Vậy tại sao Panama được gọi là “ổ trốn thuế”, một trong những nơi hấp dẫn bậc nhất những người trốn thuế?
Panama cung cấp rất nhiều dịch vụ tài chính tốt dành cho người nước ngoài, đặc biệt là những người muốn tránh đóng thuế cũng như tránh các quy định tài chính nghiêm ngặt từ đất nước họ. Theo BBC, một nghiên cứu khoa học năm 2013 của Trung tâm Thuế Na Uy cho hay, lịch sử “ổ trốn thuế” của Panama bắt đầu vào năm 1919 khi nước này cho các tàu nước ngoài đăng ký để giúp tập đoàn dầu khí khổng lồ của Mỹ là Standard Oil trốn thuế.
Một khu phố ở Panama. |
Tiếp sau đó, nhiều chủ tàu Mỹ khác đã làm theo để né tránh những chính sách nghiêm ngặt hơn của Mỹ về chế độ lương bổng và điều kiện làm việc cho nhân viên. Dù vậy trong vài thập kỉ sau đó, số tài khoản nước ngoài ở Panama cũng chỉ ở mức bình thường. Số đó tăng lên đáng kể từ năm 1970 khi giá dầu thế giới tăng vọt.
Không chỉ vậy, những quy định pháp luật về tài chính hết sức nghiêm ngặt đã giúp Panama trở thành một trong những “ổ trốn thuế” kiên cố uy tín nhất trên thế giới. Giới giàu có và quyền lực rất yên tâm giấu tiền vào nơi đây.
Panama có những chính sách thuế rất nhẹ nhàng. Nước này không đánh thuế đối với các công ty nước ngoài thu được lợi nhuận bên ngoài Panama và khách hàng của họ là các công ty bên ngoài Panama.
Các công ty nước ngoài thành lập tại Panama được miễn các loại thuế doanh nghiệp. Họ không phải đóng thuế nhà thầu (đánh vào các hợp đồng mà nhà thầu có xuất xứ nước ngoài), thuế thu nhập, thuế lợi vốn, các khoản thuế địa phương, và các loại thuế bất động sản hoặc thuế thừa kế, bao gồm cả thuế quà tặng.
Panama là một đất nước nhỏ bé với diện tích chỉ có 74.177 km2. |
Tên của các cổ đông của một công ty không cần phải đăng ký công khai. Thủ tục thành lập công ty cũng vô cùng đơn giản
Ngoài ra, Panama cũng có nhiều luật bảo vệ sự riêng tư tài chính của các doanh nghiệp và cá nhân với nhiều hình phạt nặng đối với các hành vi vi phạm. Điều này đã khiến cho các cá nhân và tổ chức nước ngoài rất yên tâm giấu tiền ở đây.
Luật bảo mật tiền gửi ngân hàng của Panama cũng cực kì nghiêm ngặt. Các ngân hàng Panama đều bị cấm chia sẻ bất kỳ thông tin gì về tài khoản từ nước ngoài hoặc chủ tài khoản đó. Họ chỉ được cung cấp thông tin khi có lệnh của tòa án Panama để phục vụ cho một cuộc điều tra hình sự.
Hồ sơ Panama lấy từ công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama. |
Panama không có hiệp định thuế với các nước khác, do đó giúp nâng cao tính riêng tư tài chính của khách hàng là công dân của các quốc gia khác. Panama cũng không kiểm soát ngoại hối. Do vậy, người chuyển tiền vào và ra khỏi nước này dù với số lượng lớn cũng không cần khai báo.
BBC cho hay, hồi năm 2014, nhà báo Ken Silverstein đã viết: “Luật pháp Panama đã thu hút một hàng dài những “túi tiền bẩn” và các nhà độc tài tới đây để giấu những thứ mà họ đã “ăn cắp” được. Khi Manuel Noriega, Tư lệnh các Lực lượng Quốc phòng Panama, lên cầm quyền năm 1983, ông ấy đã quốc hữu hoá các doanh nghiệp rửa tiền bằng cách hợp tác với tập đoàn ma tuý Medellin và cho tập đoàn này tự do hành động trong đất nước này”.
Điều gì khiến Panama khác biệt so với các “ổ trốn thuế” khác?
Jolyon Maugham, một luật sư chuyên về thuế, nhận định: “Không nơi nào trốn thuế tốt hơn Panama”. Ông này cho rằng, những nơi giúp trốn thuế không giúp ích gì mà còn có tác động tiêu cực cho nền kinh tế toàn cầu và Panama nổi bật trong nhóm tiêu cực này. Ông nói thêm: “Bạn không nên để tiền ở một nơi như vậy. Nơi đó chỉ đáng chú ý bởi giữ tiền cực kì bí mật”.
Ông Maugham cho rằng Panama tạo ra “một hình thức bảo mật đặc biệt nghiêm ngặt, một loại mù mờ về quyền sở hữu, và một nhóm quản lý tài sản chuyên nghiệp và nhiều trong số đó có đạo đức đặc biệt kém”.
Tổ chức chống trốn thuế Tax Justice Network nói về Panama: “Trong những năm gần đây, Panama đã áp dụng lập trường cứng rắn khi từ chối hợp tác với các đề xuất minh bạch của quốc tế.”
Pascal Saint-Amans, giám đốc trung tâm về chính sách thuế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho hay: “Từ góc nhìn tai tiếng, nhiều người tin tưởng, Panama là nơi duy nhất để giấu tiền”.
Theo BBC, sau khi có Hồ sơ Panama rò rỉ, Tổng thống Panama Juan Carlos Varela cho biết chính phủ của ông “không khoan nhượng” đối với các hoạt động tài chính bất hợp pháp.
Nội dung được thực hiện qua tham tham khảo nguồn tin từ BBC của Anh và India Times của Ấn Độ.