Các Sở - Ban - Ngành

TAND tỉnh Hà Tĩnh: Công tác giải quyết án hành chính góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị

Năm 2104, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân thì cũng phát sinh những vấn đề phức tạp, khiếu kiện hành chính và loại án hành chính ở Hà Tĩnh cũng tăng đáng kể…

Nhân dịp kỷ niệm ngày Truyên thống TAND, phóng viên Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Quốc Việt, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh về mảng công tác này.

Phóng viên: Xin ông cho biết một số kết quả về công tác giải quyết án hành chính từ đầu năm đến nay?

Chánh án Trần Quốc Việt: Trong thời gian qua, cùng với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh. Cấp uỷ đảng, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh triển khai các công trình, dự án trọng điểm trên quy mô lớn, tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, trong đó có sự gia tăng các khiếu nại, khiếu kiện hành chính liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư tại các địa bàn đang triển khai các dự án trọng điểm như: huyện Kỳ Anh, Đức Thọ, Hương Khê, Vũ Quang và TP. Hà Tĩnh…

Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh Trần Quốc Việt

Trong 8 tháng đầu năm 2014, TAND hai cấp ở Hà Tĩnh đã thụ lý, giải quyết 23/31 vụ án hành chính sơ thẩm; TAND tỉnh thụ lý, giải quyết 8/13 vụ án hành chính phúc thẩm. Ngoài các vụ án đã được TAND hai cấp thụ lý, giải quyết còn số lượng rất nhiều đơn khởi kiện đang trong quá trình được tòa án xem xét để thụ lý, giải quyết; trong đó, có nhiều vụ việc hết sức phức tạp, số lượng người tham gia đông rất khó khăn cho hoạt động tác nghiệp của toà án, cũng như ảnh hưởng đến tình hình chính trị tại địa phương.

Lãnh đạo TAND tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các đơn trực thuộc, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết các loại án, nhất là các vụ án dân sự, hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng tái định cư. TAND tỉnh chỉ đạo các đơn vị Tòa án cấp huyện trong quá trình tiếp nhận, xử lý các đơn thư khiếu kiện hành chính của công dân cần chủ động tổ chức, tạo điều kiện cho các bên (người khởi kiện và người bị kiện) gặp gỡ, đối thoại để tìm phương án giải quyết vụ án một cách tối ưu nhất, nhằm giúp các bên đi đến thoả thuận được với nhau trong việc giải quyết vụ án. Chú trọng việc nghiên cứu cẩn thận các tài liệu chứng cứ của các bên cung cấp, đặc biệt là các chính sách đền bù, tái định cư áp dụng đối với người dân có đất bị thu hồi. Nếu xét thấy quyền lợi của người dân đã được đảm bảo thì tích cực vận động, tuyên truyền pháp luật để người dân tự nguyện rút đơn, hạn chế việc khiếu kiện, khiếu nại đông người, vượt cấp, gây mất ổn định tình hình chính trị địa phương và tạo dư luận xấu trong xã hội. Do vậy, đến nay về cơ bản các vụ án hành chính đã được TAND hai cấp của tỉnh Hà Tĩnh thụ lý, giải quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Nhiều vụ án hành chính phức tạp đã được Tòa án hai cấp kiên trì tổ chức đối thoại thành công, cơ quan hành chính đã chủ động khắc phục những sai sót, người khiếu kiện tự nguyên rút đơn và Toà án đình chỉ giải quyết vụ án. Các vụ án hành chính từng bước được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Phóng viên: Công tác giải quyết án hành chính ở địa phương hiện nay gặp những khó khăn gì, thưa ông?

Chánh án Trần Quốc Việt: Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình thụ lý, giải quyết án hành chính, TAND hai cấp tỉnh Hà Tĩnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc sau:

Thứ nhất, rất nhiều vụ án hành chính phát sinh trong thời gian qua là do nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế, nhất là kiến thức pháp luật về đất đai, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư. Không ít trường hợp các cấp chính quyền đã tuyên truyền, vận động, quan tâm làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, quyền lợi của người dân được đảm bảo, nhưng do một số đối tượng lợi dụng việc tư vấn pháp luật đã xúi giục, lôi kéo một số hộ dân mặc dù đã nhận tiền đền bù đầy đủ mà vẫn tiếp tục khiếu kiện thiếu căn cứ, gây khó khăn cho hoạt động thụ lý, giải quyết án hành chính của tòa án, làm ảnh hưởng đến tình hình chính trị địa phương.

Đại hội Chi hội Luật gia TAND tỉnh Hà Tĩnh lần thứ IV

Thứ hai, phần lớn các vụ án hành chính phát sinh chủ yếu liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, người khởi kiện là công dân “chủ thể thường” với bên bị kiện là cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước “chủ thể đặc biệt”. Cho nên quá trình giải quyết vụ án hành chính, một số Thẩm phán, kiểm sát viên vẫn còn tâm lý nể nang, ngại va chạm với cơ quan và những người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, nhất là UBND và Chủ tịch UBND các cấp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tính độc lập khi xét xử của Tòa án, mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng xét xử các vụ án hành chính chưa cao.

Hiện nay nhận thức của một bộ phận cán bộ chính quyền các cấp vẫn xem TAND cấp huyện như một phòng, ban chuyên môn của Uỷ ban nhân dân. Do đó, trong nhiều trường hợp Tòa án hai cấp chưa thực sự nhận được sự phối hợp kịp thời và có hiệu quả của người bị kiện, nhất là việc cung cấp các tài liệu chứng cứ, chấp hành giấy triệu tập của toà án. Một số trường hợp người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước vì lý do công việc không thể tham gia tố tụng, song việc ủy quyền tham gia tố tụng lại không đảm bảo theo quy định pháp luật, làm việc giải quyết các vụ án gặp nhiều khó khăn, kéo dài.

Thứ ba, số lượng các vụ án hành chính tăng nhanh, trong khi biên chế đội ngũ Thẩm phán, Thư ký, cán bộ tòa án hai cấp được TANDTC phân bổ quá ít, nhất là biên chế Thẩm phán. Mặt khác, án kiện hành chính là loại án phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý hành chính khác nhau, trong khi Tòa án hai cấp hiện nay còn thiếu những Thẩm phán có trình độ chuyên sâu và kinh nghiệm thực tiễn về xét xử án hành chính nên quá trình thụ lý, giải quyết cũng gặp những khó khăn nhất định, phải thường xuyên tranh thủ ý kiến trao đổi nghiệp vụ của Tòa án cấp trên.

Thứ tư, Luật Tố tụng hành chính tạo hành lang pháp lý quan trọng cho tòa án  nhưng có một số quy định chưa rõ dẫn đến việc áp dụng chưa thống nhất, nhất là vấn đề ủy quyền…

Phóng viên:  Theo ông, cần có những biện pháp gì để nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính?

Chánh án Trần Quốc Việt: Để nâng cao chất lượng thụ lý, giải quyết các vụ án hành chính của TAND các cấp trong thời gian tới, chúng tôi có một số đề xuất, kiến nghị như sau:

Một là, các cấp chính quyền trong quá trình thực hiện công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng, tái định cư cần quan tâm đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính công khai dân chủ và quyền lợi của nhân dân. Khi có khiếu nại thì cần quan tâm xem xét, giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật đồng thời tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân để người dân hiểu rõ và tạo sự đồng thuận chung trong xã hội.

Hai là, án hành chính là một loại án mới phát sinh nhiều trong những năm gần đây, trong đó có nhiều vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Trong khi thực tế hiện nay số lượng các Thẩm phán có kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết án hành chính chưa nhiều. Vì vậy, trong thời gian tới TANDTC cần tăng cường tổ chức, chỉ đạo công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, nhất là kỹ năng giải quyết án hành chính. Thẩm phán xét xử án hành chính ngoài kiến thức pháp luật chuyên sâu cũng cần phải có kiến thức về quản lý hành chính Nhà nước liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ba là, sau hơn ba năm Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực pháp luật, song thực tiễn áp dụng vẫn gặp phải những khó khăn nhất định do có nhiều quy định chưa được hướng dẫn cụ thể như: về trình tự, thủ tục tổ chức đối thoại; các tiêu chí đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính để các Thẩm phán khi giải quyết vụ án hành chính có căn cứ thống nhất trong việc đưa ra các phán quyết của mình. TANDTC cần ban hành hướng dẫn cụ thể về các vấn đề trên để đảm bảo tính thống nhất trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

Liên quan đến vấn đề ủy quyền của người bị kiện, theo chúng tôi, TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể theo hướng: người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức bị khởi kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình tham gia tố tụng, để đảm bảo khả năng chủ động và thẩm quyền quyết định các vấn đề liên quan đến yêu cầu của người khởi kiện trong quá trình giải quyết vụ án. Đồng thời sớm hiện thực hoá mô hình TAND sơ thẩm khu vực và TAND cấp cao nhằm đảm bảo tính độc lập của Tòa án trong quá trình giải quyết các loại án, nhất là án hành chính.n

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Kế Hùng (thực hiện)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP