Văn hoá Dân gian

Tạo phiên bản Mộc bản trường Phúc Giang để bán cho du khách

Hà Tĩnh vốn nổi tiếng là miền đất có truyền thống hiếu học. Sự kiện UNESCO công nhận Mộc bản trường học Phúc Giang là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã thêm một lần nữa minh chứng cho truyền thống hiếu học của người dân Hà Tĩnh. Mộc bản trường học Phúc Giang là nơi hội tụ tinh hoa bác học đỉnh cao của dòng họ khoa bảng Nguyễn Huy.

Thời Hậu Lê thế kỷ XV, giáo dục Nho học được coi trọng, hệ thống trường học được mở rộng từ kinh kỳ đến làng xã. Tại Kinh đô Thăng Long có Quốc tử giám và các trường học công khác dành cho con em quan lại, ở làng xã thì có các trường Hương học.

Trong khi ngoài Bắc có nhiều hình thức mở trường lớp cho con em người lao động có thể vào học được, thì ở xứ Nghệ – vùng đất có truyền thống hiếu học nhưng lại thiếu trường lớp để học tập. Trước hoàn cảnh ấy, từ năm 1732, ở làng Trường Lưu, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đã bỏ công sức, tiền bạc lập ra Trường Lưu học hiệu để dạy con em địa phương.

Bên cạnh Trường Lưu học hiệu, Nguyễn Huy Oánh còn xây dựng Phúc Giang tàng thư với hàng vạn đầu sách được ông và dòng họ, con cháu sưu tầm qua nhiều năm. Nhờ sự uyên thâm của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, phương pháp dạy học tốt, cộng với kho sách Thư viện Phúc Giang phong phú nên đã thu hút được đông đảo nho sinh khắp xứ Nghệ và các địa phương khác tìm đến đây học tập, nghiên cứu. Nhiều học trò của Thám hoa đậu đạt, thành danh từ Phúc Giang thư viện và Trường Lưu học hiệu.

hatinh24hẤn triện gia huy trên Mộc bản. Ảnh: Lê Bá Hạnh/báo Hà Tĩnh

Mộc bản trường học Phúc Giang có hơn 2.000 bản gỗ thị được khắc chữ Hán và Nôm ngược để in sách phục vụ việc giáo dục, khoa cử, chọn nhân tài cho quốc gia cuối thời Hậu Lê do dòng họ Nguyễn Huy (Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh) chế tác và gìn giữ. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, hiện nay toàn bộ mộc bản chỉ còn 394 bộ được lưu giữ và bảo quản tại Nhà thờ Nguyễn Huy Tự (xã Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh).

Toàn bộ mộc bản được 5 danh nhân văn hóa dòng họ Nguyễn Huy biên soạn gồm Nguyễn Huy Tửu, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh và Nguyễn Huy Tự. Hầu hết những người này đều tham gia giảng dạy tại Quốc Tử Giám.

Giáo sư,Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ – hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Huy cho biết: Toàn bộ mộc bản được khắc với kỹ thuật thủ công truyền thống, khắc ván bằng âm bản tinh xảo trên cả hai mặt, chữ được viết với thư pháp đẹp đẽ, thanh thoát với nhiều dạng chữ như: Lệ, thảo, giản, dị tự, tục tự, cổ tự, chữ kiêng húy… được khắc nổi theo thể chân thư, mỗi mặt khoảng 18-20 hàng theo chiều ngang tấm gỗ.

Chiều dài mỗi tấm gỗ mộc bản bằng kích cỡ trang giấy 30 cm, rộng 20 cm, dày 2 cm, được làm từ gỗ cây thị, một loại gỗ có độ dai, mềm và bền cao nên mới lưu giữ được đến ngày nay.

Chương trình ký ức thế giới (MOW) được UNESCO xây dựng từ năm 1992 nhằm mục đích tiếp cận, bảo tồn và quảng bá những bộ sưu tập có giá trị đang được lưu giữ tại các cơ quan lưu trữ, thư viện, bảo tàng và một số nơi khác trên toàn thế giới.

Đây là một trong 3 sáng kiến của UNESCO nhằm bảo vệ và nâng cao nhận thức về di sản văn hoá toàn cầu. Ký ức thế giới là những hồi ức chung được ghi lại của con người khắp mọi nơi trên thế giới.

Việt Nam vinh dự đã có 3 di sản được công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là Mộc bản triều Nguyễn, Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê – Mạc (1442-1779) và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang).


Bìa sách “Ngũ kinh toản yếu đại toàn” do Nguyễn Huy Oánh biên soạn, Thạc Đình tàng bản. Ảnh: Lê Bá Hạnh/báo Hà Tĩnh

Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương (gọi tắt là MOWCAP), Việt Nam có thêm 2 di sản được công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hai di sản đó là Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và Mộc bản trường học Phúc Giang.

Dù là gia sản của một dòng họ nhưng mộc bản trường học Phúc Giang có giá trị trong việc khai thác, nghiên cứu nhiều lĩnh vực: văn học, lịch sử, địa lý, kinh tế, chính trị, ngoại giao, giáo dục, kỹ thuật in ấn của Việt Nam thế kỷ 18.

Mộc bản trường học Phúc Giang còn mở ra hai hướng nghiên cứu chính; đó là hướng nghiên cứu hệ thống di sản liên quan đến giáo dục, khoa cử thời Trung đại và cách thức tiếp thu hệ thống kinh điển Nho giáo Trung Quốc. Mộc bản trường học Phúc Giang là một trong số di sản mộc bản phong phú, thể hiện truyền thống hiếu học và diện mạo văn hiến mang tính khu vực của xứ Nghệ.

Thạc sĩ Nguyễn Trí Sơn, Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh – người có nhiều nghiên cứu về mộc bản trường học Phúc Giang cho biết: Xét về góc độ lịch sử ra đời, mộc bản trường học Phúc Giang có trước cả mộc bản triều Nguyễn và mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.

Nhưng cái độc đáo của mộc bản trường học Phúc Giang thể hiện ở chỗ đây là di sản thuộc sở hữu của một dòng họ duy nhất ở nước ta còn được lưu giữ đến ngày nay. Giá trị của nó không chỉ mang tầm quốc gia, khu vực mà còn vươn ra tầm quốc tế, cần được bảo tồn và phát huy.

Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh Nguyễn Trí Sơn: Đơn vị đang tổ chức số hóa và dập thành sách Mộc bản trường học Phúc Giang. Bảo tàng Hà Tĩnh đang cùng dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu nghiên cứu chọn phương pháp và vật liệu để bảo quản nhằm kéo dài tuổi thọ cho mộc bản; có kế hoạch hợp tác với Viện nghiên cứu Hán Nôm, Viện văn học, Thư viện Quốc gia… tổ chức triển lãm, công bố mộc bản dưới nhiều hình thức như biên dịch, in sách, triển lãm, làm phim tư liệu.

UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cũng đang xây dựng đề án làng văn hóa du lịch Trường Lưu nhằm nâng tầm và khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa, lịch sử của làng Trường Lưu, trong đó có mộc bản trường học Phúc Giang.

Ông Võ Hồng Hải, Bí thư Huyện ủy Can Lộc chia sẻ, việc mộc bản trường học Phúc Giang được công nhận di sản tư liệu thế giới sẽ là tài nguyên vô giá để xây dựng thành làng văn hóa du lịch Trường Lưu. Phát huy các giá trị của mộc bản trường học Phúc Giang cần kết hợp đồng bộ nhiều yếu tố như: quy hoạch bài bản và phục hồi lại các di tích văn hóa lịch sử ở làng Trường Lưu, mộc bản sẽ là một phần đậm nét trong hành trình của du khách khi về thăm Trường Lưu.

Huyện Can Lộc đang phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh tổ chức trưng bày mộc bản, tạo ra các phiên bản của mộc bản để bán cho du khách. Huyện Can Lộc cũng sẽ giao cho Phòng Giáo dục – đào tạo tổ chức cho học sinh đến tham quan trong chương trình ngoại khóa để các em hiểu thêm về truyền thống hiếu học và cách thức học tập của cha ông.

TTXVN/Hoàng Ngà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP