Tuổi trẻ Hà Tĩnh

Thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương

Nhìn mô hình trang trại của của anh Nguyễn Sỹ Khánh và một số hộ gia đình tại Thôn Trung Sơn và Thôn Nhân Phong, xã Gia Hanh ít ai có thể hình dung được, trước đây cả vùng đất này lại là một cánh đồng hoang, đầm lầy, quanh năm chỉ có bóng dáng những cây mắt mèo khẳng khiu.

Cách đây khoảng chừng 5 năm về trước, cánh đồng Úng Thuỷ của xóm 5 xã Gia Hanh – Can Lộc – Hà Tĩnh là một bãi hoang hoá, đầm lầy, úng ngập quanh năm chỉ có bóng dáng những cây mắt mèo khẳng khiu chẳng có ai “thèm ngó”. Trong khi chính quyền xóm đang lúng túng chưa biết giải quyết như thế nào thì năm 2007, Huyện uỷ Can Lộc có chủ trương chuyển đổi ruộng đất ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn. Từ chủ trương này, xã Gia Hanh đã chủ động xây dựng đề án, quy hoạch chuyển mục đích sử dụng đất cho các hộ gia đình đấu thầu xây dựng mô hình kinh tế trang trại. Theo đó, nhiều mô hình kinh tế trang trại đã được hình thành với các mô hình chăn nuôi Gia súc, gia cầm và một số giống cá thương phẩm cho năng suất cao. Có những lúc đàn Thuỷ cầm của một số hộ gia đình lên đến 5000 con, cho thu nhập lãi ròng từ việc bán trứng khoảng 2 triệu đồng/ngày, không kể một năm thu hoạch 2 vụ cá, lợn thịt, lợn nái…Mô hình trang trại của vợ chồng anh Nguyễn Sỹ Khánh và chị Nguyễn Thị Lê tại thôn Bắc Trung Sơn là một trong số những mô hình tiêu biểu cho ý chí, nghị lực của những con người nơi đây. Một ngày chủ nhật tới thăm trang trại của vợ chồng anh, chúng tôi thật sự ngạc nhiên trước những thành quả mà vợ chồng anh đã làm được. Cả một khuôn viên 2 ha được anh quy hoạch rất hệ thống của một mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp.

Mô hình nuôi lợn của gia đình anh Khánh – xã Gia Hanh
Tốt nghiệp THPT, biết bao dự định, ước mơ được ấp ủ trong lòng chàng trai trẻ nhưng với niềm đam mê làm kinh tế, mong muốn góp một phần sức lực của mình vào sự phát triển của mảnh đất Gia Hanh sỏi đá, anh đã chọn cho mình một lối đi riêng: làm giàu ngay chính mảnh đất Gia Hanh – mảnh đất sỏi đá. Trao đổi với anh, chúng tôi hiểu rằng, để có được “hoa thơm, quả ngọt” như ngày hôm nay, vợ chồng anh đã trải qua muôn vàn khó khăn. Anh Khánh cho biết: Những năm đầu vợ chồng anh rất vất vả, mọi thứ bắt đầu từ con số không: Nguồn vốn hạn hẹp, kĩ thuật chưa có. Nhưng rồi với quyết tâm, có kế họach cụ thể, bước đầu tháo gỡ được thế bế tắc về nguồn vốn. Vậy là anh bắt tay vào xây dựng hệ thống trang trại và đưa vào nuôi một số gia súc, thủy cầm. Nhưng trời chẳng chiều người, xây dựng chuồng trại còn dang dở, bờ bao chưa có, trận lũ lịch sử vào tháng 10 năm 2010, đã gây thiệt hại cho gia đình anh đến hàng trăm triệu đồng. Trước hoàn cảnh đó, vợ chồng anh tưởng chừng không thể vực dậy được nhưng rồi quyết tâm, không cam lòng vì những mất mát do thiên tai gây ra, đồng thời, nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của địa phương hỗ trợ con giống, kinh phí, ngày công để khắc phục hậu quả của cơn lũ nên khó khăn từng bước được khắc phục. Sau những cố gắng của bản thân và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đến nay anh đã có một tư cơ nhiều người mơ ước với: 600 con vịt lấy trứng; 650 con vịt thịt; 100 con lợn thịt, 17 con lợn nái và khoảng 4,5 tấn cá chưa thu hoạch. Theo như anh nói, thu nhập hàng tháng của gia đình anh khoảng 35 triệu đồng, có tháng lên tới 40 triệu đồng. Tạo việc làm cho bốn thanh niên với thu nhập từ 3 đến 4 triều đồng/ tháng.

Trứng thành phẩm được thương lái thu mua
Những thành quả hai vợ chồng anh Khánh đạt được hôm nay chính là minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần, nghị lực của tuổi trẻ mong muốn thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu trên chính quê hương của mình. Tháng 11/2012, anh vinh dự là một trong 300 nhà nông trẻ nhận giải thưởng Lương Định Của trên toàn quốc. Anh Khánh còn cho biết thêm, dự định của gia đình anh trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, đưa các giống ngoại vào sản xuất, mở rộng khuôn viên trang trại, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào một số khâu trong chăn nuôi, sản xuất. Song hiện nay, khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn. Các chính sách, chương trình hỗ trợ vay vốn kinh doanh; sự tạo điều kiện giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể mà trước hết là tổ chức đoàn TNCS Hồ Chí Minh chính là động lực để nhân rộng các mô hình kinh tế của Thanh niên.
Trần Bảo Ngọc – Huyện đoàn Can Lộc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP