Xe

Thị trường ô tô cận Tết: Kẻ khóc người cười

Tâm lý mong muốn sắm ôtô chơi Tết khiến người tiêu dùng lâm vào thế bị động. Điều này cộng hưởng với nguồn hàng khan hiếm đối với những mẫu xe hút khách là cơ sở để các đại lý, showroom có nhiều chiêu bài để tối đa hóa lợi nhuận.

Xe nhập khan hàng, xe lắp ráp bị đội giá

Còn nhớ, vào những ngày cuối cùng của năm 2017, số lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam có sự tăng đột biến, một số dòng xe tăng tới 300%. Chỉ tính từ ngày 1 tới 15/12/2017, kim ngạch nhập khẩu đối với các dòng xe nguyên chiếc đạt 7.048 chiếc. Trong đó, số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi chiếm 991 chiếc, tăng 300% so với nửa đầu tháng 11/2017 (có 325 chiếc). Nguyên nhân được đánh giá là do các đơn vị nhập khẩu “chạy đua” để né thời điểm Nghị định 116 có hiệu lực thi hành chính thức (1/1/2018), gom hàng chờ bán Tết.

Bước sang nửa đầu tháng 1/2018, số lượng chính thức từ tổng cục Hải quan cho thấy chỉ có 6 chiếc ô tô dưới 9 chỗ được nhập về. Trong số đó, theo nguồn tin của PV, đa phần là xe nhập theo diện ngoại giao và diện khác, tuyệt nhiên không có xe nhập theo diện thương mại. Con số khiến nhiều người sốc nhưng cũng thể hiện được phần nào vướng mắc của các doanh nghiệp ô tô thời điểm này. Đồng thời cũng khiến nhiều người không khỏi lo lắng về những biến động giá xe thời điểm cận Tết.

Trong nửa đầu tháng 1/2018, cả nước chỉ có 6 xe dưới 9 chỗ ngồi được nhập khẩu.

Mối lo ngại này không phải không có căn cứ khi mà ngay từ những ngày đầu năm 2018, Honda Việt Nam đã ra thông báo chính thức về giá bán của mẫu Honda CR-V mới cho khách hàng. Tuy nhiên, trái với mong đợi của người dùng, thay vì được giảm giá khi thuế suất nhập khẩu về 0%, giá Honda CR-V lại tăng tới hàng trăm triệu đồng do “nhập khẩu vào cuối năm 2017 nên không được áp dụng thuế nhập khẩu 0%”. Bản cao cấp nhất được bán với giá 1,256 tỷ đồng, cao hơn mức dự kiến trước đó tới 150 triệu đồng. Chưa hết, với số lượng xe về chỉ giới hạn 750 chiếc, những khách hàng có nhu cầu thực sự còn phải “ngậm đắng nuốt cay” chi trả thêm từ 50-70 triệu đồng để mua phụ kiện đi kèm. Tình trạng này không chỉ riêng với Honda CR-V mà với nhiều dòng xe nhập khẩu của các hãng khác nhau cũng diễn ra tương tự.

Điển hình như việc mua một chiếc Toyota Fortuner, số tiền chênh lệch mà các đại lý tự ý “hét” đã lên tới 100-300 triệu đồng. Nguyên nhân vẫn là điệp khúc muôn thưở “hết xe, khan hàng”.

Không chỉ thị trường xe nhập mà thị trường xe lắp ráp trong nước, xe cũ cũng có hiện tượng bị đội giá lên khá nhiều. Theo đó, khi giá xe nhập bị đẩy lên cao, thậm chí không có hàng để bán thì người tiêu dùng gần như mất đi sự lựa chọn, phải “ngậm đắng” mua xe cũ hoặc xe nội dùng tạm.

Với xe lắp ráp trong nước, một số mẫu “hot” như Mazda CX-5 của Thaco Trường Hải cũng tăng nhẹ từ 10-30 triệu đồng. Còn xe cũ, theo chia sẻ của một số showroom trên đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy (Hà Nội) thì thậm chí không có để bán. Những mẫu xe giá rẻ đội giá lên một đôi chục triệu là chuyện bình thường, thậm chí những mẫu xe sang, có mẫu đội lên tới cả trăm triệu đồng.

“Tâm lý mong muốn sắm ô tô chơi Tết khiến người tiêu dùng lâm vào thế bị động. Điều này cộng hưởng với nguồn hàng khan hiếm đối với những mẫu xe hút khách là cơ sở để các đại lý, showroom có nhiều chiêu bài để tối đa hóa lợi nhuận”, một chuyên gia am hiểu thị trường ô tô trong nước chua chát nhìn nhận.

Giá xe Honda CR-V 2018 cao hơn dự kiến tới trăm triệu đồng lại còn bị các đại lý “thổi” lên hàng chục triệu đồng tiền phụ kiện.

Có hay không việc các “ông lớn” đồng loạt “dỗi”?

Theo tờ Nikkei Asian Review, ngày 16/1, cả Honda và Toyota đều đưa ra thông báo tạm dừng xuất khẩu ô tô sang Việt Nam. Tiếp đó lần lượt là Ford, Nissan, Mitsubishi. Động thái này được nhiều chuyên gia nhìn nhận là động thái “làm mình làm mẩy” của các ông lớn sản xuất ô tô nhằm phản ứng lại các quy định của Nghị định 116.

Tuy nhiên, trên thực tế, cho dù các “ông lớn” này có không “dỗi hờn” thì việc nhập khẩu xe vào Việt Nam trong những ngày đầu 2018 cũng không mấy sáng sủa. Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban Chính sách hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, ngay từ thời điểm ban hành Nghị định 116, hàng loạt các doanh nghiệp nhập khẩu đã hủy bỏ các đơn đặt hàng với nhà sản xuất ở nước ngoài do chưa thể xoay kịp các giấy tờ cần thiết. Thậm chí, VAMA cũng đã nhiều lần gửi kiến nghị lên Chính phủ đề nghị hoãn thời hạn thi hành của Nghị định trong vòng 6 tháng, tuy nhiên lời đề nghị này đều chưa được phản hồi. Ông Tuấn cũng bày tỏ sự quan ngại về sự bất ổn thị trường cuối năm khi mà việc “siết” xe nhập bị đẩy lên quá mức.

Trao đổi với PV, đại diện của Toyota Việt Nam cũng thừa nhận việc tạm dừng các lô hàng nhập khẩu mới trong thời điểm này do những vướng mắc của Nghị định 116. Còn đại diện từ phía Ford Việt Nam thì có những chia sẻ cụ thể hơn. Theo đó, không chỉ Ford mà cả các doanh nghiệp nhập khẩu nói chung đều vướng phải 2 điều kiện tiên quyết là giấy chứng nhận về kiểu loại của nước ngoài và yêu cầu phải kiểm tra xe theo lô. Đặc biệt là việc yêu cầu kiểm tra theo lô sẽ gây lãng phí rất lớn vì công suất kiểm nghiệm, thử nghiệm của Việt Nam còn rất hạn chế. “Nếu tính trung bình, để kiểm định một mẫu xe hết khoảng gần 2 tháng với chi phí 10.000 USD. Tính trung bình 17 thành viên của VAMA, mỗi thành viên chỉ nhập khoảng 1-2 mẫu xe trong 1-2 tháng thì thời gian giải quyết sẽ lên tới hơn 400 ngày”, đại diện Ford lý giải. Đó cũng là nguyên nhân vì sao, từ 1/1/2018, thuế nhập khẩu xe sẽ về 0% nhưng không có xe thương mại nào được nhập về.

Hiện, Ford Việt Nam cũng mới được cấp giấy phép được nhập khẩu. Tuy nhiên, với giấy phép này thôi cũng chưa đủ điều kiện để hãng có thể nhập xe về trong thời gian tới. Đơn vị này bày tỏ mối quan ngại, thời gian tới đây sẽ không có thêm đơn đặt hàng sản xuất cho khách trong quý I, thậm chí cả quý II/2018.

Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó với Nghị định 116

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch công ty luật BASICO thì ngay trước thời điểm Nghị định 116 ra đời, nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng mong muốn điều chỉnh các quy định của Thông tư 20 về nhập khẩu xe. Tuy nhiên, với những điều chỉnh ở Nghị định 116 mới đây, lại có những điều khoản tiếp tục làm khó các doanh nghiệp nhập khẩu, ảnh hưởng không ít đến thị trường. “Nếu nói Nghị định 116 với những điều khoản bất ngờ thì cũng không đúng. Có đến mấy tháng để các doanh nghiệp chuẩn bị vậy nhưng họ vẫn không đáp ứng được thì chứng tỏ các điều khoản này quá khó đối với họ.”, luật sư Đức cho hay.

Ông Đức cũng bày tỏ sự quan ngại với một số quy định của Nghị định 116 như kiểm nghiệm theo từng lô hàng có thể đội chi phí, thời gian làm thủ tục cho xe. Những chi phí này, sau cùng cũng sẽ được cộng vào giá xe. Cuối cùng, người tiêu dùng vẫn “gánh đủ”.

Tác giả: Đ.Huệ

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP