TX Hồng Lĩnh

Thị xã Hồng Lĩnh sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII)

Thị xã Hồng Lĩnh là nơi hội tụ nhiều vĩa tầng văn hóa của miền đất huyền thoại núi Hồng, đây cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh, cùng nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá Hồng Lam.

Cũng như tất cả các địa phương khác trong toàn tỉnh, từ năm 1998 Thị xã Hồng Lĩnh tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung uơng Đảng (khóa VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh (khóa XIV) về xây dựng và phát triển văn hoá Hà Tĩnh.

Xác định được tầm quan trọng của Nghị quyết TW5 khoá VIII, cấp ủy, chính quyền Thị xã đã triển khai tuyên truyền, quán triệt, học tập sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trên cơ sở 5 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ cụ thể và 4 nhóm giải pháp lớn. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã cụ thể hóa thành những tiêu chí phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó nhóm giải pháp mở cuộc vận động giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo một luồng sinh khí mới góp phần làm chuyển biến đời sống vật chất, tinh thần của quần chúng nhân dân.Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh (khóa XIV), đặc biệt với những kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ Thị xã khóa III về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục xây dựng và phát triển văn hoá Hồng Lĩnh trong những năm tới”, Thị xã Hồng Lĩnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới mà cốt lõi là lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm chuẩn mực để giáo dục đạo đức, lối sống, tinh thần yêu nước và lòng tự cường dân tộc, đây là nhiệm vụ hàng đầu nhưng có tính thường xuyên, liên tục, nhằm mục tiêu tất cả vì con người nên đã khơi dậy và phát huy được truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn. Trong những năm qua đã xuất hiện nhiều nhân tố mới, những tấm gương điển hình, tiêu biểu trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, tạo ra hiệu ứng tích cực trong việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.Từ nhận thức văn hoá vừa là mục tiêu, vừa là động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội nên đã huy động được mọi tầng lớp nhân dân, cả hệ thống chính trị và toàn thể xã hội tích cực tham gia. Việc xây dựng môi trường văn hoá mà trọng tâm là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có sức lan tỏa mạnh mẽ và thực sự trở thành nhu cầu sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Trong những năm qua phong trào xây dựng gia đình văn hoá, thôn, xóm, tổ dân phố và cơ quan, đơn vị văn hoá được phát triển rộng khắp, danh hiệu “văn hoá” đã trở thành niềm vinh dự, tự hào của các gia đình, cộng đồng dân cư, và các cơ quan đơn vị. So với năm 1998, chỉ có 72% các hộ gia đình đạt tiêu chuẩn GĐVH thì đến nay đã có 83% hộ gia đình đạt danh hiệu GĐVH; hàng năm 100% các cơ quan đơn vị, trường học và thôn, xóm, khối phố của các phường, xã đều được phát động và đăng ký xây dựng đơn vị văn hoá. Đến nay, toàn thị xã có 29 cơ quan, đơn vị, trường học và 4/6 phường xã được công nhận đạt chuẩn văn hoá. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, theo Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị và gần đây là Chỉ thị 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được thực hiện khá nghiêm túc và có những chuyển biến tích cực, hoạt động lễ hội được tổ chức đúng nghi lễ theo quy định, phù hợp với phong tục tập quán của địa phương, các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang và lễ hội đang dần được xóa bỏ; thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ được giữ gìn và phát huy, tình làng nghĩa xóm ngày càng được vun đắp góp phần ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội; công tác xây dựng kết cấu hạ tầng, môi trường, cảnh quan sạch, đẹp được nhân dân tích cực hưởng ứng, phát huy bằng nội lực để thực hiện. Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp từ phường, xã đến các thôn, tổ dân phố, hiện nay toàn thị xã có 67 đội văn nghệ, 7 đội thông tin lưu động, 32 câu lạc bộ VHVN đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hoá của nhân dân. Hàng năm, Thị xã duy trì tổ chức các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng thu hút các phường, xã và các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tham gia. Hoạt động Thể dục – Thể thao gắn với phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” không ngừng phát triển, với 42 câu lạc bộ thể thao, số người tập luyện thường xuyên đạt 33%; số gia đình thể thao đạt 28%. Với tiềm năng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khá phong phú và đa dạng, Thị xã có 3 di tích (danh thắng và lịch sử – văn hoá) cấp quốc gia, 10 di tích lịch sử – văn hoá cấp tỉnh và hàng chục đền, chùa, miếu mạo cùng với nhiều lễ hội truyền thống trên địa bàn đã làm nên một trầm tích văn hoá đặc sắc của mãnh đất núi Hồng, sông Lam. Vì thế, công tác bảo tồn và phát huy các di tích, lễ hội văn hoá truyền thống và khôi phục các làn điệu dân ca trong nhiều năm qua đang được toàn xã hội quan tâm.Hoạt động sáng tác Văn học – nghệ thuật có bước phát triển tiến bộ, nhiều tác phẩm VHNT có giá trị được xuất bản và phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Sự nghiệp giáo dục – đào tạo, đã có nhiều đổi mới, chất lượng giáo dục đáp ứng với yêu cầu phát triển của từng thời kỳ; khoa học – công nghệ được triển khai tích cực và ứng dụng rộng rải, có hiệu quả trên một số lĩnh vực. Hệ thống thông tin đại chúng hoạt động có chất lượng, ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực, đài Truyền thanh – Truyền hình Thị xã và hệ thống truyền thanh cơ sở; Thư viện, trang Thông tin điện tử và bản tin nội bộ của Thị xã đáp ứng nhu cầu của khán, thính giả và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn.Về thực hiện chính sách văn hóa đối với tôn giáo được các cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu các thiết chế văn hoá cho vùng đồng bào có đạo. Các hoạt động giao lưu, gắn các lễ hội truyền thống với văn hoá tâm linh để quảng bá, phát triển du lịch và giới thiệu văn hoá của Hồng Lĩnh đến với bạn bè quốc tế; đồng thời tiếp cận những giá trị văn hóa của các nước trong khu vực, góp phần tăng cường quan mối quan hệ mở rộng hợp tác quốc tế về vǎn hóa.Công tác đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa trên địa bàn như: quy hoạch khu công viên trung tâm 7,5ha, xây dựng Nhà văn hoá Thị xã quy mô 600 chổ ngồi và nhiều công trình văn hoá có ý nghĩa đã được quan tâm, ngoài ra Thị xã đã có chính sách hỗ trợ để xây dựng các thiết chế văn hoá cơ sở như hội quán, nhà văn hoá, sân thể thao… Toàn Thị xã hiện nay có 89,5% nhà văn hoá thôn, xóm, tổ dân phố đã được xây dựng; có trên 200 sân tập luyện thể thao các loại đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hoá và thể dục, thể thao trên địa bàn.Những kết quả đạt được trong 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) và Nghị quyết 11-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh (khoá XIV) là rất đáng trân trọng, ghi nhận, việc xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn Hồng Lĩnh đã làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ mọi mặt hoạt động của đời sống chính trị, KT-VHXH, là nền tảng và động lực quan trọng để Thị xã Hồng Lĩnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW5 (khóa VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” trong thời gian tới lên một tầm cao mới; để văn hoá thực sự khẳng định vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của Thị xã Hồng Lĩnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế./. HOÀNG THẾ HÙNG Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy

Hồng Lĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP