Năm 2011, người trúng thầu đền Củi không ai khác chính là gia đình ông Nguyễn Sỹ Quý ở xóm 2. Ông Trần Duy Đệ, chủ tịch xã Xuân Hồng, cho biết gia đình ông Quý sống bên đền Củi từ lâu và đã có 18 năm nhận thầu, khoán đền.
18 năm thầu khoán di tích
Theo ông Đệ, hằng năm việc ai thầu đền Củi được thông báo công khai rộng rãi cho người dân trong xã biết. Bản hợp đồng thầu di tích năm 2011 quy định ông Nguyễn Sỹ Quý phải nộp ngân sách năm nay cho xã Xuân Hồng là 420 triệu đồng.
“Để có bản hợp đồng năm nay, xã Xuân Hồng căn cứ chỉ tiêu thu ngân sách năm 2011 của UBND huyện, căn cứ vào nghị quyết của HĐND xã khóa 18 kỳ họp thứ 19 về việc giao chỉ tiêu thu ngân sách năm 2011”, ông Đệ nói.
Hằng năm du khách về đền Củi hành hương rất đông, ông Quý phải thuê người hướng dẫn lễ lạt, viết tấu sớ. Ông cho đặt rất nhiều hòm công đức trong đền, tính sơ sơ có ít nhất 24 hòm. Có những góc miếu thờ đặt đến ba hòm công đức. Thậm chí ở lò hóa hương vàng mã cũng có một hòm công đức.
Ông Đệ nói việc ông Quý đặt nhiều hòm công đức trong đền Củi là tiện cho du khách. Đề cập chuyện công đức, ông Đệ ái ngại: “Công đức ở đền Củi là có nhưng việc đó thuộc về người nhận thầu. Đã nhận thầu người ta phải tính lời lãi, ăn thua”.
Đầu năm du khách tấp nập đến đền Củi thắp hương – Ảnh: V.Định
Ông Quý giới thiệu gia đình ông có đến sáu đời ăn ở, sống cạnh đền Củi, chính ông sinh ra và lớn lên cũng bên đền Củi. Ông nói: “Khi đền hư hỏng, xuống cấp, gia đình ông bà nội tôi đã tu sửa và sau này Nhà nước cấp bằng. Nguyên tắc mà nói đền Củi là của gia đình tôi…”.
Khi được hỏi đền Củi có từ thời nào, ông Quý lúng túng nói rằng do chiến tranh nhiều giấy tờ liên quan về đền bị thất lạc.
“Tỉnh không quyết liệt, huyện bỏ bê”
Bấy lâu, câu chuyện di tích cấp quốc gia đền Củi “được” UBND xã Xuân Hồng cho thầu, khoán hằng năm huyện, tỉnh đều biết.
Ông Lê Duy Việt, phó chủ tịch huyện Nghi Xuân, thừa nhận: “Từ trước đến nay đền Củi do một nhóm người của xã Xuân Hồng quản lý, nhưng chủ yếu là gia đình ông Quý. Xã đã khoán cho ông ấy, hợp đồng một năm ba, bốn trăm triệu đồng gì đó. Lẽ ra hợp đồng phải báo cáo với huyện biết trước. Hợp đồng đó là xã tự cân đối thu chi rồi đưa ra”.
Ông Việt nói suốt 18 năm nay đền được giao cho một gia đình quản lý là sự yếu kém của địa phương. Yếu kém này là do chủ quan của địa phương và cơ chế quản lý chưa đồng bộ. “Từ năm 1996 tỉnh đã có duyệt quy hoạch sơ sơ là phải đưa đền Củi vào khuôn phép, thành lập ban, cải tạo lại… Thời điểm đó cuối cùng tỉnh chỉ đạo không quyết liệt, huyện bỏ bê cho xã. Giờ thì không được rồi… phải chấn chỉnh lại”, ông Việt khẳng định.
Ông Võ Hồng Hải, giám đốc Sở Văn hóa, thể thao & du lịch Hà Tĩnh, cũng cho biết: “Việc này tôi đã nói tại HĐND tỉnh mấy kỳ họp rồi, yêu cầu huyện phải khẩn trương chấn chỉnh. Cách đây năm năm thanh tra sở xử phạt bao nhiêu lần rồi. Do gia đình anh Quý có công tham gia tu sửa đền Củi nên hình như chính quyền địa phương nhân nhượng và quá nể nang nên để anh ta quản lý”.
Ông Hải cho biết thêm sở đã có văn bản đề nghị ủy ban tỉnh phải có ý kiến chỉ đạo huyện, không để tình trạng này kéo dài. “Hiện đã có quyết định thành lập ban mới ở đền Củi rồi. Theo chỉ đạo của tỉnh đáng ra phải thành lập lâu rồi nhưng do huyện tìm nhân sự mãi không ra và cũng do thiếu sót của sở”, ông Hải giãi bày.
Đền Củi được xây dựng từ cuối triều Lê Sơ, nằm phía tây núi Ngũ Mã, hướng ra sông Lam. Đền đã trải qua rất nhiều lần tôn tạo nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, trang nghiêm. Kiến trúc gồm ba tòa: hạ điện, chính điện và thượng điện, với các cung thờ: Tam tòa Thánh Mẫu (mẫu tam phủ), Ngũ Vị Tôn Ông, cung Hoàng Mười, cung Chầu Mười, cung Trần Triều (thờ Đức Thánh Trần).
Theo tín ngưỡng, đền Củi được dân gian xưa truyền tụng là linh thiêng, người dân cả nước biết đến, nên đầu năm du khách thập phương đến rất đông vãn cảnh, thắp hương cầu an. Đặc biệt ngày giỗ Thánh Mẫu mồng 3-3 âm lịch và hội đền 10-10 âm lịch người đến nườm nượp, quốc lộ 1A đoạn qua đền thường tắc nghẽn.
Năm 1993 đền Củi được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
VĂN ĐỊNH
Tuổi Trẻ