Công trình thủy lợi cầu Sến được đầu tư xây dựng theo Chương trình 135 của Chính phủ để phục vụ cho gần 200ha đất nông nghiệp tại xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Được khởi công xây dựng từ năm 2002 và hoàn thành năm 2007, công trình có 2 tổ máy với hệ thống đường ống thép, chiều dài gần 600m; nằm cách mặt đất hơn 1,5m bởi hệ thống chân trụ bê tông cốt thép vững chắc. Công trình được kỳ vọng sẽ giải quyết được tình trạng thiếu nước trầm trọng vào mùa khô.
Công trình có chiều dài gần 600m. |
Ông Nguyễn Bá Lộc, người dân xã Thanh Đức cho hay: “Mùa nắng tại địa phương thường khô hạn, thiếu nước trầm trọng vì thế cây trồng nơi đây không thể phát triển. Khi nghe tin xã đầu tư đường ống dẫn nước thì ai cũng vui mừng”.
Theo ông Lộc, người dân hy vọng rằng khi trạm bơm và tuyến kênh này hoạt động sẽ phục vụ tưới tiêu cho cây lúa cùng với diện tích chè công nghiệp, đời sống người dân sẽ được nâng cao, góp phần thay đổi bộ mặt của một vùng quê nghèo.
Tuy nhiên, sau 11 năm từ ngày được đưa vào hoạt động, công trình này chỉ vận hành duy nhất 1 lần khi… chạy thử. Người dân muốn có nước để tưới tiêu chỉ còn cách phải xuống tận sông để gánh lên tưới chè, mua máy bơm hoặc trông chờ vào thời tiết.
Cỏ mọc um tùm nơi hệ thống dẫn nước. |
Theo quan sát của PV, vào thời điểm hiện tại đường ống đã hoen rỉ, kênh bê tông đã nứt nẻ, nằm trơ trọi giữa cánh đồng chè.
Thậm chí, nhiều người còn cho rằng công trình không những không sử dụng được mà còn gây phiền toái, ảnh hưởng đến lối đi của nhiều hộ dân khi canh tác sản xuất, gây khó khăn trong việc vận chuyển vật tư và sản phẩm thu hoạch.
“Công trình chẳng sử dụng thì để lại làm gì nữa, vừa mất thẩm mỹ lại ảnh hưởng đến đi lại của người dân. Vì vậy tôi đề nghị chính quyền tháo ra”, ông Nguyễn Cao Cường, người dân địa phương cho hay.
Người dân đề nghị tháo dỡ vì ảnh hưởng đi lại. |
Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Hữu Vinh, Chủ tịch UBND xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương xác nhận công trình thủy lợi cầu Sến không hoạt động hơn chục năm nay.
“Chính quyền xã cũng đã nhiều lần gửi công văn trình lên UBND huyện Thanh Chương và sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An để có phương án xử lý hệ thống thủy lợi này. Hoặc có thể chuyển cho những địa phương đang có nhu cầu sử dụng tránh lãng phí, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được hồi đáp”, ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, nguyên nhân dẫn đến hệ thống thủy lợi không đưa vào sử dụng là do đơn vị thực hiện không khảo sát kỹ nhu cầu của người dân trên địa bàn.
Thanh Đức là một trong những xã nghèo và chủ yếu trồng chè. Nhưng hệ thống thủy lợi này không phù hợp với cánh đồng chè nên không thể hoạt động, dẫn đến việc không phát huy được hiệu quả kinh tế, gây lãng phí tiền của Nhà nước.
Tác giả: Anh Ngọc
Nguồn tin: Báo Người đưa tin