Sau khi nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất phản ánh gặp khó khăn, những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thay đổi phương thức kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu để kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ: Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Tài chính, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan trong khi chờ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ thống nhất thay đổi phương thức kiểm tra chất lượng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo hướng: Đơn vị giám định độc lập được Bộ TN-MT chỉ định tổ chức giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ kết quả giám định, phân tích chất lượng của các lô hàng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất và có sự tham gia của cơ quan hải quan trong quá trình kiểm tra, lấy mẫu.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN-MT phải bãi bỏ một số nội dung bất cập trong 2 Thông tư đã gây cản trở doanh nghiệp |
Đơn vị này chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ kết quả giám định, phân tích chất lượng của các lô hàng phế liệu nhập khẩu. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, giám định của đơn vị giám định, cơ quan hải quan thực hiện việc thông quan các lô hàng phế liệu nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ TN-MT ban hành Thông tư bãi bỏ những nội dung bất cập liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất tại Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT ngày 14-9-2018 của Bộ TN-MT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Thủ tướng ra hạn chót cho Bộ TN-MT hoàn thành công việc này để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trước 15-2 tới đây.
Trước đó vào ngày 29-1, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dẫn đầu đã kiểm tra thực tế tình hình nhập nhập khẩu các lô hàng phế liệu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất tại cảng Hải Phòng.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến ngày 25-1, tại các cảng biển trên toàn quốc tồn đọng hơn 24.000 container phế liệu đã nhập khẩu qua 90 ngày. Tại các cảng biển Hải Phòng có hơn 5.500 container tồn đọng, trong đó có nhiều container tồn đọng lâu ngày.
Sau khi kiểm tra tình hình tồn đọng phế liệu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng các bộ, ngành, đơn vị không bao biện, đổ lỗi trách nhiệm và cần tập trung, quyết liệt một cách mạnh mẽ nhất để tháo gỡ vướng mắc, sớm giải phóng lượng lớn container phế liệu đủ điều kiện nhập phục vụ các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Tác giả: Minh Chiến
Nguồn tin: Báo Người lao động