Tin Hà Tĩnh

Thép Formosa Hà Tĩnh lỗ gấp đôi lên gần 16.000 tỷ đồng trong năm 2023, tỉnh Hà Tĩnh giảm thu gần 70% một loại thuế lớn trong 6T2024

Sau năm 2021 lãi lớn với 33 tỷ Đài tệ (hơn 26.000 tỷ đồng), thép Formosa Hà Tĩnh đã lỗ 2 năm liên tục với tổng lỗ cũng lên tới hơn 30 tỷ Đài tệ.

Báo cáo thường niên 2023 của Tập đoàn nhựa Formosa (Formosa Plastics Group) cho biết, công ty con tại Việt Nam là Công Ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) lỗ khoảng 20,1 tỷ Đài tệ (khoảng 15.700 tỷ đồng), tức gấp đôi năm 2022 dù doanh thu chỉ giảm 3,2%.

Báo cáo này nêu lý do, để giữ vững thị phần và tránh mất khách, thép Formosa Hà Tĩnh đã phải giảm giá để cạnh tranh dù giá nguyên liệu thô không giảm đáng kể.

Năm ngoái, công ty lỗ 10 tỷ Đài tệ với nguyên nhân là do phát triển sản phẩm thép mới cho xuất khẩu, nhưng tiêu thụ ngành thép toàn cầu suy giảm. Công ty đã phải điều chỉnh lại sản xuất nhà máy cho phù hợp.

Trước đó, vào năm 2021, Formosa Hà Tĩnh báo lãi 33,47 tỷ Đài tệ (hơn 26.000 tỷ đồng).


Một điểm sáng trong năm 2023 của Formosa Hà Tĩnh là thâm nhập thành công vào thị trường châu Âu và Mỹ.

“Công ty sẽ tiếp tục tăng cường và mở rộng doanh số xuất khẩu cũng như phát triển nhiều sản phẩm thép có giá trị gia tăng cao, tích cực thâm nhập các thị trường cao cấp, phấn đấu trở thành một công ty thép đẳng cấp thế giới” - Tập đoàn nhựa Formosa khẳng định.

Là doanh nghiệp FDI đầu tàu của tỉnh Hà Tĩnh, sự khó khăn của thép Formosa Hà Tĩnh đồng thời kéo theo sự khó khăn trong thu ngân sách của tỉnh này.


Năm 2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 17.422 tỷ đồng, đạt 92% dự toán tỉnh giao và bằng 97% so với năm 2022. Trong đó, thu nội địa đạt 8.300 tỷ đồng, bằng 95% cùng kỳ. Thu xuất nhập khẩu đạt 9.100 tỷ đồng, bằng 98% cùng kỳ.

Nguyên nhân thu xuất nhập khẩu không đạt kế hoạch được lý giải chủ yếu do Formosa giảm nhập nguyên liệu đầu vào có thuế, trong khi xuất khẩu thép được miễn thuế.

Khó khăn này đang kéo dài đến nửa đầu năm 2024 khi số liệu trên Cổng thông tin điện tử Hà Tĩnh cho biết, thu ngân sách nhà nước của Hà Tĩnh (đã loại trừ hoàn thuế) tính đến ngày 15/6/2024 đạt 7.048,80 tỷ đồng (tăng 7,03% so với cùng kỳ) nhưng khoản thu từ DN đầu tư nước ngoài giảm rất mạnh.

Cụ thể, khoản thuế thu nội địa từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 558,54 tỷ đồng, giảm 69,03% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do nguồn thuế thu từ Formosa giảm mạnh bởi khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm kim loại.

Thu từ cân đối hoạt động xuất nhập khẩu đạt 2.233,60 tỷ đồng, giảm 7,25% so với cùng kỳ, cũng chủ yếu do hoạt động xuất nhập khẩu của Formosa giảm mạnh so với cùng kỳ.

Được biết, nửa đầu tháng 4/2024, xưởng cán nóng của Formosa Hà Tĩnh đại tu sửa nên dây chuyển sản xuất thép dừng sản xuất. Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, sự gia tăng mạnh mẽ các sản phẩm thép nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ đã ảnh hưởng đến việc ổn định sản xuất doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.

Thị phần bán nội địa giảm, thị trường quốc tế gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp Formosa Hà Tĩnh dẫn đến sản lượng thép sản xuất giảm mạnh so cùng kỳ.

Vì vậy, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh ước tính 6 tháng đầu năm 2024 giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước.


Nhìn chung, doanh thu năm 2023 của các công ty thuộc Tập đoàn Formosa Plastics tại Việt Nam đạt tổng 141,5 tỷ Đài tệ, giảm 10,5% từ năm 2022. Một công ty con khác là Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (tên quốc tế Formosa Industries Corporation) cho biết “phải đối mặt với những điều kiện khắc nghiệt nhất mà ngành dệt may gặp phải trong gần 4 thập kỷ qua”.

Bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tiêu cực như lạm phát cao, nhu cầu đầu cuối sụt giảm và cạnh tranh giảm giá đối với các sản phẩm dệt may từ Trung Quốc, ngành dệt may chỉ có thể giảm sản xuất để ứng phó. Kết quả là doanh số bán hàng dệt may, nylon và bông rayon đã giảm và lỗ khoảng 2,2 tỷ Đài tệ - tương đương năm trước.

Công Ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh nhận được Giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 12/6/2008. Hiện nay dự án đầu tư Khu liên hợp gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương là dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam với vốn điều lệ 5,5 tỷ USD, vốn đầu tư 12,787 tỷ USD. Các cổ đông chủ yếu của công ty bao gồm tập đoàn sản xuất nhựa Đài Loan (Trung Quốc) Formosa Plastic, China Steel (CSC) và công ty thép JFE (Nhật Bản).

Dự án Nhà máy gang thép và cảng Sơn Dương của doanh nghiệp này có tổng diện tích 3.318ha, trong đó diện tích đất liền là 2.025 ha và diện tích mặt nước là 1.293ha. Công ty có 2 lò cao, với công suất 7,1 triệu tấn phôi thép mỗi năm.

Thép Formosa Hà Tĩnh và thép Hòa Phát là 2 nhà sản xuất nội địa duy nhất có thể sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC).

Tác giả: Lan Hạ

Nguồn tin: markettimes.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP