15h52’, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời câu hỏi của đại biểu Thuyền về việc xây dựng nền kinh tế độc lập Việt Nam. Ông Phúc khẳng định hiện tại nền kinh tế Việt Nam không phụ thuộc bất cứ nước nào. “Tôi có đầy đủ tài liệu, căn cứ chứng minh. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong một thế giới phẳng chắc không có nền kinh tế nào độc lập một cách hoàn toàn” – ông Phúc nói.
Việt Nam đang có thế mạnh thu hút đầu tư nên thời gian tới cần phát huy ưu thế này để thúc đẩy phát triển kinh tế. Để đảm bảo đủ hấp thu nguồn vốn đầu tư nước ngoài, ông Phúc nhấn mạnh vấn đề thị trường. Cụ thể, Việt nam chủ trương mở rộng đa dạng hóa thị trường, cả nhập khẩu và xuất khẩu.
Việt Nam có 6 hiệp định thương mại tự do lớn, cả đơn phương và đa phương, đặc biệt là hiệp định với các nước ASEAN, nước lớn. Dự kiến 2015 Việt Nam có 16 AFTA với 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, mở ra không gian lớn cho thương mại phát triển. Tất nhiên Việt Nam vẫn có chủ trương giữ quan hệ làm ăn hợp tác với Trung Quốc thông qua các hoạt động quan hệ đa phương và song phương với tinh thần 2 bên cùng có lợi.
15h20’ Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu nội dung trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được đại biểu chất vấn về việc làm sao để thoát sự phụ thuộc kinh tế vào người láng giếng xấu bụng (Ảnh: Việt Hưng) Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt vấn đề nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc vào người láng giềng to người nhưng xấu bụng. Những xung đột xảy ra đặt ra yêu cầu làm sao phải thoát bóng của người hàng xóm này, tránh lệ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào.
Trước tình hình Biển Đông, Trung Quốc đặt giàn khoan, một số phần tử đã lợi dụng kích động gây rối. Ông Thuyền muốn biết Chính phủ có giải pháp gì lấy lại lòng tin của nhà đầu tư.
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) nêu, nhận định trong báo cáo của Chính phủ về tình hình an ninh trật tự xã hội chưa thể an tâm, tham nhũng chưa thể đẩy lùi. Đây là những hiện thực gây bức xúc, bất an trong nhân dân. Là Phó Thủ tướng phụ trách những lĩnh vực trọng chốt này, Phó Thủ tướng có giải pháp gì để củng cố lòng tin trong nhân dân.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) bày tỏ sự tán thành với chiến lược đấu tranh với Trung Quốc của Chính phủ. Cờ tổ quốc đang tung bay khắp thế giới, thể hiện chính nghĩa của Việt Nam. Đại biểu cho rằng đó là may mắn của quốc gia trong đại họa, là cơ hội trong thách thức. Đại biểu yêu cầu Phó Thủ tướng trình bày giải pháp để biến thách thức thành cơ hội như nhiều ý kiến đề cập.
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) bày tỏ đồng tình về phần báo cáo của Phó Thủ tướng về tình hình Biển Đông và chính sách với ngư dân. Tuy nhiên, ông Lịch lo không điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế nhưng điều chỉnh một số nội dung thu chi như chính sách 16.000 tỷ đồng. Ông Lịch đặt câu hỏi, Chính phủ có chiến lược gì đột phá hơn để thoát cảnh lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu, công nghệ từ Trung Quốc, để tự cường về kinh tế.
Đại biểu Trần Du Lịch đồng tình về phần báo cáo của Phó Thủ tướng về tình hình Biển Đông (Ảnh: Việt Hưng) Đề cập đến khối DNNN với chương trình tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh, ông Lịch cho rằng nguồn vốn rót vào khu vực này quá lớn. Nếu cổ phần hóa mà không có kế hoạch sử dụng nguồn tiền đến 600.000 tỷ đồng này thì quá lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng. Ông Lịch băn khoăn, không biết Chính phủ có dự định chuyển nguồn sang dùng cho đầu tư ngư dân không?
Trước đó, mở đầu phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong kỳ họp này, đã có 185 phiếu chất vấn của các Đại biểu được gửi tới các thành viên Chính phủ. Các câu hỏi chất vấn đang được giao cho các thành viên Chính phủ trả lời đại biểu bằng văn bản. Tiếp đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2014.
Phần sau của báo cáo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày về tình hình biển Đông và biện pháp ứng phó.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày về tình hình biển Đông và biện pháp ứng phó. (Ảnh: Việt Hưng) ...
Điểm lại sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan từ đầu tháng 5/2014 trong vùng biển Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cả nước đã đồng lòng đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Thủ tướng nguyễn Tấn Dũng đã có nhiều phát biểu khẳng định quan điểm chủ trương của Việt Nam. Việt Nam đã có nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc để yêu cầu nước này tôn trọng chủ quyền, rút ngay giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam.
Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng chân thành cảm ơn sự ủng hộ của nhân dân, bạn bè khắp nơi trên thế giới đã lên tiếng phản đối hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình và an ninh chung trên Biển Đông và toàn khu vực của Trung Quốc.
Về sự việc một số người quá khích đập phá doanh nghiệp, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ đã nỗ lực hỗ trợ các DN khắc phục hậu quả, trở lại hoạt động. Đến nay, tất cả các DN đã khôi phục sản xuất. Chính phủ Việt Nam đã công bố việc đảm bảo môi trường an toàn, ổn định cho nhà đầu tư.
Nhà nước cũng tăng cường cho năng lực thực thi pháp luật trên biển của lực lượng chấp pháp, hỗ trợ ngư dân trong hoạt động nghề cá và khẳng định chủ quyền đối với biển đảo của Việt Nam.
Tình hình thực tế đặt ra yêu cầu đối với Việt Nam phải mở rộng hội nhập quốc tế, đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc vào một thị trường nhất định.
Đề cập đến chính sách hỗ trợ ngư dân, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, 1 triệu ngư dân đã được hỗ trợ để tiếp tục hiện diện trên biển. Chính phủ thực hiện hiện đại hóa, đóng mới tàu vỏ thép, có chính sách bảo hiểm với tàu, tài sản, tính mạng của ngư dân trên biển. Gói tín dụng 10.000 tỷ đồng đã được thống nhất triển khai.
Ngoài ra, Quốc hội cũng quyết định khoản chi ngân sách 16.000 tỷ đồng trang bị cho Cảnh sát biển, Kiểm ngư và ngư dân để bảo vệ chủ quyền của quốc gia trên biển. “Các chính sách đã hỗ trợ trực tiếp và hiệu quả để ngư dân bám biển” – Phó Thủ tướng chốt lại.
Phương Thảo
Ảnh: Việt Hưng