Trong nước

Thủ tướng xin lỗi việc đoàn xe công đi vào phố cổ Hội An

Nói về chuyện xây dựng bộ máy chính quyền gần dân, nỗ lực phục vụ người dân – doanh nghiệp khi chủ trì hội nghị về cải cách hành chính sáng nay, 17/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập chuyện đoàn xe tháp tùng ông đi vào đường cấm ở phố cổ Hội An vừa qua và nhận, khuyết điểm này có trách nhiệm của Thủ tướng…

Thủ tướng nhận trách nhiệm việc chưa quán xuyến tốt, để đoàn xe phục vụ đi vào đường cấm ở phố cổ Hội An.
Thủ tướng nhận trách nhiệm việc chưa quán xuyến tốt, để đoàn xe phục vụ đi vào đường cấm ở phố cổ Hội An.

Kết luận hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong bộ máy còn nhiều cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực; cơ chế chính sách, thủ tục hành chính còn thiếu minh bạch, chưa hoàn toàn công khai và đặc biệt là dân “kêu” còn nhiều.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu, cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính các cấp phải gần dân, tôn trọng và nỗ lực phục vụ nhân dân, phải thấm nhuần 3 xin là “xin chào, xin hỏi, xin cảm ơn”.

Dẫn chứng ngay từ chuyện đoàn xe công tháp tùng Thủ tướng chạy trong phố đi bộ ở Hội An (Quảng Nam) khi ông dự hội nghị ngành du lịch ngày 8/8 vừa qua, lãnh đạo cao nhất trong bộ máy hành chính nhà nước thẳng thắn nhận trách nhiệm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải thích thêm là khi ông đi bộ vào khu phố đi bộ cả cây số, ô tô đi phía sau đi vào đường cấm, ông không biết. Tuy nhiên, Thủ tướng vẫn nghiêm khắc nhìn nhận: “Ở đây phải thấy rằng trách nhiệm của Thủ tướng trong việc quán xuyến đoàn công tác chưa tốt và Thủ tướng phải xin lỗi người dân, mong người dân thông cảm”.

Nhấn mạnh một lần nữa tinh thần xây dựng Chính phủ liêm chính, “Chính phủ phục vụ chứ không phải Chính phủ hưởng thụ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu từ trung ương đến cơ sở phải vì lợi ích chung của đất nước, vì nhân dân, không vì lợi ịch nhóm hay bị chi phối bởi lợi ích nhóm. Hành động liêm chính phải đến từ chính các thành viên Chính phủ xuống tới cấp tỉnh, huyện, xã.

Người đứng đầu Chính phủ đòi hỏi, cán bộ phải nghiêm chuẩn tuân thủ pháp luật, dù bất cứ cương vị nào để có lòng tin của nhân dân. Lấy ví dụ từ việc Thủ tướng có ý kiến về vụ “quán Xin Chào”, Thủ tướng kể lại, có người hỏi ông tại sao việc nhỏ như vậy mà Thủ tướng cũng phải có ý kiến. “Tôi hỏi lại người đó là nếu khởi tố bố của anh thì nó là việc nhỏ hay việc lớn. Chính phủ phải quán xuyến cả việc lớn và việc nhỏ” – Thủ tướng bày tỏ.

Quán xuyến từ việc nhỏ nên theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc tiếp nhận ý kiến phản biện của người dân với cơ quan nhà nước phải thực hiện nghiêm túc vì đó là quyền của người dân. Ông giơ chiếc điện thoại của mình nói rõ, người dân vẫn nhắn tin phản ánh về sai phạm của cán bộ chỗ này, chỗ kia. “Tôi cầm chiếc điện thoại này, có bao nhiêu cán bộ nhũng nhiễu, người dân nhắn tin cho Thủ tướng hết, đừng tưởng tôi không biết” – người đứng đầu Chính phủ khẳng định.

Theo đó, Thủ tướng giải thích, lãnh đạo Chính phủ tiếp nhận, xử lý thông tin, thức đến 12 giờ đêm là bình thường vì thể chế còn phải sửa đổi nhiều, phải giảm cho được cơ chế “xin – cho”. Nhiều cán bộ, dù việc không có gì nhưng vẫn nhũng nhiễu, đòi người dân phải đến, gặp mặt trực tiếp mới giải quyết. Chuyện này là phi lý trong khi ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện Chính phủ điện tử là có thể giải quyết được việc cho người dân, doanh nghiệp.

Một chút quan liêu, tư tưởng nhũng nhiễu, như vậy, có thể làm mất cơ hội của nhiều người. Từ những sự việc, vấn đề cụ thể, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu thành lập tổ công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

“Vụ phá rừng Pơ mu Quảng Nam, Tân Kỳ Nghệ An, Lâm Đồng ai phải chịu trách nhiệm? Biết bao việc người dân mong chờ chúng ta phải hành động… Tôi phát biểu trước Quốc hội về việc chăm lo nhà vệ sinh ở trường học và đừng nghĩ đây là chuỵên nhỏ vì đây là việc thiết thực cho con em chúng ta. Việc nhỏ mấy mà thiết thực với con em thì phải làm đến cùng, làm cho tốt. Tôi hoan nghênh TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đã bắt tay vào việc này…” – Thủ tướng dẫn chứng một loạt ví dụ.

Thủ tướng yêu cầu mọi cán bộ phải là công bộc, phục vụ được dân hài lòng, biết lo cho dân vì người dân thiếu niềm tin thì đất nước khó yên bình.

P.Thảo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP