Văn phòng BQL dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang vắng tanh, dò dẫm mãi, chúng tôi mới tìm được người dẫn ra thăm công trình đầu mối. Đã giữa trưa, nhưng hàng trăm công nhân vẫn mải miết làm việc. Anh Trần Văn Minh – Phó trưởng BQL đầu tư và xây dựng thủy lợi 4, kiêm phụ trách dự án này đang kiểm tra công trình cho biết: Tuy khởi công năm 2009, nhưng do khó khăn về vốn, tiến độ công trình chững lại. Đầu năm 2012, các nhà thầu có tiếng trong lĩnh vực thủy lợi tiếp quản công trình và nguồn vốn được khơi thông, tiến độ được đẩy nhanh. Riêng Công ty CM Việt Nam vốn có kinh nghiệm thi công các công trình thủy lợi trong và ngoài nước đã điều hàng trăm chuyên gia và công nhân lành nghề vào Ngàn Trươi. Nhờ vậy, các hạng mục quan trọng tại công trình đầu mối, như: hầm tuynel, tháp lấy nước, cống xả lũ… được đẩy nhanh tiến độ.
Trên công trường xây dựng dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang. Ảnh: Xuân Hòa |
Nếu không có gì thay đổi, các hạng mục này sẽ hoàn thành, phục vụ việc ngăn dòng Ngàn Trươi đợt 1 vào cuối năm nay. Do nguồn vốn nhà nước gặp khó khăn, dự kiến đến hết năm 2014, dự án trọng điểm này sẽ được cấp gần 1/2 số vốn đầu tư (khoảng 1.300 tỷ đồng). Với tinh thần “liệu cơm gắp mắm”, chủ đầu tư đang phấn đấu cơ bản hoàn thành các hạng mục đầu mối, nhất là việc đắp xong đập chính, chống lũ an toàn… để đến cuối năm 2015, bước đầu tích 139 triệu m3 nước, đổ về Linh Cảm tưới tự chảy cho khoảng 7-10 nghìn ha…
Phó Giám đốc Công ty CM Việt Nam Nguyễn Văn Phi cho hay: Do nền địa chất ở đây rất phức tạp và yếu nên việc thi công hầm tuynel gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thi công, đơn vị phải điều các thiết bị đặc chủng, khoan núi hiện đại nhất. Cũng theo anh Phi, cứ khoan được khoảng 2m là phải tổ chức chống đỡ bằng vì thép và đổ bê tông ngay, nên tiến độ khoan chậm, chỉ đạt 1,25m/ngày thay vì 4m/ngày so với tầng địa chất bằng đá cứng nhưng tuyệt đối an toàn. Đến nay, hầm tuynel xuyên núi số 1 dài 240m, đường kính 7m cùng tháp lấy nước cao 57m đã cơ bản hoàn thành; tuynel số 1 vừa có tác dụng dẫn dòng thi công, vừa cấp nước hạ lưu, xả lũ sự cố và phục vụ phát điện 15 MW. Hiện, nhà thầu đang dồn sức hoàn thành hầm tuynel số 2 dài 140m, đường kính 2,5m và kênh xả lũ.
Trong tháng 10/2013, công trình phải đối mặt với 2 trận lũ do bão số 10 và 11 gây ra. Riêng trận lũ do hoàn lưu bão số 11 gây ra đã làm ngập đê quai sanh hơn 3m… toàn bộ các hạng mục liên quan đến tuynel số 1 đang dở dang đều chìm trong nước. Nhờ làm tốt công tác phòng chống nên chỉ sau 5 ngày nước rút, nhà thầu tiếp tục đổ bê tông cống xả lũ… Kế hoạch ngăn dòng Ngàn Trươi không vì thế mà thay đổi tiến độ – anh Trần Văn Minh quả quyết.
Một điều thú vị, trước đây, ngành nông nghiệp đã duyệt phương án làm đập dâng lấy nước tại rú Trí ở xã Đức Lạng (Đức Thọ). Nếu thực thi phương án này sẽ tạo ra một hồ nước phụ (khoảng 30 triệu m3) ở phần thượng rú Trí, làm ngập vĩnh viễn 600 ha đất nông nghiệp cùng một loạt tuyến đường giao thông ở phần hạ lưu tại Hương Khê, Vũ Quang và Đức Thọ cùng với việc di dời, TĐC thêm khá nhiều hộ dân, đầy tốn kém. Riêng phần xây dựng cầu để khắc phục hiện tượng ngập này đã “ngốn” khoảng 200 tỷ đồng (đơn giá năm 2008)…
Là trưởng BQL dự án, bằng sự tâm huyết của người con quê hương, anh Trần Văn Minh đã dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu và đề xuất phương án: dẫn nguồn nước từ công trình đầu mối về thẳng hệ thống tưới sau, vừa không gây ngập lụt hạ lưu, nguồn nước cung cấp vẫn đảm bảo, vừa giảm di dời dân, đảm bảo an toàn; đồng thời, tiết kiệm đáng kể nguồn ngân sách đầu tư. Sáng kiến trên nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Bộ NN&PTNT cùng nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hoàng Trạch, các chuyên gia đầu ngành thủy lợi và đập lớn Việt Nam. Cuối cùng, phương án dẫn nguồn nước chảy thẳng về hệ thống tưới sau của anh Minh được duyệt.
Đại công trình thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang gồm 3 hợp phần chính: công trình đầu mối, di dời TĐC 889 hộ dân và hệ thống kênh dẫn. Đến nay, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền cùng hệ thống chính trị của huyện Vũ Quang và các địa phương liên quan, công tác GPMB, di dời TĐC cho người dân được tiến hành khẩn trương và đáp ứng tiến độ. Khoảng 700 hộ dân ở khu vực lòng hồ Ngàn Trươi thuộc 2 xã Hương Điền và Hương Quang đã, đang di dời hoặc tự TĐC. Số hộ còn lại sẽ hoàn thành việc di dời TĐC vào đầu năm 2014.
Có thể nhận thấy sự nỗ lực của huyện Vũ Quang trong việc xây dựng các khu TĐC ở Hói Trung và Khe Ná – Chi Lời. Khởi công từ cuối năm 2011 nhưng đến tháng 6/2013, hầu hết các hạng mục hạ tầng của 2 khu TĐC khá đồng bộ và hiện đại, hoành tráng hơn nơi ở cũ đã hoàn thành với tổng chi phí 234 tỷ đồng. Hệ thống đường giao thông, điện được xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới. Trụ sở UBND, trường học, trạm y tế rộng rãi, khang trang. Bắt đầu từ tháng 7/2013, đón người dân di chuyển sang các khu TĐC.
Trưởng BQL dự án Ngàn Trươi Nguyễn Bá Đức cho biết: Hạng mục hệ thống kênh trục chính dẫn nước từ đầu mối Ngàn Trươi về Linh Cảm (dài 17 km) cùng đập dâng tại thị trấn Vũ Quang đang được tiến hành. Đây là hệ thống kênh dẫn lát mái bê tông có đáy rộng 8m, đáp ứng lưu lượng dòng chảy 50 m3/s. Hiện công tác GPMB hạng mục này đã cơ bản hoàn thành. Nhưng do nguồn kinh phí chưa được cấp đủ nên mới triển khai thi công được 7 km từ Vũ Quang đến chợ Bộng. Việc thiết kế các xi-phông dẫn nước “chui” qua sông Ngàn Sâu đoạn chợ Bộng đang được tiến hành. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đang đề nghị Chính phủ cấp thêm 800 tỷ đồng để hoàn thành đồng bộ hệ thống kênh dẫn này vào cuối năm 2015.
Thành Châu – Thế Cải
(Theo Baohatinh)