Trong nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8

Tại kỳ họp thứ 8 – Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 21-10, Quốc hội sẽ dành trọn 3 ngày để tiến hành chất vấn với các thành viên Chính phủ. Dự kiến, cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của các ĐBQH…

Ngày mai, 21-10, khai mạc kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIV

Theo chương trình dự kiến, sáng mai, 21-10, kỳ họp thứ 8 – Quốc hội khóa XIV sẽ chính thức khai mạc, kéo dài trong 28 ngày làm việc, bế mạc vào 27-11.

Là kỳ họp cuối năm 2019 - năm thứ tư của nhiệm kỳ, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ 8 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, xây dựng đất nước ngày càng đổi mới, phát triển nhanh, vững mạnh về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội.

Trong ngày khai mạc, Quốc hội dự kiến sẽ nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8;

Cùng đó, Quốc hội cũng sẽ nghe các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra từ các cơ quan của Quốc hội về: tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020; việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015; Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025...

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin đến báo chí về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 8

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp cuối năm, Quốc hội tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (17 ngày, chiếm tỉ lệ hơn 60% tổng thời gian của kỳ họp). Trong đó, Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua 13 dự án luật và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác.

Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (11 ngày); xem xét, quyết định công tác nhân sự.

Liên quan đến phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo thông lệ vào kỳ họp cuối năm Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chất vấn của các ĐBQH. Đặc biệt lần này phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ kéo dài 3 ngày để các ĐBQH hỏi và Bộ trưởng trả lời, tăng 0,5 ngày so với Kỳ họp thứ 7.

Một điểm nhấn, Kỳ họp thứ 8 sẽ chính thức áp dụng công nghệ thông tin. Đây là việc đã được thực hiện thí điểm tại Kỳ họp thứ 7 và nhận được phản hồi tốt từ các đại biểu Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội sẽ sử dụng triệt để công nghệ thông tin trong hoạt động của mình.

Theo đó, mỗi đại biểu sẽ được phát một Ipad đã được cài sẵn phần mềm nên rất thuận tiện trong việc xem tài liệu. Rút kinh nghiệm từ kỳ họp trước, phần mềm này đã được nâng cấp, hoàn chỉnh hơn đặc biệt trong việc cung cấp tài liệu tham khảo, trao đổi giữa các đại biểu...

Theo Tổng Thư ký Quốc hội: "Việc này đem lại hiệu quả rõ rệt, không còn cảnh một chồng tài liệu cao "quá đầu” đại biểu mà chỉ cần một chiếc Ipad nhỏ gọn. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn tiết kiệm rất nhiều thời gian”.

Tác giả: Duy Tiến

Nguồn tin: Báo An ninh thủ đô

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP