Dự án đầu tư

Thạch Hà: Giả mạo chữ kí lừa dân, chi trả bồi thường tùy tiện

Hội đồng Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh: Giả mạo chữ kí lừa dân, chi trả bồi thường tùy tiện

Sau 3 năm viết đơn khiếu nại, gõ cửa nhiều nơi không thành, bà Lê Thị Thập ở thôn Nam Bình (X8), xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh tìm đến Báo Người cao tuổi gửi đơn tố cáo Hội đồng Bồi thường Giải phóng mặt bằng (GPMB). Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ (QL) 15A (Tỉnh lộ 3 trước đây). Theo đơn, Hội đồng Bồi thường GPMB huyện Thạch Hà không công nhận đất bà ở trước năm 1980, giả mạo chữ kí của bà vào hồ sơ đền bù để ép nhận giá đất năm 2011; một số hộ nhận tiền nhưng không có hóa đơn, chứng từ để so sánh, đối chiếu và lưu trữ…

Lí giải nguyên nhân, bà Lê Thị Thập cho biết: Sau khi tôi đấu tranh việc cán bộ xã thông đồng, cấu kết, bao che, biến đường thẳng thành đoạn to, đoạn nhỏ, thể hiện không đồng nhất, hộ lấy vào 5m, hộ 3m, hộ 6,4m, hộ 10m thì bị Hội đồng Bồi thường GPMB Cải tạo nâng cấp QL15 huyện Thạch Hà giả mạo chữ kí, lập hồ sơ khống, ép nhận giá đền bù năm 2011. Đất nhà tôi chỉ đền bù 3,8m chiều sâu (tính từ tim đường vào trừ 7,5m); trong khi hộ chị Lân (anh Lý) cạnh nhà, được đền bù 4,2m chiều sâu (tính từ tim đường vào chỉ trừ 6m). Hộ anh Sơn (chị Hà) trong quyết định năm 1992, không thể hiện mép đường, Hội đồng Bồi thường GPMB lại đo cách mép đường 10m. Hộ anh Tùng (chị Thu), theo quyết định thừa 100m2, vẫn được đền bù tiền đất, tính theo giá cách mép đường 3m… Ngày 8/3/2012, ông Trần Văn Quyết, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh có Công văn số 70/BQLDA, trả lời đề nghị của Hội đồng Bồi thường GPMB về quy mô tuyến đường Tỉnh lộ 3 trước năm 1998, khoảng cách từ tim đường đến hết phạm vi chiếm dụng của công trình là 5,0m (có bản vẽ kèm theo). Thế nhưng khi chúng tôi hỏi Hội đồng Bồi thường GPMB, lấy gì làm căn cứ mà số liệu đo đạc, kiểm đếm, hỗ trợ, đền bù cho dân lại lung tung như vậy, thì được trả lời còn một đợt mở rộng 2m nữa. Qua trao đổi, ông Trần Văn Quyết khẳng định: “Từ đó đến khi thực hiện dự án chưa mở rộng đường”.

Không chỉ xác định mốc giới tùy tiện, mỗi nhà mỗi kiểu, mà việc bồi thường cũng hết sức tùy tiện. Bà Chương ở xóm 9, Tây Đài, xã Thạch Đài, năm 2003 chuyển nhượng cho chị Phương 7m mặt đường, mà khi bồi thường chị này nhận gần 70 triệu đồng. Trong khi đất của bà còn lại rộng hơn 12m chiều ngang, rộng gần gấp đôi đất của chị Phương mà phải nhận tiền ít hơn. Tỉnh áp giá đất năm 2012 cho hộ anh Sơn 2.500.000 đồng/m2, trong khi toàn bộ hộ dân ở đây chỉ được nhận giá đất năm 2011. Đặc biệt, có hai hộ chỉ mất mái hiên mà nhận hàng tỉ đồng, mỗi hộ còn được hai suất đất tái định cư mặt đường. Hộ ông Quang được UBND huyện Thạch Hà đồng ý cấp đất, mặc dù đến nay xã vẫn chưa đồng ý, yêu cầu phải bốc thăm. Tôi hỏi, 24 lô đất dành cho tái định cư cấp cho ai, có đúng đối tượng không, có đối thoại công khai để dân biết không… đều không được trả lời.

Bị sức ép lớn, ngày 24/8/2012 gia đình bà Thập tạm nhận tiền đền bù 1,4 triệu đồng/m2 theo giá đất ở, trong khi đó, theo Quyết định số 4080/QĐ-UBND, hiệu lực từ ngày 1/1/2012, đất có giá 2,5 triệu đồng/m2. Gia đình thấy thiệt thòi về giá, số lượng đất… tìm hiểu mới biết có ai đó đã giả mạo chữ kí trong hồ sơ áp giá năm 2011. Thủ tục bồi thường cũng rất tùy tiện, mờ ám, Hội đồng Bồi thườngGPMB đến từng hộ trả tiền mà không có hóa đơn, chứng từ… để so sánh, đối chiếu và lưu trữ. Khi dân thắc mắc họ tỏ thái độ vô cảm, cửa quyền, hách dịch… thách đố người dân khiếu nại cấp cao hơn.

Theo Công văn trả lời số 30/HĐBT, ngày 15/7/2013 của ông Ngô Văn Tân, Chủ tịch Hội đồng Bồi thường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà: Ngày 26/6/2012, UBND xã Thạch Đài chỉ đạo thôn 8, Tây Đài gửi phiếu lấy ý kiến khu dân cư về nguồn gốc đất và thời điểm sử dụng thửa đất của bà Thập được hình thành trước ngày 28/12/1980. Thế nhưng trong Quyết định số 2010/QĐ-UBND, ngày 27/5/2014, ông Nguyễn Phi Quang, Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà lại cho rằng đất của gia đình bà Lê Thị Thập ở sau năm 1980 nên chỉ được hưởng theo giá đất lâu năm khác. Trong khi vẫn nội dung này, tại trụ sở UBND xã Thạch Đài, bà Nguyễn Thị Hiền, cán bộ địa chính xã cho biết: Sau khi bà Thập đưa đến UBND xã phiếu lấy ý kiến khu dân cư về nguồn gốc và sử dụng đất đã có số người dân kí vào, gửi anh Đặng Đình Thuận, Chủ tịch UBND xã Thạch Đài, nhưng ông Thuận không chấp nhận, sau đó giao đi lấy lại ý kiến của dân. Các ý kiến đều đồng nhất: “Đất ở trước năm 1980…”.

Như vậy tố cáo, khiếu nại của bà Lê Thị Thập và một số hộ ở xã Thạch Đài là có cơ sở và đều nảy sinh từ việc thực hiện chính sách đền bù không nhất quán, trả lời không rõ ràng, khách quan, chi trả bồi thường sai. Mong các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh sớm vào cuộc, đối thoại với dân, giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật. Tránh tình trạng để các hộ dân đã được đền bù còn xây nhà, ki-ốt lấn chiếm trở lại, gây phiền hà, hệ lụy nghiêm trọng về sau

 Bài và ảnh Trần Đông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP