Phóng sự - Ký sự

Thanh tra Hà Tĩnh tiếp bước truyền thống 70 năm

Sau cách mạng tháng 8 thành công, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt, tiền thân của Tổ chức thanh tra ngày nay. Từ đó, ngày 23/11 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam. Qua từng thời kỳ và giai đoạn phát triển của đất nước, tổ chức, tên gọi có những thay đổi, nhưng Ngành Thanh tra Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng, đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.

Kỷ niệm 70 năm Ngành Thanh tra Việt Nam là dịp toàn ngành và Thanh tra Hà Tĩnh ôn lại truyền thống và quá trình phát triển của ngành trong tiến trình lịch sử của Quê hương, Đất nước. Càng tự hào với kết quả thành tích đạt được thời gian qua bao nhiêu, chúng ta càng ý thức sâu sắc thách thức và nhiệm vụ đặ ra trong giai đoạn cách mạng mới; đồng thời bài tỏ quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, đóng góp vào sự ổn định phát triển.
 hatinh24h
  • Đồng chí Huỳnh Phong Tranh – UV BHC TW Đảng, Tổng Thanh tra  Chính Phủ và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh
  • chụp ảnh lưu niệm với CBCC Thanh tra Hà Tĩnh

Cùng với tiến trình phát triển của Thanh tra Việt Nam, thực hiện chủ trương chúng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Thanh tra Hà Tĩnh được thành lập năm 1958, theo Quyết nghị số 171 NQ/HT ngày 02/4/1958 của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh.

Thời kỳ đầu, hoạt động thanh tra chủ yếu phục vụ công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, hợp tác hoá sản xuất nông nghiệp, xem xét giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong điều kiện mới thành lập, người ít (08 cán bộ), việc nhiều, nhưng Thanh tra Hà Tĩnh đã vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được Bác Hồ khen ngợi về công tác “giải quyết đơn thư của công dân, góp phần ổn định tư tưởng cho cán bộ và đồng bào”  tại Hội nghị Thanh tra toàn Miền Bắc lần thứ III ngày 05/3/1960.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là những năm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ở Miền Bắc, theo chủ trương chung, Thanh tra  Hà Tĩnh chuyển về Văn phòng Uỷ ban hành chính tỉnh, nhưng vẫn duy trì hoạt động, tập trung làm tốt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, thực hiện cuộc vận động “3 xây, 3 chống”, đảm bảo phát triển sản xuất, giao thông, phục vụ chiến đấu.

Từ năm 1970, Uỷ ban thanh tra tỉnh Hà Tĩnh được thành lập theo quyết định số 667/QĐ-UB ngày 10/11/1070 của Uỷ ban hành chính tỉnh. Biên chế từng bước được tăng cường từ 08 lên 17 người, hoạt động thanh tra được đẩy mạnh thông qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 228 của Bộ Chính trị về “đấu tranh chống lấy cắp tài sản XHCN, chống làm ăn phi pháp, tăng cường quản lý lao động, quản lý thị trường, giữ vững trật tự an ninh phục vụ tốt phong trào lao động sản xuất và tiết kiệm, phục vụ tốt đời sống nhân dân”‘; Nghị quyết 25 của Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết 228 của Bộ Chính trị. Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo được thực hiện tốt hơn; hoạt động thanh tra mở rộng trên tất cả các lĩnh vực: nông lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, lưu thông phân phối… Ngành đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra lớn ở các doanh nghiệp nhà nước gắn với việc giải quyết đơn thư tố cáo của công dân. Trong gian khổ cán bộ thanh tra không ngừng được tôi luyện trưởng thành; hoạt động của ngành góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà thực hiện tốt các nhiệm vụ, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc, cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn cả nước cùng thực hiện nhiệm vụ chiến lược là Bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Theo Nghị quyết của Quốc hội khoá V, kỳ họp thứ 2 (ngày 27/12/1975) tỉnh Nghệ Tĩnh được hình thành từ sự hợp nhất 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; Uỷ ban Thanh tra tỉnh Nghệ Tĩnh được thành lập trên cơ sở hợp nhất Uỷ ban Thanh tra tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; Thanh tra Nghệ Tĩnh phát huy sức mạnh tổng hợp của 40 năm kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Năm 1991, tỉnh Hà Tĩnh tái lập. UBND tỉnh Hà Tĩnh có QĐ số 54/QĐ-UB ngày 07/9/1991 thành lập Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh với 3 phòng chuyên môn, 15 biên chế. Lực lượng toàn ngành có 88 CBCC (Thanh tra tỉnh: 15 người, thanh tra 9 huyện, thị xã: 27 người, thanh tra các sở ngành: 46 người). Tiếp tục công cuộc đổi mới của đất nước, với bao khó khăn, bộn bề của những ngày đầu tái lập tỉnh. Nhưng được sự quan tâm của Cấp uỷ, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân toàn tỉnh, sự hướng dẫn giúp đỡ của Thanh tra Trung ương và tinh thần tiến công cách mạng, toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, tập trung xây dựng tổ chức lực lượng, bám sát chức năng, nhiệm vụ, các mục tiêu phát triển KTXH tỉnh nhà, đổi mới về phương thức hoạt động, Thanh tra Hà Tĩnh đã thực hiện có hiệu quả công tác tham mưu, quản lý nhà nước, phối hợp công tác, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trên các lĩnh vực thanh tra, tiếp dân, giải quyết KNTC, phòng chống tham nhũng, xây dựng tổ chức lực lượng. Góp phần bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nâng cao hiệu lực quản lý, trật tự, kỷ cương pháp luật; thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Trong 25 năm tiếp tục công cuộc đổi mới, ngành Thanh tra Hà Tĩnh đã thực hiện 69.876 cuộc thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực kinh tế xã hội; phát hiện sai phạm và xử lý về kinh tế trên 529 tỷ đồng; đã tham mưu tiếp 60.087 lượt người, xử lý 43.836 đơn thư; giải quyết 16.005/ 17.237 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ bình quân hàng năm trên 92%. Tham mưu triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả nhiệm vụ PCTN trên địa bàn tỉnh. Hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, PCTN đã động viên, phát huy những nhân tố tích cực; hạn chế, phòng ngừa và xử lý các vi phạm; kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách; tăng cường trật tự, kỷ cương. Ngành thực hiện ngày càng tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ chính quyền các cấp triển khai thực hiện kịp thời có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác thanh tra, tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng…  Đặc biệt, trong những năm gần đây Thanh tra Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ: Tham mưu – Quản lý nhà nước – Phối hợp công tác – Tổ chức thực hiện chức năng nhiệm vụ; tổ chức thanh tra KTXH có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao; tham mưu giải quyết khiếu nại tố cáo kịp thời, đúng chính sách pháp luật; tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả công tác PCTN; luôn luôn đáp ứng kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụ, công việc đột xuất của cấp uỷ, chính quyền giao, hướng đến tiếp nhận giải quyết các vụ việc có phạm vi ảnh hưởng rộng, mới, phức tạp, khó khăn. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị, xã hội; góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, tạo sự ổn định và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội với tốc độ cao và bền vững trên quê hương Hà Tĩnh.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tổ chức lực lượng ngành có bước phát triển khá. Đến nay toàn tỉnh 34 tổ chức Thanh tra nhà nước (Thanh tra tỉnh, Thanh tra 13 huyện, thị xã, Thành phố và Thanh tra 20 sở ngành), có 187 cán bộ, thanh tra viên, với 90% có trình độ đại học, 142 đồng chí được bổ nhiệm thanh tra viên các cấp. Vị thế, uy tín của ngành từng bước được nâng lên. Đội ngũ cán bộ công chức toàn ngành được ghi nhận và đánh giá cao về bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm, trình độ nghiệp vụ, phương pháp công tác và thái độ phục vụ từ hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh. Bên cạnh Thanh tra nhà nước có lực lượng Thanh tra nhân dân đông đảo được tổ chức ở cấp xã, phường, thị trấn và các cơ quan đơn vị, cùng giám sát thực thi pháp luật.

Với thành tích đạt được qua các thời kỳ, Thanh tra Hà Tĩnh đã được Đảng, Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao, nhiều tập thể và cá nhân đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Thanh tra Hà Tĩnh trong 10 năm qua được liên tục được xếp loại Đảng bộ trong sạh vững mạnh, Sở ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng 02 Huân chương lao động (Hạng Nhì 2005, hạng Nhất năm 2010);  09 Cờ Thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh; 27 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, bộ ngành TW, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền khác; Nhiều tập thể Thanh tra huyện, Sơ, ngành, phòng nghiệp vụ Thanh tra tỉnh được tặng thưởng Huân chương, Cờ thi đua, Bằng khen và danh hiệu thi đua cao quý khác.

Trên chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, Ngành Thanh tra Hà Tĩnh vinh dự, tự hào về những đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của quê hương; đồng thời ý thức sâu sắc rằng sự trưởng thành và tiến bộ của Ngành gắn liền với sự quan tâm giáo dục của Đảng, Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền; sự phối hợp giúp đỡ tích cực, có hiệu quả của các cấp, các ngành, các cơ quan thông tin đại chúng và các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà.

Bước vào giai đoạn cách mạng mới Ngành Thanh tra đứng trước nhiều thuận lợi cơ bản: (1) Chức năng, nhiệm vụ được xác định khá rõ; Cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các ngành tích cực phối hợp giúp đỡ; (2) Tập thể lãnh đạo, đội ngũ CBCC đoàn kết, đổi mới; được giáo dục rèn luyện, khá vững vàng về bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; ý thức trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao; (3) Ngành tiếp nối bề dày truyền thống trong những năm qua với nhiều kết quả và sự đổi mới trong tham mưu, quản lý nhà nước, phối hợp công tác, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Nhưng đồng thời cũng đứng trước nhiều thách thức, trọng tâm là: (1) Tiếp tục vận hành nền kinh tế thị trường trong điều kiện hội nhập và phát triển, trong khi cơ chế, chính sách, pháp luật chưa đồng bộ; tồn tại xã hội còn nhiều bất cập, kỷ cương  quản lý chưa được đề cao, chế tài xử lý kết quả thanh tra chưa đủ mạnh; (2) Nhiệm vụ của ngành trên các mặt công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng rộng, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân yêu cầu cao, bức bách, trong khi lực lượng CBCC có hạn, nhiều biến động, trình độ năng lực chưa tương xứng; (3) Kết quả, thành tích công tác trong những năm qua có nhiều tiến bộ, nhưng nhìn chung kinh nghiệm, phương pháp, năng lực, điều kiện hoạt động có tính “truyền thống” như hiện nay vẫn bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ.

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020, với chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, đoàn kết; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại”.

Mỗi cán bộ, thanh tra viên ở bất cứ cương vị nào đều phải có chuyển biến thực sự về nhận thức, tư tưởng; nắm vững quan điểm đường lối đổi mới của Đảng và nhiệm vụ của ngành; phương hướng, mục tiêu phát triển KTXH tỉnh; tiếp tục rèn luyện và nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp công tác; thực thi công vụ Kỷ cương – Chuyên nghiệp – Minh bạch – Trách nhiệm – Hiệu quả.

Trước hết Lãnh đạo Thanh tra tỉnh phải thực sự đoàn kết, trách nhiệm, nhạy bén với tình hình, đổi mới phong cách làm việc để lãnh đạo ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Các tổ chức thanh tra nhà nước phải chủ động bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của địa phương và ngành; tích cực tham mưu cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp; triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng hiệu quả các nhiệm vụ. Tăng cường hơn nữa hoạt động tham mưu, quản lý nhà nước, phối hợp công tác, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng; đảm bảo phát huy dân chủ cơ sở, tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thồng chính trị, đưa hoạt động thanh tra thực sự trở thành động lực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

Tiếp bước truyền thống 70 năm qua, Ngành Thanh tra Hà Tĩnh nguyện quyết tâm phấn đấu nhiều hơn nữa để góp sức xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân tỉnh nhà./.

Thái Sinh
Chánh Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP