Những “đốm lửa” trên thị trường
Theo số liệu cập nhật năm 2014, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh đã giao dịch thành công 576/1.400 lô đất, số tiền phí mà đơn vị nộp cho tỉnh năm 2014 tăng 10% so với năm 2013. Số lượng hồ sơ xét cấp đất được duyệt nhiều hơn và tiền thu các loại phí liên quan đến đất đai tăng so với những năm gần đây là minh chứng cho thấy giao dịch trên thị trường BĐS có kết quả thực.
Sự chuyển động của thị trường được ghi nhận đặc biệt vào những tháng cuối năm 2014 ở cả về phân khúc đất đấu giá và đất cấp trên hầu hết các địa bàn trong toàn tỉnh. Ở phân khúc đấu giá, hiện Hà Tĩnh có 2 đơn vị thực hiện hoạt động đấu giá tài sản, trong đó có BĐS, đều khẳng định đã xuất hiện sự sôi động “cục bộ”.
Theo ông Bùi Khắc Bằng – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh: “Những phiên đấu giá gần đây cho thấy thị trường BĐS đã bắt đầu ấm lên. Điều đó được thể hiện qua sự sôi động ở một số phiên đấu giá thuộc các vùng quy hoạch như Thạch Quý, Bắc Thượng… Các khu vực này có địa thế đẹp, cơ sở hạ tầng đồng bộ và nhu cầu sử dụng lớn nên có sự tham gia của đông đảo khách hàng và tỷ lệ vượt giá cao so với mức giá khởi điểm.
Sôi động phiên đấu giá những tháng cuối năm. (Trong ảnh: Phiên đấu giá khu vực quy hoạch thôn Bắc Thượng thu hút trên 100 khách hàng tham gia.) |
Đặc biệt, phiên đấu giá 43 lô đất thuộc khu quy hoạch Bắc Thượng vừa qua thu hút khá đông khách hàng tham gia”. Khách hàng Nguyễn Trọng Sơn (tham gia đấu giá khu vực Đồng Trọt – Thạch Quý) cho biết: “Gia đình tôi có hộ khẩu ở Nghi Xuân nhưng muốn mua đất ở thành phố để tiện cho công việc của hai vợ chồng. Có nhu cầu thực sự, cộng với quy hoạch lô đất hợp lý (150 m2) nên dù biết khu vực này thu hút khá đông khách nhưng tôi vẫn quyết tâm tham gia”.
Kỳ Anh cũng là một trong những địa bàn có sự chuyển động trong thị trường BĐS không thua kém TP Hà Tĩnh. Theo số liệu từ Công ty TNHH Bán đấu giá tài sản số 1, từ tháng 9 – 12/2014, các phiên đấu giá đất ở đã diễn ra khá thành công với số tiền vượt giá khởi điểm trên 11 tỷ đồng. Trong đó, đất đấu giá chủ yếu thuộc địa phận xã Kỳ Châu, Kỳ Hải… Ông Trương Đại Thắng – Chủ tịch UBND xã Kỳ Châu cho biết: “Vùng quy hoạch thôn Bắc Châu có vị trí đẹp, gần thị trấn Kỳ Anh, trục đường chính rộng 4m với lô đất không quá 250 m2 được bán với giá phù hợp (500-550 triệu đồng/lô). Đặc biệt, thời điểm này, nhiều người dân Kỳ Châu đang có nguồn kiều hối từ nước ngoài “chảy” về nên cơ hội mua được đất đấu giá là rất khả quan”.
Ở phân khúc đất cấp cũng ghi nhận sự chuyển động ở một số địa bàn. Nếu như ở thời điểm này của năm 2013, xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) còn 30 suất đất trong vùng quy hoạch không có đơn xin cấp thì đến nay, vùng quy hoạch Đông Tân Học đã được “lấp đầy” và tiếp tục quy hoạch thêm vùng Tây Tân Học để đáp ứng nhu cầu đất ở của người dân. Xã Thạch Tân (Thạch Hà) cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ cấp đất đạt cao khi năm 2014 hoàn thiện hồ sơ và ký duyệt 47 trường hợp đủ điều kiện, trong đó đã có 29 hộ nộp tiền đầy đủ.
Ông Nguyễn Văn Thanh – cán bộ địa chính xã Thạch Tân cho biết: “Lượng hồ sơ xét duyệt cấp đất ở của Thạch Tân năm 2014 có “nhích” hơn so với các năm từ 2011-2013. Mặc dù, mức tăng chưa nhiều nhưng đây cũng là yếu tố thể hiện nhu cầu về đất của người dân”.
Kỳ vọng về sự phục hồi từng bước của thị trường BĐS cũng đã có thể nhìn thấy từ bảng giá đất 2015 vừa được UBND tỉnh công bố vào cuối năm 2014. Theo đánh giá từ giới BĐS, giá đất năm 2015 nhìn chung không tăng so với năm 2014, nhưng đối với một số khu vực đất mang yếu tố thương mại ở TP Hà Tĩnh có tăng đáng kể (mức tăng từ 1-5 triệu đồng/m2). Ví dụ, khu vực đường Phan Đình Phùng – đường 26/3: 20-25 triệu đồng/m2; đường Trần Phú – Lê Duẩn 15-18 triệu đồng/m2; đường Nguyễn Tất Thành – Phan Đình Phùng 15-18 triệu đồng/m2…
Về đích nguồn thu từ đất
Nếu như những năm gần đây, bài toán thu ngân sách từ đất làm “đau đầu” không ít địa phương thì năm nay, tình hình được cải thiện đáng kể. Các nguồn thu về tiền sử dụng đất, phí trước bạ, thuế TNCN từ đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp ở nhiều địa phương có sự bứt phá đáng kể, góp phần vào tăng thu ngân sách năm 2014.
Khu đất quy hoạch thuộc vùng Nhà Vọt -Thạch Tân có giá tương đối “mềm” với 1,5 triệu/m2, phù hợp với khả năng tài chính của nhiều khách hàng. |
Theo báo cáo từ Cục Thuế Hà Tĩnh, năm 2014, tổng thu từ đất trên địa bàn toàn tỉnh đạt hơn 1.200 tỷ đồng. Trong đó, một số sắc thuế đạt cao như tiền sử dụng đất (855 tỷ đồng), lệ phí trước bạ (220 tỷ đồng),… Đặc biệt, TP Hà Tĩnh và Kỳ Anh vẫn là 2 địa phương có số thu từ đất đáng kể và tăng khá so với cùng kỳ 2013. Nếu như cùng kỳ 2013, số thu từ cấp quyền sử dụng đất của TP Hà Tĩnh chỉ đạt 49% kế hoạch; thuế TNCN từ đất 66%, phí trước bạ đạt 97% kế hoạch thì năm 2014, các sắc thuế này đều vượt kế hoạch từ 2-23%.
Ông Chu Minh Thảo – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế Kỳ Anh cho biết: “Số thu từ đất năm 2014 tăng khá so với các năm trước. Đặc biệt, thu từ tiền cấp quyền sử dụng đất đạt 128 tỷ đồng, tăng 30% so cùng kỳ; phí trước bạ tăng hơn 7 tỷ đồng so với 2013… Riêng gần 30 tỷ đồng từ đấu giá đất ở Kỳ Hải, Kỳ Châu, Kỳ Long… đã tạo nguồn thu đáng kể trong chặng nước rút thu ngân sách vừa qua”.
Thị trường BĐS “đóng băng” là nguyên nhân làm nhiều địa phương “vỡ kế hoạch” trả nợ xây dựng cơ bản trong những năm gần đây. Bởi vậy, sự “ấm dần cục bộ” hiện nay đã giúp một số địa phương gỡ khó trong vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Ninh – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Tân chia sẻ: “Để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ, khang trang, phù hợp với các tiêu chí trong xây dựng NTM, bên cạnh nguồn đã có, xã thường yêu cầu nhà thầu cam kết tự bỏ vốn thi công hoàn thành công trình, sau đó bán đất trả nợ. Năm 2014, nhiều vùng đất trong xã được đấu giá thành công, cùng với một số lượng đất cấp đã thu hút được người có nhu cầu nên đến nay, về cơ bản xã đã giải quyết xong nợ xây dựng cơ bản bằng nguồn thu từ đất”.
Mai Thủy – Thành Chung