Trước chuyến đi “thị sát” kiểm tra công tác chuẩn bị cho kì thi THPT ở một số địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã có cuộc trao đổi riêng dành cho báo Dân trí.
Đạt yêu cầu kiến thức cơ bản sẽ đỗ tốt nghiệp
Mặc dù kì thi đã đến rất gần nhưng hiện nay tâm lý của thí sinh cũng như phụ huynh vẫn chưa thực sự ổn định vì lo ngại đề thi sẽ khó dẫn đến cơ hội đỗ tốt nghiệp khó khăn hơn các năm trước. Thứ trưởng có chia sẻ như thế nào về sự lo lắng này?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Nhiều người có tâm lý cho rằng ở kì thi THPT quốc gia kết quả cũng là cơ sở căn cứ để xét tuyển vào ĐH, CĐ nên mức độ đề thi sẽ khó hơn với yêu cầu thi tốt nghiệp THPT hàng năm, đây cũng là chuyện bình thường.
Tuy nhiên, thực tế khi thiết kế đề thi thì Bộ GD-ĐT đã tính toán kỹ trong đó có phần để xét công nhận tốt nghiệp, phần này sẽ không khó hơn mọi năm. Phần thi ĐH thì cũng giống như mọi năm. Các em có điều kiện để làm những câu hỏi khó hơn nhằm phân hóa thí sinh, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Kiến thức cơ bản sẽ chiếm khoảng 60%, những câu hỏi yêu cầu kiến thức nâng cao, phân hóa chiếm khoảng 40%. Như vậy học sinh chỉ cần đạt được yêu cầu kiến thức cơ bản là đã thừa điểm để đỗ tốt nghiệp. Cho nên nếu học sinh học ở mức độ trung bình, có sự cố gắng nhất định trong ôn thi thì các em hoàn toàn yên tâm sẽ đỗ được tốt nghiệp, còn nếu muốn đỗ vào các trường ĐH, CĐ thì tất nhiên phải cố gắng cao hơn, năng lực cao hơn.
Thí sinh cần loại bỏ yếu tố gây “nhiễu”
Một trong những yếu tố đảm bảo cho kì thi nghiêm túc đó là công tác thanh tra. Với việc hình thành hai cụm thi thì liệu có sự khác biệt trong khâu này hay không?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tất cả các cụm thi dù do trường ĐH chủ trì hay Sở GD-ĐT chủ trì thì đều thực hiện một quy chế chung, có đề chung, cơ chế thanh tra, kiểm tra đều chung. Ở hai cụm thi này đều có giáo viên, cán bộ của trường ĐH, Sở GD-ĐT tham gia. Công tác coi thi, chấm thi được chỉ đạo thống nhất.
Việc Bộ GD-ĐT chia ra hai cụm chỉ để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp không phải đi xa chứ không có ý gì khác nhau về chuyên môn giữa lại loại cụm thi này.
Hàng năm, cứ trước thềm kì thi lại xuất hiện các thông tin gây “nhiễu” như lộ đề thi. Vậy Bộ GD-ĐT sẽ có biện pháp gì để xử lý những thông tin gây “nhiễu” tránh gây tâm lý không tốt với thí sinh?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Hiện nay với việc mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh đề việc giám sát, xử lý các thông tin gây “nhiễu” không phải là đơn giản. Bộ GD-ĐT cũng đã có trao đổi phối hợp với các lực lượng an ninh để hạn chế tối đa nhất sự gây “nhiễu” này, tránh việc gây tâm lý không tốt cho thí sinh. Những trường hợp cố tình gây “nhiễu” khi bị phát hiện sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy chế thi, quy định của pháp luật.
Như chúng ta đã biết, năm nào cũng có thông tin lộ đề, nhưng thực tiễn những năm qua cho thấy quy trình làm đề cách ly và có 3 vòng. Từng vòng đều có các đồng chí lực lượng an ninh giám sát nên việc lộ đề là không thể xảy ra. Quy trình này giúp cho việc thực hiện quy chế được tốt hơn đảm bảo bí mật đề thi.
Năm nay, quy chế thi THPT quốc gia cũng quy định: Chỉ có Ban Chỉ đạo thi quốc gia mới có thẩm quyền kết luận về tình huống lộ đề thi. Khi đề thi chính thức bị lộ, Ban Chỉ đạo thi quốc gia quyết định đình chỉ môn thi bị lộ đề. Các môn thi khác vẫn tiếp tục bình thường theo lịch. Môn thi bị lộ đề sẽ được thi bằng đề thi dự bị vào thời gian thích hợp, sau buổi thi cuối cùng của kỳ thi. Các trường hợp bất thường đều phải được báo cáo về Ban Chỉ đạo thi các cấp và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT để xem xét, quyết định
Quy định này nhằm loại bỏ những thông tin gây “nhiễu” về lộ đề thi và thí sinh chỉ nên nắm bắt thông tin chính xác nhất từ Ban chỉ đạo thi quốc gia.
Đừng mong gian lận ở kì thi
Năm nay kì thi THPT quốc gia hướng tới hai mục đích nên rất dễ dẫn đến việc sẽ có hiện tượng thi hộ, thi kèm…, Bộ GD-ĐT đã có phương án “tác chiến” như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Quy chế kì thi THPT quốc gia quy định việc xử lý rất nghiêm đối với thí sinh thi kèm, thi hộ. Thí sinh cũng cần quán triệt kỹ rằng việc phát hiện gian lận trong thi cử không phải chỉ thực hiện trong quá trình thi mà còn cả trong quá trình học, thậm chí sau khi thí sinh tốt nghiệp đã được cấp bằng, nếu có chứng cứ vi phạm quy chế thi thì thí sinh vẫn bị xử lý như thường. Vì vậy thí sinh phải ý thức được điều này để tự giác chấp hành quy chế thi, đừng bao giờ nghĩ đến việc thi kèm, thi hộ hay các hình thức gian lận trong thi cử khác.
Để ngăn chặn các hành vi thi hộ thì quy chế năm nay rất chặt chẽ. Cụ thể, khi cán bộ coi thi (CBCT) thứ nhất gọi thí sinh vào phòng thi, CBCT thứ hai kiểm tra các vật dụng thí sinh mang vào phòng thi, hướng dẫn thí sinh ngồi đúng chỗ quy định, sử dụng thẻ dự thi, giấy chứng minh nhân dân để đối chiếu, nhận diện thí sinh.
Khi thí sinh bắt đầu làm bài, CBCT thứ nhất kiểm tra đối chiếu ảnh trong thẻ dự thi với thí sinh để nhận diện một lần nữa. Nếu phát hiện có điều gì nghi vấn phải báo cho cán bộ giám sát phòng thi để cán bộ giám sát phòng thi báo cáo với Ban phụ trách điểm thi để xử lý.
Như vậy, việc kiểm tra đối chiếu thí sinh với thẻ dự thi được cán bộ coi thi thực hiện hai lần.
Bên cạnh đó, những trường hợp nghi ngờ phải báo phụ trách điểm thi để xác minh làm rõ và xử lý. Khi bố trí thí sinh trong phòng thi, nếu thấy những số báo danh nghi ngờ thì giám thị bố trí những thí sinh liên quan ngồi lệch xa để tránh thi kèm.
Ngoài ra, ở kì thi THPT quốc gia năm nay, trong công nghệ quản lý, đặc biệt là quản lý cơ sở dữ liệu khác rất nhiều so với mọi năm. Trên một cơ sở dữ liệu dùng chung nên mỗi một thí sinh là duy nhất, bất kì thí sinh nào có sự thay đổi thì phần mềm sẽ phát hiện ngay. Ví dụ một thí sinh nộp hai hồ sơ mà có mặt ở hai điểm thi khác nhau thì phần mềm sẽ ngay lập tức phát hiện. Trong thức tế, ở phần đăng ký vừa qua thì phần mềm đã phát hiện được và đang trong quá trình xử lý. Chính vì thế tôi khuyên thí sinh có ý định thi hộ hãy dập tắt ngay trước khi bước vào kì thi.
Hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện một số phương tiện kỹ thuật có khả năng lưu trữ, xem thông tin dữ liệu với hình dạng như đồng hồ đeo tay, máy tính… rất khó phát hiện. Bộ GD-ĐT đã có biện pháp nào để phòng ngừa tình trạng này?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Những phương tiện nghe nhìn, truyền tin công nghệ cao cũng đã xuất hiện từ những năm trước. Bộ đã nhắc nhở các hội đồng thi tăng cường tập huấn giám thị để phát hiện những thiết bị lạ, quan sát những động tác bất bình thường của thí sinh trong quá trình làm bài thi.
Quy chế cho phép thí sinh mang các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin, không phát âm, phát hình trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác để chống tiêu cực. Nếu thí sinh lợi dụng chống tiêu cực để tiêu cực, mang những thiết bị công nghệ cao để gian lận khi làm bài nếu bị phát hiện sẽ bị đình chỉ thi. Vai trò của giám thị trong phòng thi rất quan trọng. Những thiết bị công nghệ cao rất đa dạng nên nếu giám thị phát hiện thí sinh mang những thiết bị nghi ngờ mà tự mình không nhận dạng được thì báo cho điểm thi để xử lý.
Sắp bước vào kì thi THPT quốc gia, Thứ trưởng có nhắn nhủ gì đến các em thí sinh?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Năm nay thí sinh đã có sự cố gắng đặc biệt đối với hình thức thi mới nên tôi tin tưởng kết quả của các em sẽ tốt. Các em cố gắng bình tĩnh thi, loại bỏ những vi phạm không đáng có như mang điện thoại vào phòng thi, mang tài liệu vào phòng thi… Sắp tới kì thi, thậm chí là trong kì thi thì cố gắng đảm bảo về mặt sức khỏe cũng như an toàn để có thi trọn vẹn kì thi theo đúng năng lực, sở trường của mình.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Nguyễn Hùng (thực hiện)