HAGL của bầu Đức đang đối mặt với nhiều thách thức, song vẫn đặt kế hoạch "có lợi nhuận" trong năm 2021 (Ảnh: HAGL). |
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã chứng khoán: HAG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất (đã kiểm toán) năm 2020 với doanh thu thuần tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ, đạt hơn 3.176 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng với tốc độ nhanh hơn (tăng gần 61%) lên gần 2.971 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của tập đoàn này thu hẹp còn hơn 205 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 6,48% giảm đáng kể so với mức xấp xỉ 11% của năm 2019.
Trong khi doanh thu hoạt động tài chính và chi phí tài chính đều giảm thì trong năm 2020, chi phí bán hàng và chi phí doanh nghiệp của HAGL đều tăng mạnh. Chi phí bán hàng tăng gần 15% lên hơn 354 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tới gần 140% lên 1.851 tỷ đồng.
Do đó, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh của HAGL trong năm vừa rồi cũng tăng gấp 3 lần so với năm 2019, ghi nhận mức lỗ 2.022 tỷ đồng. Tuy nhiên, hạng mục lỗ khác lại chỉ tương đương khoảng 1/3 của năm 2019, ở mức 329 tỷ đồng.
Lỗ trước thuế của HAGL trong năm 2020 là 2.351 tỷ đồng so với mức lỗ của năm 2019 là 2.005 tỷ đồng. Lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp tăng lên con số 2.383 tỷ đồng so với mức lỗ cùng kỳ là hơn 1.908 tỷ đồng.
Đáng chú ý, năm vừa rồi, HAGL ghi nhận lỗ sau thuế thuộc về công ty mẹ (lỗ ròng) hơn 1.255 tỷ đồng (cùng kỳ vẫn có lãi 116,6 tỷ đồng).
Theo giải trình của lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ 2.368 tỷ đồng của tập đoàn này chủ yếu do trong năm Ban Tổng giám đốc quyết định ghi nhận dự phòng các khoản công nợ tồn đọng và dự phòng đầu tư vào Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai theo nguyên tắc thận trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp.
Tuy vậy, trong năm 2021, Ban Tổng giám đốc HAGL cho biết vẫn đang tiến hàng lập kế hoạch và cam kết lợi nhuận cho năm 2021.
Dự kiến, lợi nhuận sẽ được tạo ra chủ yếu từ hai khoản. Một là hoạt động sản xuất kinh doanh: Theo kế hoạch, mảng kinh doanh trái cây sẽ tiếp tục tạo ra lợi nhuận vì tập đoàn đã có lượng khách hàng ổn định và đang tiếp tục mở rộng thị trường.
Hai là tại mảng tài chính, dự kiến nghiệp vụ thoái vốn khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) sẽ tạo ra lợi nhuận khá nhiều và đủ khả năng bù đắp chi phí lãi vay. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay cũng giảm do số dư nợ vay giảm nhiều so với các năm trước.
Tại báo cáo này, đơn vị kiểm toán là Ernst & Young Việt Nam nhấn mạnh đến khoản lỗ thuần trên 2.383 tỷ đồng phát sinh trong năm 2020 của HAGL. Tại ngày 31/12/2020, lỗ lũy kế của HAGL vượt 6.301 tỷ đồng và nợ ngắn hạn của HAGL đã vượt quá tài sản ngắn hạn tới trên 6.498 tỷ đồng.
"Các điều kiện này cùng với những vấn đề khác được nêu trong thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn" - kiểm toán viên nêu ý kiến.
Thể hiện trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/12/2020, HAGL có hơn 37.265 tỷ đồng tổng tài sản, tăng gần 3.700 tỷ đồng so với con số đầu năm, trong đó tài sản ngắn hạn tăng mạnh từ 4.955 tỷ đồng lên 8.930 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nợ phải trả lại tăng 5.414 tỷ đồng lên 27.238 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn tăng gần gấp đôi lên 15.429 tỷ đồng. Diễn biến này chủ yếu do chỉ tiêu vay ngắn hạn đã tăng 5.019 tỷ đồng lên gần 8.772 tỷ đồng.
Cũng theo thuyết minh báo cáo tài chính, tại thời điểm 31/12/2020, trong chi phí xây dựng cơ bản dở dang của HAGL không còn ghi nhận số dư tại Học viện bóng đá HAGL - Arsenal JMG (con số này cùng kỳ năm trước là 41,9 tỷ đồng).
Tương tự, tập đoàn cũng không còn khoản chi phí đào tạo học viện bóng đá HAGL-JMG trong phần Chi phí trả trước (tại thời điểm 31/12/2019 là 39,8 tỷ đồng).
Tuy nhiên, HAGL vẫn ghi nhận khoản đầu tư 1,17 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân Trí