Tin Hà Tĩnh

Thấp thỏm âu lo bên bờ Ngàn Sâu

Thực trạng “sông nuốt làng” đã và đang là nỗi ám ảnh của người dân vùng lũ Hà Tĩnh, đặc biệt là hàng trăm hộ dân sống cạnh sông Ngàn Sâu.

Chông chềnh những phận đời bên sông

Ngàn Sâu là một phụ lưu chính của sông La, dài khoảng 131km, bắt nguồn từ vùng núi Ông Giao Thừa và núi Cũ Lân, thuộc dãy Trường Sơn nằm trên địa bàn giáp ranh hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Không chảy từ Tây qua Đông đổ về biển cả như các con sông khác, Ngàn Sâu chảy ngược về hướng Bắc, qua huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ và Hương Sơn của tỉnh Hà Tĩnh rồi hợp lưu với sông Ngàn Phố tại ngã ba Tam Soa (hay còn gọi là bến Tam Soa), huyện Đức Thọ tạo thành dòng sông La.

Những nơi dòng sông Ngàn Sâu chảy qua, bồi đắp phù sa cho các loại đặc sản nổi tiếng của Hà Tĩnh như bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây... Thế nhưng, vào mùa mưa lũ, con nước Ngàn Sâu lại trở lên hung dữ vô cùng.

Sinh ra và lớn lên bên dòng Ngàn Sâu ở thôn Tân Hội, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, ông Thái Dương Hữu chứng kiến không biết bao nhiêu cơn lũ chảy qua cuộc đời mình, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều thế hệ trong gia đình. Nhà ông chỉ cách nhà máy thủy điện Hố Hô 10km, mỗi trận lũ về ông tận mắt nhìn dòng nước cuồn cuộn, cuốn theo hàng trăm khối đất đá phía sau vườn nhà. Ngay cả vườn cây gió trầm của gia đình ông cũng đã trôi theo dòng nước lũ từ lâu.

“Đất vườn từ bờ sông vào móng nhà của tôi ban đầu cách hơn 10m, giờ chỉ còn lại hơn 5m. Tiền của trôi theo sông nước không biết bao nhiêu mà kể”, ông Hữu buồn bã.

Một điểm sạt lở nghiêm trọng tại xã Hà Linh, huyện Hương Khê.


Ông Hữu cho hay, cả đời làm lụng vất vả chăm bón cho vườn tược, chỉ cần một trận lũ xảy ra, gia đình ông lại trắng tay. Thực trạng “sông lấn làng” khiến nền đất yếu dần, trong khi không có kè chắn khiến gia đình ông lúc nào cũng sống trong tình trạng nơm nớp nỗi lo.

Cách gia đình ông Hữu mấy bước chân, nhà ông Phan Ngọc Dung hàng xóm cũng chung tình trạng sạt lở. Điểm sạt lở sâu nhất chỉ cách căn nhà cấp 4 của ông Dung chưa đầy 4m. Vườn bưởi Phúc Trạch của ông cũng trơ rễ, nằm chênh vênh bên bờ sông Ngàn Sâu.

Một điểm sạt lở nguy hiểm tại xóm 2 Văn Giang xã Đức Giang, huyện Vũ Quang.


Theo quan sát, dọc sông Ngàn Sâu có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt, đoạn qua xã Hương Trạch có những điểm sạt lở dài gần 600m. Dọc sông Ngàn Sâu qua xã Hương Đô có những điểm sạt lở dài hơn 1.100 m. Cuối năm 2021, UBND huyện Hương Khê đã phê duyệt thiết kế xây dựng công trình chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua 2 xã này với tổng mức đầu tư hơn 81 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nguồn để triển khai xây dựng. Ngoài ra, với địa hình dốc và chảy xiết, hệ thống đê kè một số nơi chưa được hoàn thiện nên mỗi năm bờ sông Ngàn Sâu lại tiếp tục sạt lở và tạo ra nhiều hàm ếch nguy hiểm.

Không chỉ huyện Hương Khê mà các huyện Vũ Quang, Đức Thọ của tỉnh Hà Tĩnh – nơi sông Ngàn Sâu chảy qua cũng chung tình trạng sạt lở. Người dân ở đây luôn sống trong thấp thỏm lo âu mất nhà, mất vườn mỗi mùa mưa bão đến. Nguy hiểm là vậy, nhưng những hộ dân ở đây cũng chỉ biết bám trụ để ở, bởi cuộc đời bao thế hệ gia đình đã gắn liền với quê, với vườn tược giờ muốn đi cũng không có nơi nào để di dời.

Sống bên bờ sông sạt lở, ông Tứ luôn thấp thỏm lo lắng mỗi mùa mưa bão đến.


Ông Trần Đình Tứ (70 tuổi, trú tại xóm 2 Văn Giang, xã Đức Giang, huyện Vũ Quang) cho hay, việc sông “ăn” lấn vào nhà dân đã xảy ra từ những năm 2010, mỗi lần vào mùa mưa lũ, hai bên bờ đất đá cứ như vậy theo dòng nước rồi đẩy xuống lòng sông Ngàn Sâu. “Cứ đến đợt mưa lũ, những hộ dân sống gần bờ sông Ngàn Sâu như chúng tôi lại thấp thỏm. Đôi khi đang ngủ ngon giấc nghe tiếng sóng nước đập vào bờ rồi kéo theo đất đá xuống lòng sông, khiến ai cũng giật mình”, ông Tứ nói.

Giải pháp nào cho tình trạng sạt lở?

Hà Tĩnh là địa phương có nhiều sông suối, địa hình đồi núi dốc, trung bình trên 20 độ, nhiều nơi có độ dốc 40 độ, bên cạnh hoạt động địa chất khiến đất đá bở, liên kết yếu. Mưa lũ thường xuyên kéo dài làm biến đổi dòng chảy càng làm cho tình trạng sạt lở đất ở Hà Tĩnh diễn ra nhiều nơi từ vùng đồi núi đến sông suối.

Ông Phan Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, trong những năm qua, Trung ương và tỉnh đã quan tâm, đầu tư xây dựng nhiều công trình, trong đó có 10 tuyến kè chống sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài trên 12,5km trên địa bàn các xã Lộc Yên, Hương Trạch, Phúc Trạch, Gia Phố, Hòa Hải, Hương Vĩnh, Điền Mỹ. Tuy nhiên, hiện, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều vùng xung yếu bị sạt lở ảnh hưởng đến đất ở, đất sản xuất và hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng điểm như: Hương Đô, Gia Phố, Hương Thủy, Điền Mỹ, Lộc Yên và cấp bách nhất ở xã Hương Xuân, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nguồn lực để triển khai.

Tình trạng “sông nuốt làng” đã và đang là mối lo ngại của người dân và các cấp chính quyền, tuy nhiên vẫn chưa có nguồn lực để xử lý triệt để.


Theo ông Trần Đức Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, kết quả đánh giá tại thời điểm giữa năm 2021 trên địa bàn toàn tỉnh có đến 33 vị trí sạt lở, trong đó có 05 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm như: Sạt lở bờ Ngàn Sâu qua xã Đức Liên (huyện Vũ Quang), xã Hương Xuân (huyện Hương Khê); xã Hòa Lạc, xã Đức Lạng (huyện Đức Thọ) và sạt lở bờ biển xã Xuân Hội (huyện Nghi Xuân); 11 vị trí sạt lở nguy hiểm, số còn lại ở mức độ bình thường.

Sạt lở bờ sông, bờ biển gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân, nhất là tại các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Nếu tình trạng sạt lở không được xử lý sẽ tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của nhân dân, điển hình như tại sạt lở bờ sông Tiêm tại xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê có khoảng 20 hộ dân sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng, cuộc sống bị đảo lộn, một số hộ dân sinh sống gần khu vực sạt lở đã phải di dời đến nơi ở khác.

Điểm sạt lở bờ sông Ngàn Sâu tại xã Đức Liên, huyện Vũ Quang có nguy cơ tác động ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đường sắt Bắc - Nam.


Ngoài ra, điểm sạt lở bờ sông Ngàn Sâu tại xã Đức Liên, huyện Vũ Quang có nguy cơ tác động ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đường sắt Bắc Nam và tuyến đường giao thông liên xã trên địa bàn nếu không được xử lý sớm; một số vị trí khác như sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Đức Lạng, xã Hòa Lạc huyện Đức Thọ cũng đã ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống trong khu vực và cần phải có các giải pháp xử lý cấp bách.

“Việc xây dựng các tuyến kè chống sạt lở, bảo vệ bờ sông, bờ biển cần nguồn kinh phí tương đối lớn, tuy nhiên đến nay tỉnh chưa cân đối được nguồn lực. Về lâu dài, cần quy hoạch sắp xếp lại dân cư, chủ động di dời các hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở, nhất là tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Xây dựng hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát diễn biến sạt lở, lòng dẫn; Xây dựng các công trình chỉnh trang sông nhằm giữ ổn định tỷ lệ phân lưu, ổn định dòng chảy, hình thái sông, bờ sông, bờ biển tại các khu vực trọng điểm, vùng cửa sông, ven biển có diễn biến bồi, xói phức tạp. Triển khai thực hiện các dự án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng phòng hộ, nhất là rừng ngập mặn ven biển, trồng cây chắn sóng để phòng chống sạt lở...”, ông Thịnh nói.

Tác giả: Bùi Thị Ngân

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP