Gia đình anh H mang tiền ra ngân hàng gửi đúng thứ Bảy. Ngân hàng không làm việc, vợ chồng ra chợ ôm theo cục tiền trong bao tải. Ra chợ đánh chén xong thì bao tiền của anh H không cánh mà bay. Xót xa, vợ chồng nằm lăn ra giữa chợ khóc. Người qua kẻ lại người đồng cảm, kẻ hả hê, xì xào. Vợ anh H thì gào lên giữa chợ từng đoạn não nùng.

Bà Lê Thị Thư (xóm Quyết Tiến, xã Kỳ Phương) bên bộ bàn ghế mới tinh.


Rồi nhà anh Th – xóm Thắng Lợi (xã Kỳ Phương) nhận tiền đền bù xong bố con ra phố mua luôn bộ bàn ghế, tivi, đầu đĩa và cái tủ tường mới. Mua mà không cần nghĩ, chẳng cần tính xem cái tủ to đùng kia có chui vừa cái nhà bé bé xinh xinh không, nên khi chở tủ về, to quá khổ không đưa được vào nhà. Thế là đành đắp bạt để tủ ngoài sân đón Tết.


Xã Kỳ Phương có 636 hộ dân. Toàn xã nằm trong dự án Fomorsa Khu Liên hiệp luyện gang thép cảng Sơn Dương nên buộc phải di dời toàn bộ số dân lên vùng định cư mới.


Từ tháng 12/2008, ban giải phóng mặt bằng và đền bù dự án Fomorsa tiến hành đo đạc, đền bù đất ruộng. Đã có 650,74 ha đất nông nghiệp với tổng số tiền đền bù 193,5 tỷ đồng.


Ông Lê Công Diến, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Phương, nói: “Trước đó, xã đã về từng xóm tập huấn cho dân nhưng nhận tiền đền bù xong, người dân không tránh khỏi tâm lý mua sắm. Họ chủ yếu tập trung mua tiện nghi, đồ dùng trong nhà, xe cộ…”.

Dọc trục đường về xã Kỳ Phương, không ít gia đình cơi nới, xây dựng thêm tường rào, ao cá để được nhận thêm tiền đền bù.


Miệng ăn núi lở


Trong khi chờ đợi dự án đo đạc nhà cửa và đất ở không ít người dân ở đây ra sức cơi nới công trình để được tăng tiền đền bù.


Dọc trục đường nối từ Quốc lộ 1A về địa phận xã Kỳ Phương, nhiều tường rào, ao cá, phòng ốc nhỏ xây bằng gạch xi măng mọc lên san sát.

Tết Nguyên đán năm 2009, thị trấn Kỳ Anh lên cơn sốt hàng, đặc biệt là xe máy, điện thoại, bàn ghế, tivi, đầu đĩa…vì người dân đổ xô đi mua sắm.


Đầu đường, cuối chợ người dân kháo nhau là dân ở vùng giải tỏa đi mua hàng không mặc cả, không lấy lại tiền lẻ thừa.


Thanh niên thì xuất hiện những thiếu gia tiêu tiền như Công tử Bạc Liêu…


Ngôi nhà hai gian của anh Linh cách đường cái khoảng 30m. Vợ chồng, con cái ở khá chật chội nhưng lại được bao bởi một công trình bao gồm hai ao cá mới, tường rào bằng gạch, xi măng mới.


Không riêng nhà anh Linh, nhiều nhà chưa đồng ý đo đạc đất đai vì chưa thỏa thuận giá đền bù đang cấp tốc cơi nới. Bà Lê Cường, xóm Quyết Tiến, cho hay: “Bình thường xây nhà người ta phải trộn theo tỷ lệ một xi măng với ba cát thì nay các gia đình đó trộn một xi măng mười cát, thậm chí mười một cát để xây công trình tạm bợ, chờ đo đạc đền bù”.


Cũng theo ông Diến, ngày 29/8/2008, UBND Huyện Kỳ Anh có thông báo 116 về xã với nội dung cấm xây dựng, cơi nới công trình trong diện giải tỏa. Thế nhưng, không ít hộ gia đình vẫn đua nhau mở rộng, cơi nới, xã chỉ đến lập biên bản, đình chỉ chứ không được phép xử phạt. Vì thế, các hộ dân vẫn lén lút xây dựng thêm để tăng tiền đền bù.


Ông Diến thở dài: “Miền Trung mùa mưa bão sắp đến, không cẩn thận những công trình tạm bợ sẽ bị sập thôi. Rất nguy hiểm. Người dân không hiểu biết lại tiền mất tật mang”.


Miệng ăn núi lở, khi tiền đền bù đất, tiền hỗ trợ học nghề đã cạn kiệt một số người dân ở đây bắt đầu ngồi ngắm những vật dụng đắt tiền đã mua sắm, ngắm nhìn ngôi nhà xây khang trang. Giờ đây, họ có thể phải bán nó đi. Thất nghiệp, gia đình lục đục, tệ nạn xã hội và mất trật tự an ninh bắt đầu xuất hiện ở những ngôi làng vốn bình yên. Một bô lão triết lý với phóng viên: “Phúc họa đến cùng với tiền”.

Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP