Giáo dục

Thứ trưởng Lê Quân: “Mất cân đối trong cơ cấu nhân lực - từ đào tạo đến tuyển dụng”

“Lao động có chuyên môn nghiệp vụ (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học) chỉ chiếm khoảng 21% lực lượng lao động. Nhu cầu lao động trình độ đại học thời gian qua tăng không nhiều, lao động nhân viên kỹ thuật nghề có nhu cầu lớn hơn."

“Trong khi tốc độ tăng đào tạo đại học trong 5 năm qua cao gần gấp đôi tốc độ tăng trình độ cao đẳng. Thực tế cơ cấu lao động hiện nay chúng ta có 1 đại học, 0,35 cao đẳng, 0,56 trung cấp và 0,38 sơ cấp. Với cơ cấu này, khi khớp nối với nhu cầu tuyển dụng, chúng ta có hiện tượng thừa thiếu lao động cục bộ”.

Đó là những chia sẻ Tiến sỹ Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với báo Dân trí bên lề Diễn đàn Phát triển Việt Nam năm 2017 với chủ đề “Tăng năng suất, đòn bẩy của tăng trưởng bền vững”.

Theo Thứ trưởng Lê Quân, với cơ cấu nhân lực nói trên thì việc xuất hiện tình trạng sử dụng nhân lực dưới trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Minh chứng cho việc này, Thứ trưởng Lê Quân cho hay, theo thống kê, hiện có khoảng 18.8% lao động đang được sử dụng dưới trình độ họ có. Nhiều lao động chấp nhận làm các công việc đơn giản hơn trình độ học vấn của mình. Thậm chí có đến 13,18% lao động có chuyên môn nghiệp vụ đang làm các công việc giản đơn.

Việc làm tạo ra những năm qua tuy nhiều, nhưng chưa có sự gia tăng về chất lượng. (Ảnh minh họa)

Tăng trưởng nhanh chưa gắn với tăng chất lượng việc làm

Thứ trưởng Lê Quân cho rằng, việc làm tạo ra những năm qua tuy nhiều, nhưng chưa có sự gia tăng về chất lượng. Ví dụ các khu vực kinh tế. Khu vực FDI tạo ra được hơn 1,6 triệu việc làm trong 3 năm qua, nhưng số lượng lao động tuyển dụng đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Khu vực nông nghiệp có nhiều thành tích tăng trưởng; một số lĩnh vực như thủy sản, trồng trọt năng suất lao động tăng cao nhưng cũng không tạo ra nhiều việc làm chất lượng.

Khu vực doanh nghiệp nhà nước những năm qua đứng trước bài toán hiệu quả và tái cấu trúc. Việc làm nhu cầu đại học đến từ khu vực này cũng không nhiều. Khu vực hành chính công gắn với tinh giảm bộ máy, biên chế nên cũng không có nhu cầu nhiều về lao động qua đào tạo trình độ đại học. Xuất khẩu lao động tăng nhanh. Nhu cầu xuất khẩu lao động hàng năm vượt trên 100.000 người; tập trung chủ yếu vào lao động qua đào tạo sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

Chất lượng việc làm không cao giai đoạn hiện nay sẽ trở thành thách thức lớn cho đất nước sau 10 đến 15 năm nữa. Thực tế, các ngành tạo việc làm nhiều những năm qua đến từ dệt may, da giầy, điện tử. Các tỉnh thành có thu ngân sách tăng nhanh đến từ các khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa... sẽ gặp những vấn đề lớn về sa thải lao động tuổi trung niên trong 10 năm tới.

Lao động tuổi trung niên, không có chuyên môn nghiệp vụ bị doanh nghiệp sa thải sẽ đặt ra nhiều vấn đề xã hội trong tương lai không xa.

Bức tranh chung về nhân lực đang có sự thay đổi

Thứ trưởng Lê Quân phân tích: Thực tế cho thấy nhân lực được đào tạo tốt, có chất lượng, có kỹ năng không thiếu cơ hội làm việc. Nhóm các trường đại học đào tạo tinh hoa, chất lượng cao, hay còn gọi là nhóm các trường đại học thuộc top trên, tỷ lệ sinh viên có việc làm cao. Sinh viên bước đầu năng động, thích ứng nhanh với nhu cầu tuyển dụng, có thể làm nhiều công việc khác nhau nhờ năng lực tự học nhanh, và đang có chuyển biến tốt về tinh thần khởi nghiệp.

Nhóm các trường cao đẳng, trung cấp khối ngành kỹ thuật thuộc quản lý nhà nước của Bộ Lao động TB&XH đã có những chuyển đổi thành công từ đào tạo theo bằng cấp bước sang đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp. Sinh viên các trường này không gặp phải các vấn đề việc làm cho người học. 45 trường cao đẳng nghề định hướng chất lượng cao được đầu tư theo Quyết định 761 của Thủ tướng Chính phủ hầu như không gặp khó khăn trong vấn đề việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.

TS Lê Quân - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Hoạt động xuất khẩu lao động cũng bước đầu tạo ra được sự khớp nối tốt giữa cung và cầu. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và các trường cao đẳng, trung cấp đã có sự khớp nối trong tuyển sinh và đào tạo theo đơn hàng.

“Bức tranh tuyển sinh tại rất nhiều địa phương 2017 cho thấy xu hướng chạy theo bằng cấp đã giảm mạnh. Tại rất nhiều địa phương, trong khi các trường nghề tuyển sinh rất tốt, đạt trên 200% so với cùng kỳ năm 2016, thì nhiều đại học địa phương không tuyển sinh được. Nhiều trường đại học được nâng cấp từ cao đẳng, nay đã quay lại chú trọng tuyển sinh và đào tạo trình độ cao đẳng” – Thứ trưởng Lê Quân nói.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Quân, để giải quyết bài toán mất cân đối trong cơ cấu nhân lực triệt để thì giải pháp gốc là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Giải pháp tiếp theo là luật hóa việc tuyển dụng nhân lực qua đào tạo, gia tăng tỷ lệ trích nộp vào quỹ việc làm (thất nghiệp) đối với doanh nghiệp sử dụng lao động không qua đào tạo, xây dựng chương trình việc làm tuổi trung niên để chuyển đổi nghề nghiệp cho công nhân trong đó chú trọng đào tạo nghề gắn với học tập suốt đời...

Ngoài ra, các địa phương cần để lại một phần quan trọng từ thu thuế tại các khu công nghiệp để đầu tư ngược lại về an sinh, xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp này. Ví dụ, tại Đồng Nai, mấy trăm ngàn công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp chính là đối tượng mang lại nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Họ cần được tỉnh quan tâm để có nhà ở, nhà trẻ, và được đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp trong tương lai.

Tác giả: Nguyễn Hùng (ghi)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP