Giáo dục

Thế giới có khái niệm trường chuyên, lớp chọn như Việt Nam?

Khác với Việt Nam, nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản không có khái niệm trường chuyên lớp chọn. Tại các quốc gia này, các em học sinh không phải trải qua nhiều kỳ thi lên lớp hay chia vào từng lớp dựa theo học lực...

Những ngày qua, nhiều bậc phụ huynh ở Việt Nam bước vào cuộc đua vào lớp 6 trường chuyên lớp chọn với mong muốn các con vào được trường tốt để mai sau có tương lai tươi sáng. Điều này vô tình khiến các em học sinh phải đối mặt với áp lực thi cử lớn.

Xuất phát từ điều này, không ít em học sinh miệt mài học tập suốt ngày cũng như đến các lớp, trung tâm luyện thi để có thể thi đỗ vào các trường chuyên, lớp chọn có tỷ lệ chọi cao. Một số chuyên gia cho rằng, các em học sinh vẫn còn nhỏ đã phải đối mặt với kỳ thi kiểm tra năng lực quá sức sẽ ảnh hưởng lớn đến các em.

Không giống Việt Nam, nhiều nước trên thế giới có nền giáo dục tiên tiến và ưu việt đã có những phương pháp giảng dạy chú trọng và quan tâm đến từng đối tượng người học để từ đó giúp người học phát huy tốt nhất khả năng, chủ động và áp dụng tốt kiến thức được học vào công việc sau này.

Trong số các nước, Mỹ là quốc gia có hệ thống giáo dục được đánh giá vào top đầu thế giới về chất lượng đào tạo tốt. Các trường học của Mỹ khuyến khích học sinh bày tỏ quan điểm cá nhân trong bất cứ vấn đề gì, khuyến khích tự tư duy, tự làm chủ, nâng cao phong cách, khả năng suy nghĩ độc lập, giao tiếp và khả năng sáng tạo.

Học sinh ở Mỹ được các giáo viên khuyến khích đưa ra câu hỏi sau khi bài giảng kết thúc để các em bộc lộ tính cách, quan điểm cá nhân cũng như tính tư duy, khám phá.

Khác với nền giáo dục ở Việt Nam, học sinh Mỹ nói không với học thêm. Cụ thể, học sinh ở Mỹ dành thời gian học tập ở trường và về nhà làm bài tập mà giáo viên giao cho.

Thêm nữa, các trường học ở Mỹ không có lớp chọn. Học sinh có thể học cùng nhiều nhóm học sinh khác nhau và có thể sinh liên tục thay đổi lớp học cũng như bạn học. Điều này có nghĩa một học sinh có thể theo học lớp Toán với nhóm học sinh này và học ở lớp tiếng Anh với nhóm học sinh khác khác. Mỗi lớp học của Mỹ thường chỉ có khoảng 25 - 30 học sinh.

Các trường học ở Nhật Bản chú trọng việc giáo dục nhân cách cho học sinh hơn là kết quả học tập. Ảnh: Reuters

Giống như Mỹ, Nhật Bản được đánh giá là nước có hệ thống giáo dục tốt, đặc biệt là không có trường chuyên, lớp chọn. Học sinh ở Nhật Bản được đào tạo đầy đủ các môn kiến thức, kết hợp với thể chất cũng như chú trọng việc trau dồi đạo đức, phát triển tính cách. Học sinh được dạy cách tôn trọng người khác, tính can đảm, tự chủ và công bằng, yêu thiên nhiên, động vật...

Các trường học ở Nhật không phân chia lớp học theo trình độ của học sinh từ lớp 1 - 9. Điều này có nghĩa Nhật Bản không tiến hành phân loại học sinh vào các trường năng khiếu. Các em học sinh có trình độ khác nhau được xếp vào cùng ở trong một lớp với mong muốn những em học giỏi sẽ giúp đỡ những em có học lực yếu hơn.

Người Nhật Bản coi trọng nhân cách hơn kết quả học tập của học sinh. Các lớp học luôn lấy học sinh làm trung tâm. Giáo viên thường xuyên trao đổi, theo dõi quá trình học của học sinh để giúp các em phát huy khả năng của bản thân cũng như định hướng tương lai.

Thêm nữa, học sinh ở Nhật Bản tự dọn dẹp lớp học, nhà ăn... trong khuôn viên trường học. Các em chia thành từng nhóm nhỏ và phân công lịch trực nhật. Hệ thống giáo dục ở Nhật Bản tin rằng yêu cầu học sinh vệ sinh trường học giúp các em học được cách làm việc nhóm và giúp đỡ người khác cũng như biết tôn trọng lao động của người khác.

Học sinh ở Nhật Bản chỉ trải qua một kỳ thi duy nhất để quyết định tương lai là vào cuối cấp 3. Khi ấy, các em học sinh sẽ phải nỗ lực hết mình để thi đậu một trường đại học muốn theo học. Những trường đại học này thường có một mức điểm yêu cầu cố định. Do vậy, kỳ thi này rất quan trọng với học sinh Nhật Bản.

Tác giả: Tâm Anh (TH)

Nguồn tin: Báo Kiến thức

  Từ khóa: trường chuyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP